Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 11.4, đoàn khảo sát của Uỷ ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại (QPAN&ĐN) Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban QPAN&ĐN Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh.

Chương trình khảo sát tại tỉnh nhằm phục vụ thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; khảo sát tình hình phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Tham gia làm việc với đoàn có quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý, cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Võ Hồng Sang thông qua báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Từ năm 2000 đến nay, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định, không có thảm hoạ lớn, dịch bệnh nguy hiểm phải áp dụng các biện pháp tình trạng khẩn cấp. Riêng trong đại dịch Covid-19, tỉnh Tây Ninh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong công tác ứng phó các tình huống khẩn cấp, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, Tây Ninh luôn tuân thủ và phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, luôn coi trọng công tác phòng chống là chính; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng phòng chống.
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp tại sở chỉ huy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; mua sắm trang, thiết bị phục vụ sở chỉ huy khi có tình huống xảy ra với kinh phí gần 23 tỷ đồng; mua sắm trang bị, công cụ hỗ trợ cho dân quân tự vệ, công an, biên phòng trên địa bàn tỉnh khi tham gia xử lý các tình huống khẩn cấp với kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Với đặc thù là tỉnh biên giới, có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh (QPAN), Tây Ninh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt trong xây dựng nền QPAN, xây dựng khu vực phòng thủ ở địa phương.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo LLVT và các ngành, địa phương nắm chắc tình hình liên quan đến QPAN, trật tự an toàn xã hội cũng như diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh… để có biện pháp chủ động ứng phó, phòng ngừa.
Báo cáo của UBND tỉnh cũng nêu thông tin về tình hình phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; công tác quản lý biên giới nội bộ, song phương; đồng thời nêu một số ý kiến góp ý về dự thảo luật tình trạng khẩn cấp và các kiến nghị, đề xuất liên quan.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh trao đổi làm rõ một số nội dung các thành viên đoàn khảo sát đề nghị về công tác huy động lực lượng khi có tình trạng khẩn cấp xảy ra, chế độ chính sách cho những người trực tiếp tham gia; cơ chế chỉ đạo khi công bố lệnh tình trạng khẩn cấp; giải pháp ổn định cuộc sống người dân khu vực biên giới; vấn đề hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trên khu vực biên giới…
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh nêu một số kinh nghiệm của tỉnh Tây Ninh trong công tác chủ động ứng phó tình trạng khẩn cấp và trong công tác quản lý bảo vệ biên giới.
Riêng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc quan tâm chăm lo, xây dựng LLVT vững mạnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình hữu nghị; tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gần gũi với các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang của các tỉnh của Vương quốc Campuchia tiếp giáp biên giới; tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền…
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu dự thảo dự án luật tình trạng khẩn cấp để có thêm các kiến nghị, góp ý cụ thể; đồng thời nêu thêm một số kiến nghị của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm QPAN thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban QPAN&ĐN, trưởng đoàn khảo sát đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ nói chung, thực hiện chính sách pháp luật về tình trạng khẩn cấp, về quản lý bảo vệ biên giới nói riêng của tỉnh Tây Ninh.
Các ý kiến góp ý, kiến nghị của tỉnh sẽ được đoàn ghi nhận, tổng hợp và nghiên cứu từng nội dung cụ thể để phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tình trạng khẩn cấp cũng như báo cáo cấp thẩm quyền nghiên cứu, quan tâm đầu tư nhằm nâng cao tiềm lực QPAN trong thời gian tới.
Phương Thuý