BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn Cải lương Tây Ninh: Năm mới – vở diễn mới – hy vọng mới

Cập nhật ngày: 06/01/2012 - 06:05

(BTNO) – Trong những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, anh chị em nghệ sĩ Đoàn Cải lương Tây Ninh đang tích cực luyện tập vở diễn mới. Khác với hai năm trước, năm 2012, Đoàn Cải lương Tây Ninh tập trung đầu tư cho một vở diễn “xã hội” với nội dung đang là vấn đề nóng hiện nay – đấu tranh chống tham nhũng.

Vở diễn có tên “Kẻ đánh mất chính mình” được Đức Hiền chuyển thể cải lương từ kịch bản văn học của NSƯT Đức Sìn, do NSƯT Giang Mạnh Hà – Trưởng đoàn Cải lương Đồng Nai làm đạo diễn. Nội dung vở diễn xoay quanh gia đình ông Sinh, một người có bề dày thành tích công hiến trong công cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, người luôn quyết tâm giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của một cán bộ cách mạng. Tuy nhiên, do cả tin và mù quáng, vì ma lực của đồng tiền đã tự đánh mất chính mình, biến gia đình thành bi kịch xót xa, cay đắng.

Anh chị em nghệ sĩ Đoàn CL Tây Ninh đang ráo riết tập vở diễn mới

NSƯT Kim Thoại – Trưởng đoàn Cải lương Tây Ninh cho biết, đoàn tập trung cho vở diễn mới này để chuẩn bị tham dự Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc, dự kiến tổ chức tại Cần Thơ. Trưởng đoàn Kim Thoại cho biết thêm, năm nay đoàn quyết tâm đoạt thành tích, trong đó có mục tiêu giúp Anh Thư đoạt giải Vàng, xem đó là món quà dành cho một nghệ sĩ trẻ đã có nhiều cống hiến suốt những năm qua. Anh Thư đã từng đoạt giải Trần Hữu Trang, từng giành giải Bạc tại Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc năm 2010 với vai diễn trong vở “Khu vườn của Thượng đế”...

Song song với tập vở diễn mới, lãnh đạo đoàn cũng đang tổ chức lưu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh và tìm kiếm hợp đồng biểu diễn trong dịp tết Nguyên đán, nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của đoàn trong năm 2012. Đến hẹn lại lên, trong dịp tết nguyên đán Nhâm Thìn, đoàn lại được nhiều đình, chùa trong khu vực miền Đông Nam bộ đến biểu diễn, phục vụ các lễ hội dân gian.

Năm 2011 vừa qua, dù “quân tướng” thiếu tới, thiếu lui, thậm chí có lúc Trưởng, Phó đoàn phải rong khắp nơi tìm nghệ sĩ để “đắp đổi” nhưng đoàn vẫn tổ chức được 104 suất biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa biên giới – đạt 104% kế hoạch năm. Ngoài ra, đoàn còn biểu diễn 66 suất, doanh thu trên 220 triệu đồng, đạt 170% kế hoạch.

Để đảm bảo công tác tuyên truyền và phục vụ nhu cầu của công chúng, đoàn đã dàn dựng một vở cải lương tâm lý xã hội, 01 tiểu phẩm cải lương tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, 01 tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Đoàn cũng là đoàn cải lương đầu tiên ở khu vực phía Nam được Công ty truyền hình cáp SCTV thu hình liên tiếp 04 vở cải lương, hiện vẫn thường xuyên được phát sóng trên kênh sân khấu của SCTV.

Điều khó khăn nhất đối với đoàn và cũng đã kéo dài suốt nhiều năm nay là vẫn chưa có trụ sở chính thức, hiện đang ở tạm trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Hai ba năm nay, nghe phong phanh Sở VH-TT&DL Tây Ninh sẽ sửa sang Rạp chiếu bóng Hoà Thành cũ để đưa đoàn  về đó, có sân khấu đàng hoàng để anh chị em nghệ sĩ tập tuồng, không phải “quẩn” chân trong hội trường vốn dĩ là nhà trưng bày, hay phải vất vả trông trời, trông đất khi dựng sân khấu dã chiến để phúc khảo.

Tuy nhiên, “điệp khúc chờ” vẫn lặp lại.

Đ. Hoàng Thái