Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khu công nghiệp Trảng Bàng:
Doanh nghiệp “chậm” đóng kinh phí Công đoàn nhiều năm
Thứ tư: 13:59 ngày 30/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ), việc thu phí Công đoàn và trích nộp kinh phí Công đoàn có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước chưa chấp hành nghiêm quy định này, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn.

Chủ doanh nghiệp chưa hợp tác?

Theo Công đoàn Khu kinh tế (KKT) tỉnh, đơn vị đang quản lý 215 công đoàn cơ sở (CĐCS), với 122.852 đoàn viên. Trong vài năm trở lại đây, hầu hết các DN ngoài nhà nước thực hiện tốt việc đóng 2% kinh phí Công đoàn. Hằng năm, Công đoàn KKT tỉnh thu được kinh phí Công đoàn của khoảng 95% tổng số DN thành lập CĐCS.

Tuy nhiên, từ năm 2015, vẫn còn một số DN ngoài nhà nước không chấp hành quy định về nộp kinh phí Công đoàn. Cụ thể, mới đây (ngày 19.9.2024), Công đoàn KKT tỉnh có Thông báo số 1280 đề nghị Công ty TNHH MTV Inteplast Việt Nam (KCN Trảng Bàng, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) trích nộp 2% kinh phí Công đoàn trước ngày 30.9. Đây là thông báo lần thứ 5 của Công đoàn KKT đối với doanh nghiệp này. Theo đó, tổng kinh phí doanh nghiệp phải nộp từ năm 2015 đến tháng 8.2024 gần 895,3 triệu đồng. Dự án Nhà máy sản xuất bao bì nhựa Inteplast (sản xuất sản phẩm từ plastic và sản xuất khác) được Ban Quản lý KKT cấp chứng nhận lần đầu ngày 29.1.2015, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Trảng Bàng, với tổng số lao động hiện tại là 115 người.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn KKT tỉnh trao tặng quà cho đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Khu công nghiệp Trảng Bàng

Bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn KKT tỉnh cho biết, đơn vị đã đề nghị DN thực hiện đúng theo tinh thần Nghị định 191 của Chính phủ. “Khoản 2, Điều 6, Nghị định 191 quy định: “Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí Công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động”, nhưng DN vẫn chưa chấp hành theo quy định pháp luật Việt Nam”- bà Liên nói.

Ngày 20.9, Ban Quản lý KKT tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Inteplast VN về việc tạo điều kiện cho người lao động tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam và thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, nộp kinh phí Công đoàn. Theo ông Cheng Hsun Li- Phó Tổng Giám đốc Công ty, từ khi hoạt động đến nay, doanh nghiệp luôn bảo đảm phúc lợi, thực hiện đầy đủ và tốt cho người lao động. Qua tìm hiểu quy định pháp luật Việt Nam, việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở là không bắt buộc. Ngoài ra, ý kiến của chủ sở hữu công ty mẹ chưa đồng ý thành lập tổ chức công đoàn cơ sở tại công ty con ở Việt Nam. Đối với 2% kinh phí Công đoàn phải nộp theo thông báo của Công đoàn KKT tỉnh từ 2015 đến nay, DN đề nghị Công đoàn KKT tỉnh có thể xem xét giảm hay có phương án nào tốt nhất để công ty thực hiện phù hợp với tình hình hoạt động DN.

Báo cáo trả lời của Công ty Inteplast VN gửi Ban Quản lý KKT và Công đoàn KKT tỉnh ngày 26.10 do ông Cheng Hsun Li ký, nội dung ghi: “Sau khi tham dự cuộc họp ngày 20.9.2024 của BQLKKT, Phó Tổng Giám đốc công ty tại Việt Nam đã nhanh chóng báo cáo các nội dung cuộc họp đến Tổng Giám đốc công ty tại Đài Loan và Chủ tịch công ty mẹ tại Mỹ về việc xin ý kiến đóng phí Công đoàn từ tháng 7.2015 đến tháng 5.2024, thành lập công đoàn cơ sở tại công ty, tạo điều kiện để Công đoàn tỉnh đến khảo sát, nắm bắt tâm tự, nguyện vọng của NLĐ về tham gia công đoàn cơ sở. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời từ các lãnh đạo cấp trên. Vì đây là quyết định quan trọng đối với Công ty Inteplast tại Việt Nam nên quá trình báo cáo, xin xét duyệt cần nhiều thời gian hơn, đến khi có kết quả chính thức, Công ty Inteplast sẽ lập tức báo cáo bằng văn bản đến BQLKKT và Công đoàn Khu kinh tế tỉnh được biết”. Báo cáo cũng thể hiện thiện chí, mong cơ quan Nhà nước thông cảm, tạo điều kiện và hướng dẫn thêm cho công ty.

Cần thực hiện theo quy định pháp luật

Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Chủ tịch Công đoàn KKT tỉnh cho biết, đơn vị nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng đến công ty làm việc và vận động thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, DN vẫn chưa tạo điều kiện thành lập công đoàn cơ sở tại công ty.

Trụ sở Công ty TNHH MTV Inteplast Việt Nam tại KCN Trảng Bàng, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng

Dẫn quy định pháp luật, ông Danh cung cấp thêm, khoản 4 Điều 4 Nghị định 191 quy định đối tượng đóng kinh phí Công đoàn là “doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư” mà không phân biệt doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn. Tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập nhằm đồng hành với doanh nghiệp trong việc chăm lo cho người lao động. Việc đóng 2% kinh phí Công đoàn theo quy định là nghĩa vụ bắt buộc công ty phải thực hiện dù công ty chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Theo Quyết định 8086 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 2% kinh phí Công đoàn sau khi công ty nộp về Tổng LĐLĐ Việt Nam, 75% tổng số thu kinh phí Công đoàn sẽ được chuyển về CĐCS để hoạt động chăm lo cho người lao động. Tuy nhiên, để được cấp lại 75% kinh phí này, tại doanh nghiệp cần thành lập tổ chức công đoàn, có con dấu riêng, có tài khoản CĐCS. Do vậy, Công đoàn KKT tỉnh đề nghị công ty quan tâm tạo điều kiện để thành lập tổ chức CĐCS theo quy định pháp luật.

Ban Quản lý KKT tỉnh cho biết thêm, qua các đợt kiểm tra, giám sát tại công ty, ghi nhận đến nay công ty chưa thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nên không thực hiện được các nội dung như: xây dựng và đăng ký nội quy lao động; ký kết thoả ước lao động tập thể; thực hiện quy định về dân chủ cơ sở tại nơi làm việc… theo quy định. Ban Quản lý KKT tỉnh đề nghị doanh nghiệp thực hiện những nội dung được quy định tại Nghị định 191 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn theo ý kiến của Công đoàn KKT; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam; phối hợp Công đoàn KKT thực hiện xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, giúp người lao động gắn bó lâu dài với công ty, đạt mục tiêu Đề án 08 của Tỉnh uỷ về tập hợp, đoàn kết công nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong đó, có đặt mục tiêu “thành lập mới 100% tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên”; sắp xếp, tạo điều kiện cho Công đoàn KKT tỉnh có buổi gặp gỡ công nhân lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Hiện nay, Công đoàn KKT tỉnh ghi nhận khoảng 11 DN trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ đóng 2% kinh phí Công đoàn, đóng kinh phí Công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng, đóng chậm và nợ đóng.

Tâm Giang

Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 7.1.2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội...: “Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng”.

Chế tài hiện nay chưa đủ mạnh, do đó, kiến nghị chế tài mạnh hơn như tính lãi suất theo khoản nợ, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật để xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Tây Ninh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục