Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Độc đáo Lễ hội Tú Tỉ của người Giấy ở Lai Châu

Cập nhật ngày: 30/10/2014 - 10:21

Lễ hội Tú Tỉ đã trở thành nét văn hoá đặc sắc Lễ hội Tú Tỉ được bắt nguồn từ Lễ cúng Tú Tỉ là truyền thống lâu đời của dân tộc Giấy, xã San Thàng. Theo tiếng Giấy, Tú Tỉ nghĩa là thổ địa, là thần cai quản vùng đất. Với quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá”, tức dân tộc nào sống trên một vùng đất thì phải thờ cúng thổ công ở vùng đất đó.

Ở phần Lễ, bà con trong bản sẽ đi mua một con lợn và hai con gà để cúng tại gốc cây to ở đầu bản. Thầy mo sẽ cúng lần thứ nhất để mời vị thần cai quản vùng đất về. Sau khi cúng xong lần một, mọi người sẽ tiến hành mổ lợn và gà tại chỗ, sau đó luộc chín và tiến hành cúng lần hai.

Thầy mo thực hiện việc cúng để mời vị thần cai quản vùng đất về nhận lễ vật dâng cúng và để cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cầu cho người dân trong bản được mạnh khoẻ, vật nuôi sinh sôi nảy nở, không bị dịch bệnh. Sau khi cúng xong thì tất cả bà con trong bản (quy định mỗi nhà một người, phải là con trai và không được mặc áo trắng, hoặc nếu vợ có bầu thì cũng không được vào) cùng ăn tại chính gốc cây.

Theo ông Hồ Văn Khèn, Bí thư chi bộ Bản San Thàng 1 cho biết: Lễ cúng Tú Tỉ đã có từ rất lâu đời của dân tộc Giấy chúng tôi. Mỗi khi Lễ cúng được tổ chức, bà con trong bản ai lấy đều cảm thấy rất vui. Chúng tôi rất tự hào về nét đẹp văn hoá của dân tộc mình và mong rằng các con, cháu sẽ tiếp tục lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc ấy của dân tộc.

Sau phần Lễ là đến phần hội với nhiều trò chơi dân gian, nhiều môn thi độc đáo như: Bắn nỏ, giã bánh dầy, kéo co, tó má lẹ, nhảy bao bố, bịt mắt đánh chiêng…

Ông Trương Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: “Lễ hội Tu Tỉ được tổ chức đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào nhân dân các dân tộc xã San Thàng. Đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng và duy trì bản văn hoá đặc sắc của dân tộc Giấy, đồng thời thúc đẩy phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc trong xã, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Chúng tôi mong rằng Lễ hội không chỉ phát huy những bản sắc văn hoá tốt đẹp của mỗi dân tộc trong xã mà còn động viên bà con tích cực thi đua, lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng quê hương, bản làng ngày càng giàu đẹp…

Nguồn: Báo Lai Châu