Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nghiệp khó tuyển lao động khi khôi phục sản xuất 

Cập nhật ngày: 05/12/2021 - 11:15

BTNO - Sau một thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khôi phục sản xuất, các hoạt động cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn do thiếu lao động.

Người lao động chờ phỏng vấn tại một doanh nghiệp.

Tăng cường tuyển dụng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Việt Nam - Mộc Bài phải ngừng sản xuất từ ngày 15.7.2021. Đến giữa tháng 9.2021, công ty hoạt động trở lại và tăng cường tuyển dụng lao động. Nhu cầu tuyển dụng của công ty khoảng 5.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Quản lý phòng tổng vụ cho biết, thời điểm cuối năm, công ty tăng đơn hàng nên rất cần thêm công nhân. Để thu hút người lao động, công ty đưa ra nhiều chính sách như thanh toán 100% phí khám sức khoẻ; công nhân mới vào làm sẽ được xét nghiệm Covid-19 (PCR); thưởng cho công nhân giới thiệu người vào làm việc…

Do mở rộng sản xuất sau đại dịch, Công ty TNHH Brotex Việt Nam cũng đăng tuyển dụng lao động. Để tuyển được lao động, công ty phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo tuyển dụng rộng rãi trên website, zalo, facebook… Dù vậy, đến nay công ty vẫn chưa tuyển đủ công nhân để đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một số công ty khác như CCGrass, Gainlucky Việt Nam, Pouhung Việt Nam cũng thông báo tuyển số lượng lớn lao động phổ thông. Để cạnh tranh, tuyển dụng đủ lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức thu nhập khá hấp dẫn, từ 6 - 15 triệu đồng/tháng, tuỳ theo vị trí việc làm.

Ngoài ra, người lao động được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kèm theo nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ khác. Trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đều yêu cầu người lao động phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày…

Bảo đảm cung–cầu lao động cho doanh nghiệp

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các lĩnh vực giày da, dệt may, trong thời điểm dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp đang “chạy đua với thời gian” để hoàn thành các đơn hàng, kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Tuy nhiên, việc liên tục ghi nhận các ca nghi nhiễm Covid-19 khiến nhiều lao động phải tạm ngưng công việc để điều trị; nhiều lao động tự ý nghỉ việc; một số lao động muốn trở lại với công việc nhưng chưa đủ điều kiện đi làm vì còn trong khu vực phong toả hay cách ly y tế… dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị thiếu lao động, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng. 

Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, quyết tâm không để doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu lao động, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp giúp doanh nghiệp ổn định tình hình, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động; nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, có những chỉ đạo hỗ trợ cụ thể trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu, lao động, tiếp cận tài chính, hỗ trợ gia hạn, giãn nộp thuế, phí, lệ phí… cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người lao động, đến nay 100% lao động tại các công ty đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp gửi thông tin tuyển dụng lên các website, kịp thời hỗ trợ việc làm cho lao động thất nghiệp, đáp ứng nguồn nhân lực để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; nghiên cứu bố trí việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch và có chính sách hỗ trợ, động viên người lao động gặp khó khăn để họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, các địa phương đã chi hỗ trợ cho hơn 165.400 người với số tiền trên 251 tỷ đồng. Ngoài ra, theo uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt hơn 37.000 hồ sơ với số tiền hỗ trợ trên 57 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đang làm thủ tục hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với mức hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng/người. Đến ngày 3.12, đã chi cho 204.697 người với số tiền hơn 470 tỷ đồng.

Vũ Nguyệt