Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Doanh nghiệp, hợp tác xã khó khăn tổ chức liên kết sản xuất
Thứ tư: 23:38 ngày 27/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, các đối tượng còn gặp khó khăn trong việc tổ chức liên kết.

Thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ lãi vay; chính sách hỗ trợ liên kết; chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, các đối tượng còn gặp khó khăn trong việc tổ chức liên kết.

Các thành viên trong HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc, huyện Tân Biên trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Hỗ trợ được nhiều dự án

Đối với chính sách hỗ trợ lãi vay, kết quả năm 2023 tổ chức kiểm tra, chi tiền hỗ trợ là 1.118/2.400 triệu đồng cho 7 dự án, đạt 46,59% vốn giao; không sử dụng hết kinh phí do kiểm tra hỗ trợ theo thực tế thấp hơn so kinh phí giao; luỹ kế hỗ trợ từ năm 2019 đến nay đã hỗ trợ 5.790/11.369 triệu đồng cho 14 dự án.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt 2 dự án gồm: dự án trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Gò Dầu; dự án trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện Châu Thành.

Về chính sách hỗ trợ liên kết, kết quả ước thực hiện năm 2023 là 24.106/24.830 triệu đồng cho 7 dự án  gồm 737 hộ, 1.472,8 ha, 530 con bò, 12 tổ hợp tác, 8 HTX, 4 doanh nghiệp, đạt 97% kinh phí giao.

Hiện Sở NN&PTNT thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt 1 dự án hỗ trợ liên kết trồng dưa lưới của HTX thương mại, dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi trên địa bàn các huyện, thành phố: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và thành phố Tây Ninh.

Sở NN&PTNT phối hợp cấp huyện hướng dẫn các huyện thẩm định hồ sơ, trình UBND cấp huyện phê duyệt 4 dự án gồm: dự án liên kết nuôi cá lóc huyện Dương Minh Châu đã phê duyệt; dự án liên kết nuôi cá lóc thị xã Trảng Bàng; dự án trồng lúa huyện Châu Thành và dự án trồng sầu riêng thị xã Hoà Thành.

Thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết, bước đầu các tổ chức, cá nhân có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đã hỗ trợ đầu ra cho người nông dân tham gia liên kết ổn định, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Sản xuất nông nghiệp ngày càng được thay đổi theo hướng nâng cao được hiệu quả sản xuất.

Công nghệ cao, sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng ngày càng được áp dụng nhiều… Qua đó, góp phần vào việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện đạt các chỉ tiêu nông thôn mới. Đồng thời phát huy được vai trò của kinh tế tập thể, tạo được niềm tin vào các tổ chức sản xuất.

Còn khó khăn tổ chức liên kết

Các chính sách đã tạo động lực để các HTX đẩy mạnh đầu tư theo mô hình chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất.

Chính sách hỗ trợ liên kết quy định các đối tượng muốn được thụ hưởng chính sách phải có liên kết với ít nhất 1 HTX nhưng doanh nghiệp thường ký hợp đồng trực tiếp với nông dân không qua HTX nên không thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ của chính sách.

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thường không đủ năng lực để tham gia chuỗi liên kết để thực hiện dự án liên kết (chủ trì liên kết) nhưng hỗ trợ giống, vật tư phải thông qua HTX nên cũng gây khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết.

Các dự án, kế hoạch đề nghị hỗ trợ chưa thật sự nhiều, do nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ điều kiện hỗ trợ, cần phải có thời gian đầu tư và hoàn thiện các điều kiện theo đúng quy định.

Ngoài ra, tập quán, thói quen canh tác của người dân là bán ngay tại ruộng, dễ phá vỡ hợp đồng do sự chênh lệch về giá bán giữa doanh nghiệp thu mua và thương lái bên ngoài liên kết nên liên kết không ổn định.

Đại diện một HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết, dù đã nhiều năm cố gắng nhưng đến nay, HTX vẫn chưa thực sự xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ vì giá nông sản luôn biến động theo thị trường. Khi thương lái trả cao hơn một chút, nông dân sẵn sàng bán ra bên ngoài khiến HTX khó bảo đảm về sản lượng khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Theo Sở NN&PTNT, chính sách hỗ trợ liên kết mang tính tập thể nên việc hỗ trợ phải thông qua dịch vụ tập trung của HTX gây khó khăn trong quá trình thực hiện nếu doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng liên kết với nông dân. Những quy định trong hợp đồng liên kết có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia nên thường không hoàn chỉnh được hồ sơ theo quy định để hưởng hỗ trợ chính sách.

Nông dân làm việc tại HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Ngoài ra, các dự án liên kết có nhiều đối tượng tham gia như: doanh nghiệp, HTX, nông dân; trên địa bàn nhiều huyện có nhiều hạng mục cần xem xét thẩm định hỗ trợ như: giống, vật tư, bao bì, cơ sở hạ tầng dự án; đối với dự án có đề nghị hỗ trợ cơ sở hạ tầng thì phải thực hiện theo quy trình đầu tư công nên mất nhiều thời gian để thẩm định, trình phê duyệt dự án.

Sở NN&PTNT cho biết thêm, thị trường và giá nông sản không ổn định làm cho sản xuất ngày càng khó khăn, rủi ro lớn nên người dân và doanh nghiệp thiếu mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sản xuất. Việc khó đáp ứng được điều kiện, thủ tục của các chính sách là nguyên nhân chưa thu hút được doanh nghiệp, HTX và nông dân tham gia thực hiện dự án.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có nhiều các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm nên rất khó định hướng cho người dân. Việc thiếu các cơ sở chế biến nông sản nên vẫn còn tình trạng nông dân bị thương lái ép giá dẫn đến việc “được mùa mất giá”.

Mặt khác, môi trường sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn nhiều tiềm ẩn rủi ro do thực hiện chính sách, sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ và còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên nên còn thiếu tính chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về kinh tế tập thể cho các đối tượng có tiềm năng để nâng cao khả năng tập hợp; huy động nông dân tham gia trong liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời tập trung quảng bá sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để có sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng cung ứng ra thị trường, nhất là trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu, bản quyền cho các nông sản chủ lực trên địa bàn và nâng cao năng lực giám sát, dự báo, phòng trừ sâu, bệnh.

Sở NN&PTNT sẽ củng cố và phát huy hiệu quả của các sàn giao dịch thương mại nông sản điện tử trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin cho sản xuất và tiêu thụ, phục vụ cho việc kết nối cung - cầu nông sản của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đồng thời tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khâu sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục