Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Doanh nghiệp và rủi ro
Thứ hai: 12:00 ngày 30/09/2002

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trải qua một thời gian dài sống và làm việc trong môi trường bao cấp, chúng ta không có khái niệm về rủi ro trong kinh doanh. Nay đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường cả chục năm nhưng một số người trong chúng ta vẫn chưa quen và chưa chấp nhận một sự thật hiển nhiên là: Hằng ngày doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro.

Trải qua một thời gian dài sống và làm việc trong môi trường bao cấp, chúng ta không có khái niệm về rủi ro trong kinh doanh. Nay đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường cả chục năm nhưng một số người trong chúng ta vẫn chưa quen và chưa chấp nhận một sự thật hiển nhiên là: Hằng ngày doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro. Trên thương trường, các doanh nghiệp phải vận động, phải cạnh trạnh để tồn tại và phát triển. Đương nhiên trong cuộc cạnh tranh này có người thành đạt, có người thất bại. Nhưng kể cả người thắng lẫn người thua, không ai tránh được rủi ro. Từ lâu, thế giới không xa lạ gì với rủi ro, thậm chí kinh doanh nghề rủi ro còn là ngành kinh doanh béo bở. Người ta đã xây dựng khoa học về rủi ro để ngăn ngừa và quản lý rủi ro. Người viết bài này cũng mong có cơ hội được dự các khóa huấn luyện về rủi ro để giúp ích cho công việc của mình, nhưng chưa thực hiện được. Tuy nhiên qua thực tế công việc, qua các phương tiện thông tin đại chúng đã cảm nhận rất rõ ràng: Rủi ro luôn rình rập chúng ta. Vì chưa qua một lớp nào về khoa học rủi ro, nên bàn về rủi ro chắc chắn có nhiều khiếm khuyết và cả ấu trĩ nữa. Tuy nhiên rủi ro là một sự thật hiển nhiên và cần được trao đổi, nên tôi mạnh dạn nêu ý kiến và quan điểm cá nhân mình để thảo luận. Trước hết về phân loại rủi ro, theo tôi có thể có các phân loại như sau: 1. Phân loại theo loại hình rủi ro: • Rủi ro về pháp lý • Rủi ro về tài chính • Rủi ro về kỹ thuật, rủi ro trong kinh doanh. • Rủi ro do thiên tai, địch họa, v.v… 2. Phân loại theo nguyên nhân gây ra rủi ro: • Rủi ro do khách quan • Rủi ro do chủ quan Và các phân loại khác. Thực ra mỗi người trong chúng ta đều dễ dàng nhận diện và đánh giá các loại rủi ro vì ai cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống về rủi ro. Bài viết này chỉ giới hạn trao đổi về rủi ro do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Thực tế, việc phân loại rủi ro theo nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Nếu người quản lý doanh nghiệp giỏi và có đội ngũ nhân viên vững vàng thì rủi ro do nguyên nhân chủ quan sẽ là thấp và bản thân họ đã biết phòng ngừa để giảm tối đa các rủi ro từ nguyên nhân khách quan, chủ động biến rủi ro thành may mắn, an toàn. Rủi ro từ nguyên nhân khách quan, nhìn chung là khó lường trước, vì vậy chúng ta chỉ có thể hạn chế và giảm thiểu mức độ thiệt hại, nếu có thể. Nhưng rủi ro từ nguyên nhân chủ quan phải được ngăn chặn và phòng ngừa. Nói chung rủi ro từ nguyên nhân chủ quan thường xuất phát từ trình độ cao thấp về chuyên môn, nghiệp vụ, về quan hệ xã hội, về nắm vững pháp luật, về năng lực và kinh nghiệm quản lý, quan điểm và đạo đức kinh doanh v.v… thì chúng ta có thể hạn chế ở mức tối đa. Ở đây vai trò người lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa sống còn trong việc phòng ngừa rủi ro. Không cho phép người lãnh đạo doanh nghiệp - người nắm trong tay toàn bộ tài sản vốn liếng của cổ đông hay tài sản của nhà nước - vô tình hoặc cố ý do hành động vô trách nhiệm của mình mang tai họa đến cho cả doanh nghiệp. Quản lý doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng tự học và phải được đào tạo và được cập nhật đào tạo lại theo thời gian. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết sử dụng bộ máy giúp việc và các chuyên gia giỏi ở mọi lĩnh vực trong công tác điều hành doanh nghiệp. Có như vậy doanh nghiệp mới bớt rủi ro. Như vậy rủi ro của doanh nghiệp nằm ngay ở khâu chọn và giao việc cho người lãnh đạo. Những người đã mua cổ phần công ty DESCON và là người làm chủ công ty tất nhiên đủ sáng suốt để thực hiện quyền làm chủ của mình. Nhưng điều đáng buồn cũng chính là ở chỗ một số ít người đã không nhận biết hoặc cố tình không nhận biết được chân lý đơn giản đó, lạ thay! Doanh nghiệp và rủi ro - chúng ta hãy làm quen và bình thường hóa khái niệm này - và hành động của chúng ta là : Cùng nhau xây dựng công ty DESCON phát triển an toàn, bền vững. Trong đó mọi người tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và gắn bó trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Đó cũng là liều thuốc có hiệu quả để phòng ngừa rủi ro. Nguyễn Xuân Bảng 30/09/2002
Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh