Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị khởi tố
Thứ ba: 23:36 ngày 17/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo quy định hiện hành, hành vi trốn đóng các loại bảo hiểm bị coi là tội phạm- một loại tội phạm hoàn toàn mới được quy định trong luật.

Công nhân đóng khung hình trong KCN Trảng Bàng.

Trốn đóng các loại bảo hiểm cho người lao động từ lâu không còn là hiện tượng đơn lẻ, cá biệt. Tại những kỳ tiếp xúc cử tri của các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân, Quốc hội hoặc những cuộc tiếp xúc giữa đại diện tổ chức Công đoàn với người lao động, nhiều ý kiến kiến nghị xem xét bổ sung hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động là tội phạm hình sự, vì bản chất của việc trốn đóng bảo hiểm chính là chiếm dụng tiền của người lao động.

Theo quy định hiện hành, hành vi trốn đóng các loại bảo hiểm bị coi là tội phạm- một loại tội phạm hoàn toàn mới được quy định trong luật. Để làm rõ thêm vấn đề này cũng như một số nội dung khác có liên quan, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Phương, ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phóng viên: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xem xét khởi tố. Là đại biểu Quốc hội, người có quyền tham gia xây dựng pháp luật, ông bình luận gì về quy định nêu trên?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là một tội phạm hoàn toàn mới- mà trước đó BLHS 1985 cũng như BLHS 1999 chưa từng quy định. Việc hình sự hoá hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, bảo vệ các quan hệ pháp luật và những quy định trong lĩnh vực lao động được nghiêm chỉnh thực thi.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, Luật Việc làm 2013 thì việc tham gia các loại bảo hiểm nêu trên là nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Khoản 1, Điều 186 Bộ luật Lao động hiện hành quy định: “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế”.

Trên thực tế, mặc dù có rất nhiều quy định kiểm soát việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động của chủ sử dụng lao động, nhưng vẫn tồn tại thực tế trốn đóng các loại bảo hiểm này. Thực trạng đó diễn ra một cách thường xuyên, dưới nhiều hình thức gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động và Nhà nước cũng như việc duy trì công bằng xã hội. Để tránh hiện tượng này xảy ra, BLHS 2015 đã quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Điều 216.

Do đó, theo tôi, chủ động phòng ngừa và tránh tình trạng vi phạm pháp luật luôn là yếu tố bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, phát triển. Sẽ cực kỳ bất lợi nếu một doanh nghiệp được thành lập hợp pháp và đang hoạt động bình thường nhưng lại không chấp hành chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Chính vì vậy, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và chấp hành một cách nghiêm túc các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương.

Phóng viên: Ngày 15.8.2019, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 05 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của BLHS. Cách nay ít ngày, các cơ quan chức năng bắt đầu tổ chức tập huấn triển khai nội dung nêu trên. Việc ban hành Nghị quyết 05 có ý nghĩa gì, thưa ông?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Như chúng ta đã biết, BLHS năm 2015 bổ sung 3 tội danh liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN tại các Điều 214, 215, 216. Điều này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Tuy nhiên, BLHS vẫn còn nhiều quy định mang tính định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất. Vì vậy, thực hiện trách nhiệm của Quốc hội giao hướng dẫn cụ thể các điều luật trên, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của BLHS. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2019.

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP gồm 8 điều. Trong đó giải thích một số thuật ngữ trong các Điều 214, 215, 216 của BLHS như: lập hồ sơ giả; lập hồ sơ bệnh án khống; kê đơn thuốc khống; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật chi phí giường bệnh; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; thẻ BHYT được cấp khống; thẻ BHYT giả; thẻ đã bị thu hồi, bị sửa chữa; trốn đóng BHXH; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN…

Nghị quyết cũng hướng dẫn một số tình tiết quy định khung hình phạt; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018; xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH…Theo đó, Nghị quyết sẽ bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với các tội danh tại các Điều 214, 215, 216 của BLHS, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cả cơ quan BHXH.

Qua nghị quyết này, chúng ta sẽ được biết thêm, không chỉ cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn, tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động (theo Bộ luật Lao động Quốc hội vừa thông qua tại kỳ 8- khoá 14) mà bất kỳ ai phát hiện hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng có quyền gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để xem xét khởi tố. Công đoàn, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động nếu thấy có dấu hiệu vi phạm có quyền gửi văn bản đến cơ quan điều tra xem xét khởi tố. Bên cạnh đó, Nghị quyết 05 cơ bản giải quyết được những vướng mắc hiện nay- nhất các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Để thực hiện việc tố tụng này, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cũng hướng dẫn: Việc gửi văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số  01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29.12.2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Phóng viên: Hiện vẫn có ý kiến nhìn nhận rằng, doanh nghiệp ở Việt Nam phải đóng các loại bảo hiểm với tỷ lệ cao hơn một số nước trong khu vực. Thông tin này đúng không, nếu đúng, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Thông tin này, là đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng được biết. Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam có văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những bất cập trong tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội và phí Công đoàn.

Theo đại diện các tổ chức nêu trên, chi phí lao động ngày một tăng cao trong khi năng suất lao động có tăng nhưng không cao. Do đó, trong giai đoạn quá độ như hiện nay, cần có các chính sách về thu bảo hiểm xã hội (BHXH) một cách hài hoà, tăng thu nhập thực tế cho người lao động, tránh mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động.

Theo VASEP, các báo cáo chuyên môn cũng chỉ rõ, mức đóng BHXH hiện tại của Việt Nam đang cao nhất trong khu vực ASEAN, lên tới 32% tổng thu nhập tiền lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10%). Đó là chưa kể 3% phí Công đoàn (doanh nghiệp đóng kinh phí Công đoàn 2% quỹ lương, người đóng 1%). Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp nhìn nhận vấn đề trên chưa thực sự khách quan. Nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ BHXH mà cho rằng chi phí BHXH cao, dẫn đến tăng chi phí doanh nghiệp là chưa hoàn toàn đúng, bởi chi phí cao hay thấp được quyết định bởi mức đóng được xác định bằng tỷ lệ đóng BHXH và nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Việc so sánh tỷ lệ đóng BHXH giữa các nước cần được đánh giá trong mối quan hệ với quyền lợi và tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH của người lao động và thân nhân người lao động.

Cụ thể, xét về tỷ lệ đóng BHXH, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao trong khu vực với tỷ lệ đóng là 27,5% (bao gồm 3% đóng vào quỹ ốm đau - thai sản; 0,5% đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 22% đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và 2% đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp- theo số liệu của Chính phủ).

Tuy nhiên, cũng có một số nước có mức đóng cao hơn Việt Nam như mức đóng cao nhất là Singapore- 37%, Trung Quốc- 38,5% và Ấn Độ- 35%. Đồng thời, việc tính toán chi phí đóng BHXH giữa các nước có sự khác nhau. Cụ thể ở Việt Nam, người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp vào quỹ BHXH để thực hiện chế độ BHXH cho người lao động. Trong khi đó, một số nước như Indonesia, Malaysia và Singapore, việc thực hiện các quyền lợi ốm đau, thai sản, thất nghiệp đối với người lao động phụ thuộc vào chi phí của người sử dụng lao động, do đó khoản chi phí trên không được tính toán vào chi phí đóng BHXH.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ BHXH mà cho rằng chi phí BHXH cao, dẫn đến tăng chi phí doanh nghiệp là chưa chính xác. Như đã nói, chi phí cao hay thấp được quyết định bởi mức đóng được xác định bằng tỷ lệ đóng BHXH và nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Thực tế ở Việt Nam, nền tiền lương đóng chủ yếu dựa trên mức lương cơ bản và có khoảng cách khá xa với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động. Tỷ lệ đóng cao nhưng nền đóng thấp thì mức đóng cũng không cao.

Công nhân đóng khung hình trong KCN Trảng Bàng.

Một điều nữa cần nhìn nhận cho thấu đáo, so sánh với thiết kế các chế độ và quyền lợi mà người lao động, thân nhân người lao động được hưởng thì tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam cao. Từ đó kéo theo các quyền lợi mà người lao động được hưởng cao. Cụ thể, quyền lợi hưởng chế độ ốm đau và thai sản ở Việt Nam được đánh giá cao so với các nước trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.

Tỷ lệ lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, tỷ lệ tích luỹ đối với nam là 2,5% và đối với nữ là 3% (kể từ ngày 1.1.2018, tỷ lệ tích luỹ có điều chỉnh giảm dần xuống còn 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ). Trong khi đó, tỷ lệ hưởng lương hưu của các nước chỉ khoảng từ 35% đến 50%, tỷ lệ tích luỹ bình quân trên thế giới là 1,7% (đặc biệt Trung Quốc, Hàn Quốc là 1%).

Như vậy, từ những so sánh nêu trên, tôi cho rằng rất khó để đánh giá mức đóng BHXH của Việt Nam là cao hay thấp so với các quốc gia khác. Theo tôi, việc đánh giá tỷ lệ đóng BHXH cần được xem xét trong việc xác định mô hình BHXH tại mỗi nước, mối quan hệ giữa mức đóng với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động.

VIỆT ĐÔNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh