Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nghiệp cần quan tâm áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến 

Cập nhật ngày: 24/04/2020 - 10:47

BTN - Bên cạnh việc tái cấu trúc, các doanh nghiệp còn cần phải chú trọng sử dụng các hệ thống quản lý (HTQL) tiên tiến, công cụ cải tiến (CCCT) để vực dậy doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh.

Nhà máy chế biến của Công ty CP cao su Tây Ninh trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Tân Châu.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức- nhất là về tài chính, nhưng lại phải duy trì sự tồn tại, ổn định và phát triển. Bên cạnh việc tái cấu trúc, các doanh nghiệp còn cần phải chú trọng sử dụng các hệ thống quản lý (HTQL) tiên tiến, công cụ cải tiến (CCCT) để vực dậy doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh.

Hỗ trợ nhiều doanh nghiệp áp dụng HTQL, CCCT

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, quá trình phổ biến hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã giúp doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; tiếp cận thông tin cập nhật, công nghệ tiên tiến thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Từ đó điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hoá chủ lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng và áp dụng các HTQL tiên tiến, các CCCT năng suất chất lượng sản phẩm đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 24 doanh nghiệp và 1 Trung tâm Hành chính công với 33 lượt hỗ trợ tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2019, doanh nghiệp tham gia các dự án, chương trình thành công và dần khẳng định trên thị trường. Điển hình như Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt giải thưởng chất lượng quốc gia.

Qua đó, có 11 doanh nghiệp được UBND tỉnh tặng bằng khen do đã đạt thành tích xuất sắc, đạt giải thưởng chất lượng quốc gia. Trong đó, có 3 doanh nghiệp đạt giải vàng, 8 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia; 2 doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ và đề xuất Hội đồng quốc gia tặng giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2019.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng vẫn chưa được các doanh nghiệp tham gia: Chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp với quy chuẩn Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với các sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính và trình độ quản lý còn thấp nên việc nhận thức tầm quan trọng, sự cần thiết phải áp dụng và duy trì các công cụ cải tiến năng suất chất lượng còn hạn chế; các khoá đào tạo về năng suất, chất lượng, một số doanh nghiệp cử cán bộ tham dự chưa phù hợp với nội dung khoá học, đặc biệt là chưa thu hút được lãnh đạo doanh nghiệp, nên việc áp dụng sau đào tạo chưa đạt hiệu quả cao

Doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm khi áp dụng HTQL, CCCT

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng các HTQL chất lượng, CCCT năng suất tiên tiến, hiện đại trong quá trình sản xuất và mang lại những hiệu quả thiết thực.

Như Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh, hiện đang duy trì tốt 3 HTQL chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, ISO 14001: 2015, ISO/IEC 17025: 2017 và công cụ nâng cao năng suất chất lượng Kaizen. Công ty đã xây dựng và áp dụng chương trình cải tiến Kaizen đến nay và đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Cụ thể, từ năm 2015-2019, công ty có 63 sáng kiến hoàn thành. Các cải tiến đã tiết kiệm được nhiên liệu, vật tư, hoá chất, điện năng, giảm nhân công lao động, bảo vệ môi trường, giảm chi phí, tăng năng suất lao động và nâng cao năng suất lao động, giúp công ty tiết kiệm 7,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn hướng tới áp dụng chương trình phát triển bền vững theo tiêu chuẩn FSC; chương trình kiểm toán năng lượng, công cụ nâng cao năng suất chất lượng sản xuất tinh gọn CLEAN; xây dựng hệ thống thẻ cân bằng điểm (Balanced scorecard); ứng dụng công nghệ Blockchain trong ngành nông nghiệp như bảo đảm chất lượng sản phẩm (QA), truy xuất nguồn gốc, quản lý thời gian thực, chuỗi cung ứng....

Từ khi áp dụng HTQL tiên tiến, CCCT năng suất, chất lượng sản phẩm của công ty ngày càng được nâng cao và ổn định. Đặc biệt, sản phẩm cao su của công ty được xây dựng thương hiệu VRG và nhãn hiệu Cao su Việt Nam có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.

Để luôn giữ vững, ổn định vị thế của mình trên thị trường cao su, trong năm 2020, công ty sẽ tiếp tục thực hiện và duy trì công cụ cải tiến năng suất chất lượng Kaizen, đồng thời, các đơn vị của công ty đang tích cực đăng ký các chủ đề cải tiến cho bộ phận của mình. Bên cạnh đó, công ty phải làm mới, tăng năng suất vườn cây, hạ giá thành, duy trì chất lượng ổn định, đa dạng hoá sản phẩm, chế độ hậu mãi và giá bán cao hơn.

Bà Hồ Thị Bích Loan - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Công ty Cao su Tân Biên) cho biết, thời gian qua, công ty đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai áp dụng thành công các HTQL, CCCT năng suất chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, ISO 14001: 2015. Việc áp dụng cải tiến hiện đại đã giúp công ty giảm thiểu lãng phí trong tất cả các quá trình hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và khuyến khích mọi người trong công ty tham gia vào quá trình cải tiến năng suất, chất lượng.

Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được thực hiện tốt hơn. Từ khi áp dụng HTQL tiên tiến, CCCT năng suất, chất lượng thì tỷ lệ rớt hạn sản phẩm không còn; khách hàng khiếu nại cũng giảm rõ rệt.

Bà Loan cho biết thêm, trước đây sản phẩm từ mủ cao su được sấy bằng dầu, chất lượng sản phẩm đạt thấp, không tốt cho môi trường. Hiện nay, công ty cải tiến công đoạn sấy sản phẩm từ mủ bằng gas, giải pháp cải tiến này vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mặt khác, công ty áp dụng cải tiến dây chuyền sản xuất bằng cách áp dụng thêm công đoạn kiểm tra độ nhớt của mủ, sàng lọc nguyên liệu đầu vào để chế biến phù hợp với từng loại sản phẩm. Hơn nữa, trong dây chuyền chế biến công đoạn băm trước đây có 8 dao, làm cho nguyên liệu to, không đạt chất lượng. Công ty đã cải tiến áp dụng công đoạn sấy 12 dao, cắt bỏ một máy cho công đoạn băm thô, giúp nguyên liệu được băm nhuyễn hơn, độ mủ đồng đều tạo ra sản phẩm chất lượng hơn.

Với sự nỗ lực và chủ động, sau một thời gian triển khai áp dụng HTQL, CCCT năng suất chất lượng uy tín thương hiệu của công ty tăng lên rõ rệt. Quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ; giảm rủi ro và các lỗi sai ở mức thấp nhất, từ đó góp phần giảm thiểu chi phí trong sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhi Trần

Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh” năm 2020, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các HTQL tiên tiến, các CCCT năng suất chất lượng.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp như: xây dựng, áp dụng 2 hệ thống quản lý tiên tiến; áp dụng 2 công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng; chứng nhận 2 sản phẩm hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp với quy chuẩn Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với 4 sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia và triển khai hoạt động Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2020. Tổng kinh phí hỗ trợ là 524 triệu đồng.

Theo đó, dự án có những chính sách như: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở không quá 5 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy không quá 20 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình HTQL chất lượng tiên tiến không quá 50 triệu đồng/hệ thống; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các CCCT năng suất chất lượng không quá 70 triệu đồng/công cụ.