Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lễ cưới dân tộc Cor là một trong những lễ thức phô bày nhiều nét đẹp văn hoá Cor.
Cưới là việc của cá nhân, gia đình, nhưng cũng là ngày vui chung của cộng đồng làng. Trước khi bước vào lễ cưới, hai bên gia đình phải tiến hành lễ ăn hỏi và lễ đạp nhà. Đây là nét độc đáo trong phong tục cưới hỏi của đồng bào Cor.
Khi trai, gái Cor muốn lấy vợ, lấy chồng, gia đình hai bên đều chọn cho mình một ông mai để làm đầu mối cho mọi lễ thức. Người được chọn làm ông mai có chuẩn riêng, có những điều kiêng kỵ riêng. Có nơi, bên cạnh ông mai chính còn có ông mai phụ.
Nếu ở lễ cưới người Kinh, ông mai chỉ đóng vai trò mối manh, xúc tác, thì trong nghi thức cưới người Cor, ông mai đóng vai trò quan trọng hơn nhiều…
Tham gia lễ ăn hỏi (hoi pốt kji), mọi người ăn mặc bình thường, tay cầm giáo, mác, riêng chàng trai đi hỏi vợ ăn mặc đẹp hơn, mặc khố và choàng khăn, vai mang chiếc gùi dẹt 3 ngăn (kxui pót) đựng ít gạo, chai rượu trắng, vai vác dáo (mác) để phòng hờ ở dọc đường. Nếu có rượu đoát thì có thể mang theo. Ngoài ra còn có thể mang theo một xâu thuốc lá, trầu, cau, cá…
Tại nhà gái, sau những nghi lễ bắt buộc, ông mai nhà gái giới thiệu chủ khách rồi vào thuyết phục cô gái, trong khi ông mai nhà trai kể về những đức tính của chàng trai để thuyết phục nhà gái đồng ý.
Đến bữa, nhà gái dọn cơm ra, hai bên ăn uống và tiếp tục chuyện trò vui vẻ. Cha mẹ cô gái sẽ là người quyết định nhận lời nhà trai hay không. Quyết định của cha mẹ cũng tuỳ thuộc vào quyết định của cô gái.
Nếu nhà gái ưng thuận thì cha cô gái sẽ bắt đầu làm lễ cúng cáo ông bà. Trường hợp bên gái không đồng ý thì nhà gái vẫn mời cơm khách, sau bữa cơm mới thông báo cho biết và sẽ không có lễ cúng cáo ông bà, đêm ấy số người đi hỏi vẫn ngủ lại ở nhà gái, chiếc gùi dẹt 3 ngăn với rượu, gạo mang theo vẫn để nguyên để chàng trai mang về nhà mình.
Sau lễ ăn hỏi, nếu được nhà gái ưng thuận và đồng ý thì nhà trai bắt đầu chuẩn bị cho một bước tiếp theo tương tự lễ hẹn ngày của người Kinh trước khi tổ chức đám cưới, đó là lễ đạp nhà (hoi joă như).
Tại lễ đạp nhà hai bên chủ yếu bàn việc tổ chức lễ cưới cho đôi trai gái. Số người đi lễ đạp nhà cũng tương tự như lễ đi hỏi. Lễ vật nhà trai mang theo gồm gạo, thuốc lá, thịt rừng, cá suối với số lượng nhiều hơn lễ hỏi. Mọi người cũng vác dáo mác trên vai và cũng được nhà gái tiếp đón như lần lễ hỏi.
Lần này, lễ vật nhà trai mang theo được giao luôn để nhà gái cúng và làm cơm đãi khách. Cơm khách lần này cũng thịnh soạn hơn lần trước. Người ta lại ngồi theo thứ tự, chủ khách đối diện nhau. Cha cô gái sẽ rót rượu cúng cáo ông bà. Cô dâu tương lai (a-mưi) cùng mẹ và các chị em lo cơm nước trong bếp. Mọi người ăn uống vui vẻ, cùng bàn bạc việc tổ chức lễ cưới.
Sau bữa ăn, nhà gái đã dành lại rượu thịt sẵn đem biếu cho các gia đình khác trong nóc. Trong lễ đạp nhà, trai gái hai nóc không còn xa lạ nhau, có dịp cùng uống rượu, chuyện trò.
Nếu lễ đạp nhà không đúng vào dịp bận bịu mùa màng, thì nhà trai có thể mang theo cồng chiêng để cùng với nhà gái dùng các nhạc cụ a-máp, ta-lía, bró, r’ngoái… giao lưu vui vẻ. Đêm ấy, số người nhà trai lại nghỉ đêm ở nhà gái.
Nhà gái lại lấy rượu thịt của nhà mình bỏ vào chiếc kxui pót (chiếc gùi dẹt 3 ngăn) cho chàng trai mang về nhà mình làm lễ. Trong thời gian trước lễ cưới, nếu hai bên có sự cố gì (như nhà có tang) thì phải báo cho nhau biết. Nếu phía nào bội ước thì ông mai đằng nhà kia sẽ đến bắt nhuốc (xử phạt), có thể bằng tiền bạc, chiêng ché, nồi… xong mới chấp nhận cho lấy vợ (chồng).
Từ lễ hỏi đến lễ đạp nhà thường cách nhau khoảng 4 - 5 tháng. Còn từ lễ đạp nhà đến lễ cưới lại phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị của hai bên. Tuy nhiên, lễ cưới cổ truyền thường được tổ chức sau Tết giã rạ, tức khoảng tháng mười, tháng mười một âm lịch, khi mùa màng đã xong xuôi, mọi người rảnh rỗi…
Nguồn: langvietonline.vn