Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo ý kiến của một số nhà quản lý thì động lực đầu tiên mà các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất ở tỉnh ta mong muốn là được làm chủ trang thiết bị và công nghệ mới.
Các gói kích cầu của Chính phủ, hỗ trợ lãi suất cho vay ở Tây Ninh vừa qua đã và đang tạo động lực mới tiếp sức cho doanh nghiệp và doanh nhân Tây Ninh. Thực tế các doanh nghiệp Tây Ninh đang cần gì? Theo ý kiến của một số nhà quản lý thì động lực đầu tiên mà các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất ở tỉnh ta mong muốn là được làm chủ trang thiết bị và công nghệ mới.
Đổi mới để khẳng định chỗ đứng trên thị trường
Dây chuyền sản xuất mới ở Công ty Tân Ngọc Lực |
Không khí sản xuất công nghiệp ở Tây Ninh hiện nay sôi động hơn với nhiều sản phẩm công nghiệp mới lần đầu tiên được sản xuất tại tỉnh nhà, không chỉ ở các doanh nghiệp cỡ “đại gia” như xi-măng Fico, mà còn từ những doanh nghiệp nhỏ như Công ty TNHH Tân Ngọc Lực- với chủ doanh nghiệp vừa được biểu dương là Doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh năm 2010.
Ra đời từ một cơ sở nhỏ ở nhiều năm trước, đến năm 2001, Công ty Tân Ngọc Lực chính thức được thành lập và nhanh chóng tham gia thị trường với nhiều sản phẩm mới. Một trong những bí quyết giúp cho doanh nghiệp này thành công chính là mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng và công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng trong và ngoài nước.
Sau nhiều lần tự nghiên cứu công nghệ và được sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều phía, đi đôi với việc mạnh dạn đầu tư mở rộng phân xưởng, thiết bị máy móc trị giá gần 9 tỷ đồng. Nhiều dây chuyền lần đầu tiên có ở Tây Ninh như máy cán tôn 2 sóng đôi có vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng với sản lượng bước đầu theo thiết kế là 350 mét/giờ. Sau đó, từ năm 2009 đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư thêm 2,5 tỷ đồng cho các thiết bị mới khác như máy cắt tôn tự động, cắt thép tấm, máy hàn nhà công nghiệp, máy sản xuất cửa cuốn hợp kim nhôm… để cho ra đời thêm 4 sản phẩm mới của ngành vật liệu xây dựng tỉnh nhà.
Một trong những sản phẩm mới duy nhất tại Tây Ninh do Công ty Tân Ngọc Lực làm được đến thời điểm này chính là sản phẩm nhà thép tiền chế. Ông Võ Văn Lực- Giám đốc Công ty cho biết, tính đến nay đã có hàng ngàn khung nhà thép tiền chế trị giá hàng trăm tỷ đồng được Công ty Tân Ngọc Lực cung ứng cho nhu cầu xây dựng của thị trường Tây Ninh, các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, Long An và bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Sự năng động của doanh nghiệp Tân Ngọc Lực vừa tạo công ăn việc làm cho gần 200 công nhân lao động với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, vừa đóng góp thêm sản phẩm công nghiệp mới cho ngành công nghiệp ở Tây Ninh trong vài năm gần đây.
Đổi mới công nghệ để tạo việc làm
Lò nung Hoffman ở Công ty CP Gạch ngói Tây Ninh |
Ba bốn năm trước, khi mà hàng đống gạch thành phẩm ế ẩm trong kho, không cạnh tranh được về giá, do phải mua nguyên liệu với giá cao thì đời sống công nhân ngành gạch ngói thật sự khó khăn, sức lao động rẻ như bèo khi đến cuối năm mỗi công nhân chỉ được thưởng 200 đến 250.000 đồng/người. Còn hiện tại, Công ty cổ phần Gạch ngói Tây Ninh đã vượt qua được những ngày khốn khó ấy, chủ yếu bằng phương thức nâng cao chất lượng, tăng số lượng thành phẩm để sống còn.
Việc ra đời của dây chuyền ép gạch chân không chính là để giải quyết bài toán khó tại đơn vị này. Qua 4 năm hoạt động với công suất 18 triệu viên gạch mỗi năm, được sản xuất bằng máy móc và khuôn mẫu kỹ thuật cao, Công ty cổ phần Gạch ngói Tây Ninh đã hoàn toàn yên tâm về chất lượng thành phẩm của mình, không còn lo lắng sẽ bị thị trường từ chối.
Một yếu tố khác là lò gạch Hoffman kiểu mới được Công ty cổ phần Gạch ngói Tây Ninh ứng dụng có hiệu quả. Có thể xem đây là khâu đột phá của ngành gạch ngói tỉnh nhà trong đổi mới công nghệ sản xuất gạch. Với những ưu thế hơn hẳn công nghệ sản xuất gạch lò đứng, tiết kiệm nhiên liệu, hạ tỷ lệ phế phẩm thấp, và nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ Hoffman được các ngành chức năng ở Tây ninh ủng hộ và tạo điều kiện cho dự án sớm đi vào hoạt động. Nhờ vậy năm nay là năm thứ tư liên tiếp đơn vị làm ăn có hiệu quả cao, sản lượng tiêu thụ đạt gần 30 triệu viên các loại, tăng 20% so chỉ tiêu kế hoạch và dẫn đầu toàn tỉnh về sản xuất gạch ngói. Thu nhập bình quân của người lao động đã tăng từ 1,5 triệu đồng lên 2,2 triệu đồng/tháng/người. Mới đây, Giám đốc Công ty CP Gạch ngói Tây Ninh Đỗ Chí Cường được vinh danh là doanh nhân tiêu biểu tỉnh Tây Ninh năm 2010.
Với nhịp độ khẩn trương, hối hả của một địa phương đang chuyển mình tăng tốc trên đường công nghiệp hoá- hiện đại hoá, việc Tây Ninh có thêm nhiều sản phẩm mới như ở các doanh nghiệp Tân Ngọc Lực, Công ty CP Gạch ngói Tây Ninh… càng có ý nghĩa trong việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Thực tế cho thấy việc đổi mới công nghệ không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho xã hội, tăng lợi nhuận mà còn tăng thu nhập, nâng cao đời sống công nhân lao động.
HUỲNH MINH ĐỨC