Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nghiệp chế biến khoai mì gặp khó vì dịch Covid-19 

Cập nhật ngày: 05/03/2020 - 08:48

BTNO - Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của không ít doanh nghiệp, trong số đó ngành chế biến khoai mì cũng gặp nhiều khó khăn không kém do hàng hóa không thể xuất khẩu, ứ đọng hàng trong kho.

Ngành sản xuất, chế biến tinh bột khoai mì ở tỉnh cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Một doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì ở huyện Châu Thành cho biết, tinh bột khoai mì được sản xuất chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ lúc dịch bệnh bùng phát đến nay, việc xuất khẩu tinh bột bị đứng lại, trong khi thị trường nội địa tiêu thụ không được nhiều nên hàng hóa còn tồn động ở doanh nghiệp khá nhiều. Doanh nghiệp đang trông chờ tình hình dịch bệnh chuyển biến khả quan để việc xuất khẩu tinh bột được nối lại, hiện tại doanh nghiệp chỉ hoạt động sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động.

Theo đại diện doanh nghiệp này, giá khoai mì tươi đã giảm mạnh so với thời điểm trước tết, dao động từ 2.100- 2.200 đồng/kg, còn thời điểm trước tết nguyên đán có lúc giá khoai mì tươi lên đến 2.600- 2.700 đồng/kg và chủ yếu là nguồn khoai mì nhập khẩu từ Campuchia về. Thế nhưng, do việc xuất khẩu tinh bột không được nên doanh nghiệp cũng không dám nhập củ về nhiều mà chỉ nhập lượng ít để cho nhà máy hoạt động. Hiện công suất hoạt động của nhà máy chỉ khoảng 50% công suất thiết kế.

Tương tự, một chủ doanh nghiệp khoai mì ở xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành cho biết, tình hình dịch bệnh khiến việc xuất khẩu tinh bột khoai mì sang thị trường chính là Trung Quốc gặp khó khăn thời gian qua. Hiện tại doanh nghiệp đang tồn dộng khoảng 3- 4 ngàn tấn bột mì. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp vẫn cho nhà máy hoạt động cầm chừng với khoảng 50% công suất.

Nếu giai đoạn này doanh nghiệp cho nhà máy đóng cửa, người lao động sẽ đi tìm việc làm mới. Khi hoạt động xuất khẩu được thông thương, nhà máy hoạt động lại thì rất khó tìm kiếm lao động. Dù biết việc hoạt động không mang lại lợi nhuận và đang gặp khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố cầm cự để tạo việc làm cho lao động đã có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp.

Cũng theo chủ doanh nghiệp này, hiện nay đã có một số nhà máy mì công suất nhỏ tạm ngưng hoạt động vì tình hình khó khăn, chỉ còn lại các doanh nghiệp khoai mì có công suất lớn cố gắng cầm cự hoạt động để giữ chân người lao động. Do đó doanh nghiệp cũng hy vọng tình hình dịch bệnh sớm qua đi để việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến khoai mì được thuận lợi hơn.

Thế Nhân