BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn nghệ làng ta

Đọc “Bóng khói”, thấy hoàng hôn đời người 

Cập nhật ngày: 16/03/2020 - 12:58

BTN - Với 100 trang, 59 bài thơ đầy chiêm nghiệm của một người phụ nữ đã sáu mươi tuổi qua bao nhọc nhằn gian khổ, khiến người đọc có cảm giác không dám đọc nhanh, vì mỗi câu mỗi chữ như là cả nỗi lòng, cả nước mắt của người viết, phải đọc chậm để cảm nhận hết.

“Bóng khói” là tập thơ được xuất bản vào tháng 12.2019 của tác giả Lê Nguyên, ngụ thị xã Trảng Bàng. Với 100 trang, 59 bài thơ đầy chiêm nghiệm của một người phụ nữ đã sáu mươi tuổi qua bao nhọc nhằn gian khổ, khiến người đọc có cảm giác không dám đọc nhanh, vì mỗi câu mỗi chữ như là cả nỗi lòng, cả nước mắt của người viết, phải đọc chậm để cảm nhận hết.

Tập thơ tên “Bóng khói” phảng phất bóng dáng người phụ nữ tảo tần từ thời con gái đến khi làm vợ, làm mẹ. Dù cuộc hôn nhân không được vuông tròn nhưng tác giả vẫn mơ về một ngày bên nhau dù người ấy đã ra đi bao năm với bến lạ nổi chìm: “...Cây đa bến nước mái đình/ Dòng sông đưa đám lục bình lặng trôi/ Mắt nhìn về phía chân trời/ Nghẹn ngào em gọi “mình ơi em chờ” (Về đây bên nhau). Thật da diết và dịu dàng biết bao tấm lòng người phụ nữ.

Nào chỉ có tâm tình dành cho người xa khuất, với đứa con đi làm ăn xa vì cuộc áo cơm cũng được người mẹ giàu lòng nhân ái này nhắn nhủ bằng những vần thơ mộc mạc mà thấm vào từng làn da thớ thịt để con cảm nhận rằng mẹ lúc nào cũng ở bên con.

Mẹ không mong con giàu sang cho mẹ cậy nhờ, mẹ chỉ mong con giữ gìn thân thể để đủ sức vượt qua khó khăn trong cuộc sống: “Xa xôi mẹ nhắc ân cần/ Giữ thân đủ sức vượt phần khó khăn/ Mặc cho sóng dậy đất bằng/ Bền gan vững chí nhọc nhằn sẽ qua…” (Lời cho đứa con xa).

Với quê hương Trảng Bàng yêu dấu, tác giả cũng đã dành một tình cảm tinh khôi xuyên suốt từ thời tuổi hoa đến khi tóc bạc: “Dương vẫn reo bài ca nhung nhớ/ Người trồng dương năm cũ quay về/ Nước mắt chảy nhìn học trò tan học/ Thương nhớ ngập lòng/ Ôi đất Trảng trời quê” (Biết ơn người trồng dương).

Thế nhưng, đi vào lòng người đọc nhất có lẽ là bài về “Chuyện những người đàn bà quảy gánh”:

“Tóc ướt mồ hôi lưng thôi đợi gió

Gánh hàng rong đầu đường cuối ngõ

Lời rao buồn như con bướm vàng chẳng được nhánh mù u

Đứa trẻ nằm nôi cũng đánh mất lời ru

Những mảnh đời ra sao suốt mấy mươi năm dầm mưa dãi nắng”

Người đàn bà đơn thân, trăm điều cực nhọc, quần quật mưu sinh, ai chăm cho con từng giấc ngủ mà lời ru không bị đánh mất? Mất mát và đau thương lắm, khi phải đơn thân quảy gánh nuôi con, để rồi khi đưa tay vuốt tóc mình, người đàn bà đã giật mình thảng thốt: “Nó của ngày xưa khác thật rồi/ Nụ cười kiêu hãnh đâu còn nữa/ Sóng dập gió dồn nó tả tơi/ Ai nói thời gian là thuốc chữa/ Nỗi đau quằn quại vết thương lòng…” (Nó và tôi).

Dù cay đắng thấu tâm can, tác giả- người đàn bà trong thơ vẫn ngẩng cao đầu hãnh diện vì mình là người mẹ: “…Dù đời không anh/ Mẹ con tôi vẫn sống/ Bằng niềm tin, bằng kiêu hãnh làm người/ Bằng kiên cường nhẫn nại đó thôi/ Bằng tất cả bởi vì tôi- người mẹ” (Dù đời không có anh).

Tập thơ hiện có mặt ở Thư viện tỉnh, văn phòng Hội VHNT chờ người yêu thơ đến cùng chiêm nghiệm về “Bóng khói” đời người, để thấy rằng hoàng hôn đã đến và hãy bình tâm mà bước tới.

ĐÀO PHẠM THUỲ TRANG