BAOTAYNINH.VN trên Google News

Doanh nghiệp Việt ồ ạt đầu tư sang Campuchia

Cập nhật ngày: 26/09/2009 - 06:07

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho rằng, DN Việt Nam có kinh nghiệm, thế mạnh trong những lĩnh vực Campuchia kêu gọi đầu tư.

Ông Yeav Kim Hean, Tham tán Thương mại Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, cho biết đến thời điểm này, hơn 500 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã “tấn công” thị trường Camphuchia với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, trong đó Viettel được đánh giá khá thành công với thương hiệu Metfone.

Theo ông Nguyễn Duy Thọ, Giám đốc Công ty Viettel tại Campuchia, hiện Metfone được đánh giá là DN có vùng phủ sóng rộng nhất, và thuộc top 2 công ty (trong 9 nhà cung cấp tại Campuchia) di động về số lượng thuê bao tại Campuchia với 2 triệu khách hàng.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong tổng số gần 600 triệu USD đầu tư vào Campuchia, có hơn 400 triệu USD vừa được ký kết trong tháng trước, với 5 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất phân bón NPK, sản xuất gạo, đường, ethanol, nhiệt điện và sản xuất đá xây dựng.

Ông Lê Minh Điển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, ngoài những cam kết mới đàm phán trong tháng 8 vừa qua, các dự án trước đây của DN Việt Nam tại Campuchia có số vốn rất nhỏ (7,5 triệu USD trong năm 2008) thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, nên đạt hiệu quả thấp.

Tuy nhiên, hiện các DN Việt Nam đã chuyển hướng đầu tư sang những lĩnh vực mang lại giá trị cao hơn như hàng không, điện lực, khai thác và thăm dò khoáng sản, ngân hàng… Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang cùng đối tác phía Campuchia hợp tác thăm dò, khai thác quặng sắt tại Stung Treng và quặng Antimon, crôm tại tỉnh Pursat.

Đồng thời, Vinacomin cũng đang tiến hành xin cấp phép khảo sát, thăm dò một số mỏ titan tại tỉnh Koh Kông, than và mangan tại tỉnh Stungtreng.

Tại buổi vinh danh doanh nhân, DN tiêu biểu Việt Nam – Campuchia chiều 25.9 tại TP.HCM, nhiều DN cho rằng, thị trường Campuchia còn rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên thủ tục đăng ký tạm trú cho lao động gặp nhiều khó khăn, trong khi lao động tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, phía Campuchia chỉ cho người nước ngoài tạm trú thời hạn 14 ngày và đóng 280 USD/người/năm đối với những lao động nước ngoài làm việc trong các dự án. Bên cạnh đó, việc chuyển tiền cũng gặp không ít khó khăn, bởi các ngân hàng của Việt Nam chưa có đại diện tại Campuchia.

Mặc dù còn vướng nhiều rào cản khi đầu tư vào Campuchia, song hầu hết DN cho rằng, thị phần trong nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều để DN Việt Nam khai thác. Đây chính là lý do khiến nhiều DN Việt Nam nhắm đến thị trường này.

(Theo Vietnamnet)


 
Liên kết hữu ích