BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổ xô tìm… gốc trâm già 

Cập nhật ngày: 14/01/2020 - 08:24

BTN - Thời gian gần đây, cây trâm già cô đơn nằm chơ vơ giữa cánh đồng lúa Gò Duối (ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) trở thành tâm điểm trên mạng xã hội với những ai yêu thích chụp ảnh thiên nhiên, làng quê dân dã.

Những khoảnh khắc được ghi lại dưới gốc cây trâm cô đơn.

Sở dĩ được gọi là cây trâm cô đơn vì giữa cánh đồng ruộng mênh mông chỉ duy nhất cây này mọc lên sừng sững. Gần đây, không ít bạn trẻ và các nhiếp ảnh gia đã tìm đến đây để sưu tầm những bức ảnh độc, lạ. Có người bố trí khung cảnh này để chụp với áo dài, áo bà ba, xe đạp; có người lại săn cảnh bình minh, ảnh đổ bóng dưới ánh hoàng hôn; có người lại khai thác nét đẹp lao động của những người nông dân đang làm ruộng.

Và tất cả đều lấy bối cảnh cây trâm già làm nền. Vào buổi sớm mai, gốc trâm già tạo nên bức tranh đồng quê thơ mộng, bình yên; lúc ráng chiều, thân cây cằn cỗi, cành khẳng khiu trụi lá khiến lòng người không khỏi nhiều cảm xúc.   

Với cây trâm già cô đơn, ông Nguyễn Minh Thiện (TP. Tây Ninh) đã có hàng trăm bức ảnh chia sẻ trên group “Xóm ảnh Tây Ninh” thu hút sự chú ý của nhiều người. Ông Thiện cho biết, trong một dịp tình cờ đi săn ảnh hoàng hôn trên cánh đồng Gò Duối, từ đường nhìn vào, ông thấy dáng một thân cây to sững sừng đứng giữa đồng.

Dưới góc máy của ông Thiện, cây trâm già đã khô cằn trở nên lung linh, huyền bí trong ráng đỏ chiều tà. Để có những bức ảnh đẹp, ưng ý, hầu như ngày nào ông Thiện cũng có mặt tại đây để săn ảnh. Ông tươi cười nói: “Ở đây, tôi đã chụp được cảnh bình minh, cảnh hoàng hôn rồi.

Hiện tôi đang canh để chụp cảnh ban đêm với dải ngân hà vắt ngang bầu trời. Rồi tới đây, khi mùa nước lụt, nước ngập trắng đồng, cảnh chụp cũng sẽ khác, tôi sẽ tranh thủ kiếm một tấm trước khi cây trâm mục ruỗng, dáng không còn đẹp nữa. Tôi đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian mang máy đi chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của quê mình”.   

Theo bà Nguyễn Thị Nàng (60 tuổi), cây trâm này do ông cố của bà trồng ngay bên cạnh phần ruộng của gia đình, nhằm tạo bóng mát tránh nắng, nghỉ ngơi sau những buổi làm đồng. Cây này là giống trâm rừng, trái nhỏ như đầu đũa, mọc thành chùm. Tính ra lúc cây còn sống cũng đã hơn trăm tuổi rồi.

Với gia đình của bà Nàng, cây trâm này gắn bó như hình ảnh còn lại của ông bà trong dòng họ. Bà Nàng cứ tấm tắc khen mãi về cây trâm lúc còn sống, dáng cây rất đẹp, tán lá xum xuê xanh mướt nhìn xa trông như gốc đa cổ thụ mọc đầu làng của những vùng thôn quê Bắc bộ. Vào mùa hè, cây có trái, trẻ con trong xóm cứ kéo nhau ra đó vin cành hái ăn. Rồi những trưa nắng làm ruộng, vợ chồng bà Nàng và mấy người con trai vẫn thường dọn cơm ra ăn dưới tán cây mát rượi.

Cây gắn bó vậy nên có lần một người thân của bà Nàng đã bán cây đi, bà Nàng nhất quyết mang tiền trả lại người mua. Bà cho biết: “Từ lúc cây chết, thấy dáng cây đẹp thu hút nhiều người đến chụp hình cưới, rồi quay phim này nọ, tôi thấy lạ và cũng rất vui. Tôi vẫn để cây vậy đến khi nào cây mục, ngã xuống thì thôi. Tôi đang định tìm cây khác về trồng bên cạnh, để sau này có bóng mát cho con cháu nghỉ ngơi khi làm đồng”.

Giữa khoảng không mênh mông của ruộng đồng, cây trâm già cô đơn dù chết nhưng vẫn để lại một góc chụp ảnh lý tưởng cho nhiều người. Tuy nhiên, mong các bạn trẻ đến đây chụp hình có ý thức giữ gìn, không nên bước chân xuống ruộng làm hư hại lúa của nông dân.

Hoà Khang - Ngọc Diêu