Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Doanh nghiệp và CPTPP
Chủ nhật: 23:27 ngày 05/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để nắm bắt lấy cơ hội từ CPTPP , các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức về kinh doanh, đối mặt với các thách thức từ CPTPP để có kế hoạch căn cơ cho quá trình hội nhập sâu vào CPTPP , đưa doanh nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp cần phải chú trọng nâng cao nguồn nhân lực khi tham gia CPTPP (ảnh minh hoạ).

Ngày 24.1.2019, 10 ngày sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định với các nội dung như: yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản. Trong đó cần tập trung tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia.

SỐNG CHUNG VỚI CẠNH TRANH

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Chắc- báo cáo viên trình bày tại lớp bồi dưỡng kiến thức về Hiệp định CPTPP do Sở Công thương tổ chức vừa qua, các doanh nhân cần phải thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy cạnh tranh làm động lực, tìm và thực hiện các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để đổi mới và phát triển. Đồng thời nghiên cứu những lĩnh vực hoạt động mới mà doanh nghiệp có thể tận dụng để đầu tư và khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh khởi nghiệp đang là xu thế phát triển mạnh trên toàn cầu, kể cả Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Văn Chắc cho rằng, doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu, tìm hiểu các thoả thuận CPTPP và các FTA Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên, đặc biệt là những thoả thuận liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mình, các ưu đãi về thuế quan đối với những mặt hàng của doanh nghiệp đang kinh doanh khi xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần nắm vững, hiểu và tuân thủ theo các quy định về quy tắc xuất xứ, minh bạch hoá nguồn gốc, nguồn nhiên liệu, liên quan đến lao động trẻ em… Đặc biệt lưu ý đến việc bảo đảm hàng hoá xuất khẩu của mình an toàn thâm nhập thị trường các nước CPTPP  và FTA, không để xảy ra tình trạng hàng đến các nước nhập khẩu bị trả lại hoặc bị tiêu huỷ.

Cần chủ động việc khai thác thông tin tin cậy, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ; tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm cơ hội giao kết hợp đồng để thiết lập chuỗi giá trị bền vững.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết vào ngày 8.3.2018 tại thành phố Santiago, Chile, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30.12.2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14.1.2019.

Hiệp định CPTPP gồm 7 Điều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định TPP đã được 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký ngày 6.2.2016 tại New Zealand; cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.

P. TK

Ngoài ra, vấn đề nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng bởi đây là “nguồn vốn” quan trọng nhất trong kinh tế tri thức. Nếu không thường xuyên quan tâm đào tạo, phát triển kỹ năng để đáp ứng yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và robot, người lao động đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi máy móc, tự động hoá ở quy mô toàn cầu.

Do đó, doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai, nếu không sẽ không thể cạnh tranh có hiệu quả.

“LỘT XÁC ĐỂ LỚN LÊN”

Trước những cơ hội và thách thức từ CPTPP , doanh nghiệp cần phải chuẩn bị gì để nắm bắt cơ hội vươn lên, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

Theo ông Nguyễn Thế Tân- Công ty NATANI, Hiệp định CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Theo đó, CPTPP mang lại rất nhiều lợi ích về cải cách thể chế, về xuất khẩu, về việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đòn bẩy cho một số ngành có sự tăng trưởng đột phá, về xã hội, lao động… Việc tham gia CPTPP mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính và một số ít bạn hàng lớn trong CPTPP.

Theo ông Tân, tham gia CPTPP là một cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mexico, Australia và Canada, cũng như đa dạng hoá các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết vào ngày 2.12.2015, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đi đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường EU. Đặc biệt các sản phẩm rau - củ - quả, rau - củ - quả chế biến, nước hoa quả của Việt Nam, EU cam kết cơ bản sẽ xoá bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, CPTPP mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Do vậy, để có thể hiện thực hoá thành công các cơ hội cũng như vượt qua được thách thức, sức ép từ CPTPP thì vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhận thức rõ những điểm yếu kém của chính mình nhằm đủ sức tham gia một sân chơi lớn. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi tư duy kinh doanh, thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội.

Song song đó, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng- yếu tố không thể thiếu được trong hành trang của doanh nghiệp khi tiến vào CPTPP. Hiện nay ở Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, do đó cần phải cố gắng rất nhiều trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới, tăng nguồn vốn đầu tư, việc mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động.

Ông Tân cho rằng, đối với Công ty NATANI, cần chủ động tìm và hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định, hợp tác đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp của mình nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là NATANI sẽ tiếp cận được tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nền nông nghiệp công nghệ cao và đây cũng chính là cơ hội tốt để công ty tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. 

“Tóm lại, về lâu dài chúng tôi cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hoá quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Tôi cho rằng đây là khâu còn rất yếu của Công ty NATANI cũng như hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường thế giới”- ông Tân nói. 

Sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Hoàng Xuân (Trảng Bàng).

Còn theo nhận định của một doanh nghiệp có quy mô nhỏ ở tỉnh, cần phải cố gắng rất nhiều khi tham gia sân chơi CPTPP, nhất là cần thay đổi tư duy kinh doanh, chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn chưa mạnh dạn nghĩ đến việc đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường thế giới. Do đó, để nắm bắt lấy cơ hội từ CPTPP , các doanh nghiệp này cần phải thay đổi nhận thức về kinh doanh, đối mặt với các thách thức từ CPTPP  để có kế hoạch căn cơ cho quá trình hội nhập sâu vào CPTPP , đưa doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ tỉnh, tham gia CPTPP là cơ hội và thách thức rất lớn đối với các thành viên. Do đó doanh nghiệp cần có bản lĩnh vượt qua thách thức để thay đổi và lớn lên.

THẾ NHÂN

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh