Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây là công trình duy nhất ở nước ta từng được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc độc đáo toàn cầu trong thế kỷ XX.
Những người yêu công trình kiến trúc trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn dành thời gian để ngắm không chán ngôi trường kỳ lạ này. Thay vì những khuôn mẫu kiến trúc với góc, ngôi trường độc đáo này lại phá cách theo một đường cong mềm mại. Hình ảnh càng trở nên lãng mạn hơn với những tà áo dài nữ sinh thướt tha trên sân trường rợp bóng thông xanh, dưới bóng kiến trúc và tháp chuông độc đáo. Cùng đó, trở về lịch sử công trình này, người yêu văn hóa còn có thêm nhiều thông tin thú vị.
Vào một số trang mạng tìm kiếm quốc tế, chỉ cần gõ dòng ký tự “Petit Lycée Dalat”, “Grand Lycée Yersin” hay “Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - Việt Nam”, ta có ngay thông tin: Đây là công trình duy nhất ở nước ta từng được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc độc đáo toàn cầu trong thế kỷ XX. Ngôi trường tọa lạc ở số 29 Yersin, thành phố Đà Lạt trước kia mang tên “Petit Lycée Dalat” rồi “Grand Lycée Yersin”, được người Pháp khởi công năm 1927, do kiến trúc sư Moncet tài năng thiết kế và chỉ đạo xây dựng, đến năm 1935 công trình mới hoàn thành.
Theo tài liệu bảo tồn di sản của Lâm Đồng, nhà cong cũng là công trình cao tầng đầu tiên của thành phố Đà Lạt. Ở ngôi trường này, những lớp học trong công trình được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói làm từ nước Pháp (lớp ngói cũ do không thể sử dụng được nữa nên đã được thay thế bằng ngói thường như hiện nay) . Điểm nhấn của dãy nhà hình vòng cung độc đáo là tháp chuông. Phía bên ngoài tháp chuông từng có một chiếc đồng hồ cổ nhưng sau thời gian trường tồn đến nay du khách chỉ còn có thể thấy vết tích in lại trên nền gạch đỏ. Bên trên điểm nhấn tháp chuông cũng không còn chuông do có lẽ đã bị tháo dỡ trước đây.
Mặc dù là trường học, mang trong mình những nét kiến trúc cổ điển nhưng trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vẫn có dáng vẻ ngoạn mục với những đường cong mềm mại ôm lấy một khoảng sân rộng vươn cao những rặng thông xanh biếc soi bóng hồ Xuân Hương, ghi dấu ấn độc đáo vào bức tranh thơ mộng của Đà Lạt. Gần như đứng ở bất cứ điểm cao nào của thành phố du lịch nhìn về trung tâm người ta cũng có thể nhìn thấy tháp chuông và biểu tượng kiến trúc cong cong vòng cung của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Phải công nhận, những công trình sư tạo tác nên dãy nhà cong này thực sự am tường về thẩm mỹ khi chọn vị trí thiết kế ngôi nhà có một không hai ở nước ta.
Kiến trúc sư Kunđara Peki (người Nhật Bản) cho biết: “Xét về kiến trúc tiện dụng, hiện đại thì thế giới có nhiều, đất nước chúng tôi cũng rất nhiều. Nhưng về sự độc đáo và mang biểu trưng của văn hóa thì công trình này của Việt Nam thật là tuyệt vời”. Sau hàng giờ chiêm ngưỡng kiến trúc, Kunđara Peki say sưa chụp tới hàng trăm tấm ảnh nữ sinh thướt tha áo dài trên sân trường. Hậu cảnh của tất cả những bức ảnh này vẫn là biểu tượng kiến trúc cong và tháp chuông của ngôi trường từng mang tên Grand Lycée Yersin (Alexandre Yersin, người phát hiện ra thung lũng Đà Lạt độc đáo).
Trong giới kiến trúc của Việt Nam , từng có chuyên gia đề xuất xây dựng, công nhận thành phố Đà Lạt là “Đô thị di sản kiến trúc”. Trong số những giá trị kiến trúc còn lại ở thành phố này, trường Cao đẳng Đà Lạt được cho là một trong những công trình độc đáo nhất trong số hơn 2.000 biệt thự cổ do người Pháp xây dựng còn lại ở đây. Ở góc độ kiến trúc, giá trị và biểu trưng văn hóa của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là vô giá. Kiến trúc sư Trần Đức Lộc (Sở Xây dựng Lâm Đồng), người từng tham gia xây dựng hồ sơ di sản để nhà nước công nhận nhà cong là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia nhận xét tinh tế: “Công trình nhà cong Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một báu vật của ngành kiến trúc, của Đà Lạt”. Người dân Đà Lạt mong muốn gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn “báu vật” này cho thế hệ mai sau...
K.D (st)