Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị phục hồi sản xuất
Thứ bảy: 01:18 ngày 18/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế- nhất là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2104/QÐ-UBND về phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần thực phẩm Richy miền Nam.

Trong đó, việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng cơ bản tạm thời áp dụng trong phạm vi các vùng xác định cấp độ dịch bệnh vùng cam, vàng và vùng xanh. Ðối với vùng nguy cơ dịch bệnh rất cao (vùng đỏ, được xác định trong phạm vi ấp, khu phố); vùng đang bị phong toả, cách ly y tế theo quy định, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng tiếp tục tạm dừng. Các doanh nghiệp đang tích cực xây dựng phương án để khôi phục hoạt động sản xuất.

Duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh

Khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng có 70 doanh nghiệp với khoảng 20.500 lao động (số liệu tháng 6.2021, trước khi thực hiện “3 tại chỗ”). Do ảnh hưởng của dịch bệnh, để duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, các doanh nghiệp trong KCN thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Ðến tháng 7, số lao động KCN còn gần 5.300 người và đến tháng 8, KCN có 38 doanh nghiệp với khoảng 3.200 lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ”.

Theo Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (KCN Trảng Bàng), đến tháng 9, hàng hoá xuất khẩu của công ty chậm lại, hàng tồn kho tăng. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo lắng hiện nay là chi phí sản xuất tăng, về lâu dài rất khó khăn cho hoạt động.

Ông Phan Văn Ðẹp Em- đại diện công ty cho biết: “Ðơn vị nào chấp nhận lỗ thì cắt lợi nhuận của 1, 2 năm, sau dịch từng bước khôi phục; còn doanh nghiệp yếu tài chính sẽ đối diện với rất nhiều nguy cơ, rủi ro.

Chỉ tính riêng tháng 8, chi phí sản xuất của công ty tăng lên 30%, tuy nhiên, đơn vị chấp nhận lỗ để duy trì khách hàng, sau dịch sẽ phục hồi sản xuất. Hiện công ty chỉ chạy khoảng 50%-60% công suất. Số lao động trước đây là 900 công nhân, thực hiện “3 tại chỗ” còn 450 công nhân và nay còn khoảng 200 người”.

Ông Em cho biết thêm, doanh nghiệp rất mong chính quyền địa phương sớm kiểm soát dịch bệnh để hoạt động sản xuất sớm khôi phục, người lao động trở về nhà máy làm việc. Ðơn vị đang chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của tỉnh.

Thời gian qua, Công ty cổ phần thực phẩm Richy miền Nam (KCN Trảng Bàng) chỉ chạy khoảng 40% công suất. Ông Nguyễn Thành Nhơn- Giám đốc hành chính nhân sự của công ty cho biết, đơn vị chỉ duy trì một nửa dây chuyền sản xuất so với trước; tạm ngưng sản xuất những mặt hàng không thiết yếu, tập trung vào mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

“Công ty có khoảng 300 công nhân, hiện có khoảng 210 người thực hiện “3 tại chỗ”. Công ty hoạt động ở lĩnh vực thực phẩm nên số lượng lao động ít, chủ yếu là vận hành máy móc, thiết bị. Với nhu cầu thực tế, công ty cần gấp đôi số lượng công nhân đang có. Do đó, đơn vị đang chờ cơ chế của tỉnh để có hướng tiếp cận tuyển nguồn lao động mới”- ông Nhơn chia sẻ.

Theo Công ty Zhaowen (KCN Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng), trong tháng 7, tại công ty có ca F0 nên thực hiện việc cách ly và tạm ngưng hoạt động. Công ty có khoảng 1.200 lao động, theo văn bản hướng dẫn, giai đoạn 1 khôi phục hoạt động sản xuất tối đa 30% công suất, tương ứng sử dụng tối đa 30% lực lượng lao động vào làm việc, bảo đảm các điều kiện chung.

Có 250 công nhân đăng ký ở lại làm việc. Ðơn vị xây dựng các phương án phòng chống dịch, nội quy, thực hiện 5K, bố trí dụng cụ khử khuẩn ở đầu chuyền, nhà ăn... Trước cổng công ty có lắp đặt buồng khử khuẩn để khách hàng tới công ty hoặc công nhân ra, vào có thể khử khuẩn.

Công nhân mong muốn trở lại làm việc

Anh Trần Văn Tư, ngụ thị xã Hoà Thành chia sẻ, anh làm việc tại một doanh nghiệp ở KCN Trảng Bàng, do tình hình dịch bệnh nên công ty tạm ngưng hoạt động. Gần 2 tháng qua, mặc dù công ty có hỗ trợ người lao động nghỉ việc do dịch, nhưng thu nhập của anh cũng không được bảo đảm.

Biết tin công ty có kế hoạch sản xuất trở lại, anh Tư mong muốn sẽ sớm được quay lại làm việc. “Nghe nói công nhân cần phải tiêm ít nhất một mũi vaccine trước khi trở lại làm việc, tôi đã đăng ký tiêm ngừa tại địa phương và đang chờ được bố trí tiêm”- anh Tư nói.

Bảo vệ KCN Trảng Bàng dán niêm phong cabin xe đối với các xe vào KCN.

Theo ông Bùi Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu, nhiều công nhân tạm trú tại các khu nhà trọ và người dân địa phương mong muốn được sớm trở lại làm việc, bởi sau thời gian nghỉ việc do dịch bệnh, cuộc sống của công nhân đang gặp khó khăn.

Ông Tám cho biết thêm, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng công nhân mới của các doanh nghiệp trong KCN Phước Ðông khá cao. Ðịa phương luôn dành sự quan tâm cho những công nhân đang tạm trú tại các khu nhà trọ trên địa bàn, cũng như tạo mọi điều kiện để công nhân ở trọ có điều kiện quay trở lại làm việc.

Nhằm duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá trong thời gian dịch bệnh Covid-19 của các doanh nghiệp trong và ngoài KCN, mới đây, UBND tỉnh ban hành công văn về việc giao nhiệm vụ phê duyệt phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” gửi Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong công nhân. Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về hoạt động tiêm vaccine cho công nhân trong tỉnh thời gian qua.

Tấn Hưng - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục