BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn kết vì một cộng đồng không còn bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 16/06/2015 - 04:20

Đến dự có BS.Nguyễn Văn Cường- PGĐ Sở Y tế, ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Quang cảnh lễ mít tinh.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, trong đó các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sốt xuất huyết.

Tại Việt Nam, SXH lưu hành ở hầu hết các địa phương, tuy nhiên trên 85% ca mắc sốt xuất huyết là ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trong những năm qua, các ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, song vẫn còn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đại biểu dự lệ̃.

Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp.

Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu để muỗi đốt rồi truyền sang người khỏe mạnh. Do đó người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.

Năm 2014, Tây Ninh ghi nhận 941 trường mắc SXH, tăng trên 25% so năm 2013; trong đó số ca mắc SXH ở trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 31,18% (300 ca), SXH do virus Dengue nặng chiếm 3,72% giảm so với năm 2013 (8,4%), không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, hiện đang vào mùa mưa, côn trùng có điều kiện phát triển mạnh, nên khả năng bùng phát dịch là rất lớn, do đó, muốn công tác phòng chống bệnh SXH hiệu quả đòi hỏi có sự tham gia của cộng đồng, gia đình.

Học sinh tham gia dọn dẹp vật dụng phế thải, làm vệ sinh quanh nhà không cho muỗi có nơi trú ẩn. Ảnh minh hoạ

Thay mặt lãnh đạo UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hoàng Nam kêu gọi toàn thể cộng đồng, các ngành, các cấp cùng tích cực tham gia hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phòng chống SXH.

SXH hiện vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, các biện pháp dự phòng vẫn được xem là có hiệu quả trong công tác phòng chống SXH.

Để phòng chống bệnh SXH, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó diệt lăng quăng thường xuyên tại từng hộ gia đình bằng tất cả các biện pháp là quan trọng nhất, dễ thực hiện, không tốn kém và hiệu quả nhất.

B.T