Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn chuyên gia Nhật Bản tham quan nghiên cứu và trao đổi về mô hình trồng khoai mì tại Tây Ninh  

Cập nhật ngày: 16/06/2022 - 08:40

BTNO - Chiều 15.6, Viện Di truyền nông nghiệp và Viện Nông hóa thổ nhưỡng Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức đoàn tham quan tìm hiểu và trao đổi thông tin về hiện trạng sản xuất và tình hình dịch hại trên cây khoai mì tại Tây Ninh.

Giáo sư Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cùng một chuyên gia Nhật xem xét cây khoai mì giống mới trồng tại xã Tân Hội, huyên Tân Châu.

Tham gia đoàn có Giáo sư Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Tiến – Viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng Việt Nam cùng các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản.

Đón tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Giáo sư Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, chuyến tham quan lần này nhằm tìm hiểu và trao đổi một số thông tin về hiện trạng sản xuất, tình hình dịch hại trên cây khoai mì. Đồng thời, thu thập thông tin phục vụ dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải khí CO2 trong sản xuất và chế biến khoai mì.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản tham quan nghiên cứu cây khoai mì giống mới trồng tại xã Tân Hội, huyên Tân Châu.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khoai mì là một trong những cây trồng chính của tỉnh Tây Ninh, với diện tích trồng lớn, khoảng 59.000 ha, chiếm 22,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, năng suất trung bình khoảng 32,6 tấn/ha, sản lượng khoảng 1.926.440 tấn củ tươi/năm (năm 2021).

Giáo sư Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cùng một chuyên gia Nhật xem xét cây khoai mì bị bệnh khảm lá tại xã Tân Hội, huyên Tân Châu.

Tính đến ngày 14.6.2022, tổng diện tích sản xuất khoai mì còn trên đồng 45.295 ha, với các giống được trồng phổ biến gồm: KM505 (chiếm 51%), KM419 (16,9%), KM140 (15,8%), KM94 (9,3%) và một số giống khác.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã chuyển giao cho nông dân trồng 2 giống khoai mì HN3 và HN5 (hai giống được Bộ NN&PTNT công nhận kháng bệnh khảm lá và được cấp phép lưu hành), tổng diện tích là 56 ha. Ngoài ra, Sở NN&PTNT đang phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) thực hiện nhân giống nhanh đối với 4 giống khoai mì: HN1, HN36, HN80, HN97.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc NN&PTNT trao đổi với đoàn về tình hình sản xuất khoai mì tại Tây Ninh.

Trong buổi sáng cùng ngày, đoàn đã được ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh dẫn đi tham quan một số mô hình canh tác cây khoai mì tại xã Tân Hội và xã Tân Đông, thuộc huyện Tân Châu.

Minh Dương


Liên kết hữu ích