Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển nông nghiệp:
Doanh nghiệp là nòng cốt, thị trường là quyết định
Thứ hai: 05:51 ngày 08/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yếu tố quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thị trường và liên kết được với doanh nghiệp để cùng nhau sản xuất. Ðiều đó cũng có nghĩa là, trước khi “nuôi con gì, trồng cây gì”, người nông dân phải tìm hiểu thị trường đang và sẽ cần loại sản phẩm gì, chất lượng và mẫu mã sản phẩm ra sao.

nongnghiep.JPG

Thu hoạch lúa VietGAP tại xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng.

Chính vì vậy, nông dân phải áp dụng phương thức sản xuất “thông minh”, nghiên cứu thị trường bắt đầu từ đơn đặt hàng, nắm chắc đơn hàng rồi mới sản xuất. Ðồng thời, phải sản xuất được những sản phẩm bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh hoạt động thương mại, tiếp thị sản phẩm...

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng góp phần giúp nông dân tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào sản xuất; doanh nghiệp định hướng thị trường và liên kết với nông dân để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu sản phẩm. Ðặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn sẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện ở tình trạng (đánh trống bỏ dùi), chưa thật sự nghiêm túc liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Leo, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất lúa xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành chia sẻ: tại các buổi hội thảo về sản xuất lúa, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất lúa theo hướng VietGAP, thực hiện cánh đồng lớn với diện tích 50 ha trở lên.

Doanh nghiệp cũng hứa sẽ hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá thị trường, hỗ trợ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Thấy việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân nên ông Leo đã liên kết người dân địa phương đăng ký sản xuất lúa VietGAP với diện tích 120 ha.

Thế nhưng, khi liên hệ với doanh nghiệp trên để thực hiện liên kết thì doanh nghiệp khất lần khất lữa. Ông Leo đành phải tìm một doanh nghiệp khác để cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa.

Ông N.V.T (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) cho biết, nhà ông trồng gần 10 ha mãng cầu. Hiện nay, có những doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân nhưng lại không bao tiêu 100% sản phẩm. Cụ thể, trong sản xuất, nông dân sử dụng phân bón, giống cây trồng do doanh nghiệp cung cấp và thực hiện kỹ thuật canh tác do doanh nghiệp hướng dẫn.

Ðến khi thu hoạch, doanh nghiệp chỉ thu mua nông sản đạt chất lượng. Còn lại 30% (nông sản có phẩm chất thấp), nông dân phải tự tìm thương lái để tiêu thụ. Mặc dù, ban đầu doanh nghiệp hứa bao tiêu toàn bộ nông sản nông dân làm ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên kết sản xuất - tiêu thụ thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, đến tìm hiểu và liên kết với nông dân bao tiêu sản phẩm. Hơn nữa, người sản xuất đã quan tâm theo dõi diễn biến thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng, hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ.

Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp sạch, cần phải xác định, doanh nghiệp là nòng cốt. Bởi đầu tư làm nông nghiệp sạch chi phí rất lớn, không có doanh nghiệp đầu tư thì không thể có mô hình sản xuất quy mô lớn và tập trung.

NHI TRẦN

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục