Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai làm việc tại Tây Ninh
Thứ năm: 14:46 ngày 11/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 10.6, tại Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng–Phước Hoà, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát thực địa một số hạng mục của hồ chứa nước Dầu Tiếng.

Trước buổi làm việc, đoàn đã đi khảo sát thực địa, kiểm tra cống số 1, 2, tràn xả lũ, đập chính, đập phụ... hồ Dầu Tiếng tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu.

Công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, thời gian qua, đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm và nhận được sự chung tay của cộng đồng dân cư, nhân dân trong triển khai thực hiện.

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai hằng năm phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi được bảo đảm và tổ chức kiểm định, kiểm tra định kỳ, đột xuất. Công trình thủy lợi được đầu tư mới, nạo vét, mở rộng, phục vụ tiêu thoát nước trước mùa mưa, bão.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu kết luận.

Đến nay, có 80/94 xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ 85%) trong tỉnh thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã chủ động phối hợp đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, diễn tập đội xung kích phòng chống thiên tai với tình huống giả định, tổ chức di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây... đáp ứng yêu cầu ứng phó giờ đầu khi có thiên tai xảy ra.

Thực hiện nội dung tiêu chí 3.2 “bảo đảm đủ đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiêu chí.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, có 36/71 xã được công nhận hoàn thành nội dung tiêu chí 3.2; dự kiến cuối năm 2020 có thêm 9 xã được công nhận đạt tiêu chí 3.2. Việc quy định xã nông thôn mới đảm bảo tiêu chí 3.2 giúp chính quyền địa phương chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai, xây dựng cộng đồng, khu dân cư an toàn trước thiên tai.

Ngoài ra, công tác dự trữ nhu yếu phẩm thiết yếu được chủ động thực hiện qua việc huy động lương thực, thực phẩm trong các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn bằng nguồn dự trữ sẵn có của các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa vật tư, nhu yếu phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhất là các mặt hàng thiết yếu.  Riêng mặt hàng xăng, dầu được dự trữ và cung ứng theo hệ thống 402 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc.

Để giúp địa phương chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã kiến nghị đoàn công tác một số nội dung báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai như: Bổ sung đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí làm nhà, sửa chữa nhà ở cho nhân dân khi bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện nay, việc hỗ trợ kinh phí làm nhà, sửa chữa nhà theo Điều 15 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội (áp dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn).

Bên cạnh đó, kiến nghị xem xét hướng dẫn đơn giản quy trình xử lý vi phạm hành chính về đóng góp Quỹ PCTT đối với từng doanh nghiệp; đề nghị hỗ trợ kinh phí 45 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa đập cao su hồ chứa nước Tha La (huyện Tân Châu) trong giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý của đoàn công tác để có những định hướng, giải pháp trong công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhận xét, tỉnh đã có những nỗ lực rất đáng hoan nghênh trong công tác phòng chống thiên tai trong thời gian qua. Mặc dù Tây Ninh nằm trong vùng thuận lợi về điều kiện tự nhiên nhưng thời tiết, khí hậu hiện nay diễn biến bất thường, rất khó dự đoán. Do đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24.3.2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Diễn tập phòng chống thiên tai-Ảnh minh hoạ

Đồng thời, lồng ghép các nội dung về phòng chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; rà soát, cập nhật kế hoạch các phương án phòng chống thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, trên cơ sở đó, có phương án tu sửa, cải tạo, bảo đảm an toàn cao nhất về hồ đập. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận hành đường dây truyền tải bảo đảm an toàn hành lang, vận hành lưới điện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị tỉnh tiếp tục tổ chức diễn tập các loại hình thiên tai hay xảy ra trên địa bàn, trên cơ sở phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Đối với các đề xuất, kiến nghị của địa phương, đoàn công tác ghi nhận và sẽ báo cáo lên Ban chỉ đạo Trung ương để xem xét.

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 120 vụ thiên tai (theo địa giới hành chính), gây thiệt hại: 1 người chết, 14 người bị thương; 1.500 căn nhà bị ngập, sập và tốc mái; 2.359 ha cây trồng bị ảnh hưởng; tổng giá trị thiệt hại là 32,39 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ thiên tai (theo địa giới hành chính) làm 27 căn nhà, 3 trường học và 109 ha cây trồng bị ảnh hưởng; giá trị thiệt hại 4.562 triệu đồng.

Trong năm 2019, 5 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh đã kịp thời chi hỗ trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai trên địa bàn tỉnh, với kinh phí 26,372 tỷ đồng trên tổng số 7.906 hộ, 13.006 ha cây trồng của 65 xã/7 huyện, thị xã.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục