Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vương quốc đỏ là danh xưng mà dân gian ban tặng cho mảnh đất Vĩnh Long với những làng nghề gạch, làng nghề gốm thủ công truyền thống lớn nhất ĐBSCL.
Như một món quà mà thiên nhiên ban tặng, mảnh đất Vĩnh Long không những được nhiều người biết đến bởi cây lành, trái ngọt, mà gần hai thế kỷ qua, người dân Vĩnh Long còn tự hào với danh xưng “Vương quốc đỏ”.
Dòng sông Cửu Long đỏ nặng phù sa hàng năm bồi đắp cho những cánh đồng lúa, những miệt vườn bốn mùa hoa trái bằng hàng triệu mét khói phù sa, mà những hạt phù sa đỏ ối tụ lại này còn góp phần hình thành những mỏ sét nguyên sinh quý giá. Người Vĩnh Long đã biến chúng thành những làng nghề gạch, gốm, có đến vùng đất này mới thấy hết được đôi bàn tay tài hoa của người thợ ấy.
Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách ra thành dòng Cổ Chiên đến sông Mang Thít, ven sông những lò gạch, gốm mọc lên, trông xa như những lâu đài thu nhỏ rực đỏ dưới ánh mặt trời, khiến khách ghé qua ngỡ như lạc vào “Vương quốc đỏ”.
Nghề làm gạch đã có mặt ở Vĩnh Long từ rất sớm và dường như câu chuyện về nghề ấy cũng đã trở thành “cổ tích”.
Làng gạch trải dài hơn 30km thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít. Khi nghề làm gạch thủ công truyền thống ở đây còn thịnh, mỗi nhà có đến hai, ba miệng lò. Đến mùa nung các cột khói trắng ngút trời, mang đến cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây.
Vĩnh Long tự hào về một tài nguyên đất sét không vùng đất nào có, và làng nghề gạch lớn nhất vùng đồng bằng này mà dân gian thường gọi là Vương quốc gạch. Con người nơi đây sống với đất và sinh ra làng nghề gạch cũng vì đất, qua bao thế hệ họ đã đúc kết thành kỹ thuật nung đất tuyệt với đó là lò gạch, nhiên liệu là trấu, một sản vật quen thuộc với vùng lúa nước.
Tuy nhiên, cũng như những làng nghề thủ công truyền thống khác, qua thời gian, khi các kỹ thuật và hệ thống lò công nghệ cao được đầu tư thì các lò gạch truyền thống dần đi vào quên lãng. Hiện nay, dọc kênh Thầy Cai, Mang Thít vẫn còn hàng trăm lò gạch ngày nào san sát nhau đã rêu phong, nhìn từ trên cao trong giống như toà lâu đài cổ trong truyện cổ tích.
Dù là đứa con tinh thần sinh sau đẻ muộn nhưng nghề gốm ở Vĩnh Long lại có nét độc đáo riêng đó là dòng gốm không men. Không có màu đỏ ói như gạch mà gốm nơi đây có màu đặt trưng, màu của rơm rạ, đặc biệt đất Vĩnh Long chỉ kết khối ở 900 độ C. Gốm đất Vĩnh Long với màu tự nhiên đặt trưng này đã trở thành dòng sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, kể cả khách quốc tế.
Không chỉ ấn tượng bởi màu gốm Cổ Chiên, còn có công trình kiến trúc đặc sắc là nhà gốm. Ngôi nhà được xây dựng bởi chính đôi bàn tay tài hoa của người thợ gốm, với sự đầu tư tỉ mỉ, toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, tường đến những vật dụng bên trong đều hoàn toàn bằng gốm. Thoạt nhìn ngôi nhà trông rất dễ vỡ nhưng lại rất chắc chắn và hoà quyện sắc màu.
Qua thời gian, dù là làng nghề truyền thống nào cũng sẽ thay đổi diện mạo, giờ đây người thợ không còn nung gốm bằng lò than thủ công như trước mà thay bằng lò gas, sấy sản phẩm bằng điện. Có nhiều người đã bỏ nghề vất vả này để chuyển sang hình thức kinh doanh mới… Và rồi Vĩnh Long mất dần đi vẻ lặng lẽ ngày nào.
Từ một làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống, ngày nay Vĩnh Long trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước – làng nghề gốm Cổ Chiên.
Nguồn: langvietonline.vn