Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Độc đáo lễ hội bắt chồng ở Tây Nguyên

Cập nhật ngày: 24/01/2011 - 10:15

Đến Tây Nguyên vào mùa giá lạnh này, nhiều bạn sẽ được tận mắt chứng kiến bản làng Tây Nguyên đang rộn rã bước vào mùa cưới – mùa bắt chồng. Người Tây Nguyên rất coi trọng tín vật trong ngày cưới, đây được xem là tín vật kết nối mang tính linh thiêng nhất, thể hiện sự chung thủy, gắn bó keo sơn của các chàng trai cô gái. Xung quanh cặp S'rí (nhẫn cưới), người dân nơi đây đã lý giải rất nhiều những điều huyền bí, trở thành những câu chuyện truyền thuyết mang đậm nét văn hoá cho người dân trong bản mường.

Khám phá S'rí

Nhẫn cưới của đồng bào dân tộc Tây Nguyên khác hẳn với nhẫn của đồng bào người Kinh. Dân khắp thôn, bản Churu, Cil, Cơho…họ đề cao sức mạnh và vị trí của chiếc nhẫn trong cuộc sống hạnh phúc gia đình. Chiếc nhẫn được ví như là sợi dây ràng buộc, kết nối, một lời thề thốt thiêng liêng của người con gái khi đã hoàn thành thủ tục bắt chồng. Chính vì vậy mà để có một chiếc nhẫn có độ bền theo thời gian và cũng thể hiện được ý nghĩ trong con người của thôn bản nơi đây, các nghệ nhân làm nhẫn đã phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn thận đến cầu kỳ: Lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng ngón tay nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, nghệ nhân mới cắt thành những khuyên nhỏ làm khuôn đúc nhẫn. Bạc sau khi đun nóng sẽ được đổ vào khuôn, trước sức nóng của bạc được đun nóng chảy sẽ quyện cùng vào sáp ong và phân trâu tạo thành một lớp keo bám chặt, hay còn gọi là lớp men bên ngoài nhẫn. Về khuôn đúc nhẫn thì có 2 loại: khuôn nhẫn mái cho phụ nữ và khuôn đúc trống dành cho nam giới. Cuối cùng trong khâu đánh bóng, nghệ nhân dùng nước bồ kết hay nước của lá cây Kơ nia đun sôi. Họ quan niệm như vậy là để người dân có thể gửi gắm những ước mơ, tình cảm của mình vào chính cây rừng, bản mường, vào một mùa xuân đâm trồi nảy lộc.

Đêm hội bắt chồng

Nét văn hoá rất độc đáo của đồng bào nơi đây đó là phong tục bắt chồng. Những cô gái Tây Nguyên đến tuổi lấy chồng phải tự tìm cho mình một chàng trai. Nói cách khác là muốn có chồng phải đi bắt. Và lễ bắt chồng thường được diễn ra vào ban đêm. Khi cô gái phải lòng một chàng trai nào đó thì cô gái sẽ về nói cho gia đình biết, và gia đình sẽ đến nhà trai thưa chuyện, hỏi dạm. Nếu cả hai bên gia đình đều chấp thuận thì cô gái sẽ đem một chiếc nhẫn đến nhà trai và đeo vào tay cho người con trai đó trong một ngày đẹp trời, tốt lành. Việc chàng trai chịu đeo nhẫn vào tay tức là cách thể hiện sự chấp thuận sẽ cưới cô gái đó về làm vợ. Và để đi đến đám cưới, làng bản sẽ tổ chức “Đêm bắt chồng” theo phong tục đúng của lễ hội. Trong đêm hội, các chàng trai, cô gái phải đọc rất nhiều những câu thơ nói về luật bản, thôn, tình yêu, gia đình… như là lời răn dạy, và là những bài học ý nghĩa sống tốt với nhau. Chiếc nhẫn đính ước lại một lần nữa được chàng trai cô gái trao lại cho nhau thể hiện sự giao hòa, chia sẻ. Sau lễ cưới 7 ngày, chàng trai đưa nhẫn cho mẹ vợ cất giữ, còn cô gái đưa nhẫn cho mẹ chồng cất giữ cẩn thận.

Mỗi một phong tục đều thể hiện những bản sắc riêng. Và với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nét văn hoá độc đáo này hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng.

K.D (st)