Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo phong tục xưa của người Cor, sau 3 năm làng tổ chức lễ hội “ăn trâu Huê” (Xa ố piêu), nếu cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc, dân làng đoàn kết, quê hương ngày càng phát triển, không xảy ra tệ nạn xã hội, không có cái chết xấu, thì đó là dịp để dân làng tổ chức lễ hội lấp lỗ chân trâu.
Lễ hội tạ ơn trời đất, cầu cho mùa màng bội thu.
Lễ lấp lỗ chân trâu (tiếng Cor gọi là lấp ố piêu) để ăn mừng nhằm xoá hết dấu vết chân trâu mà dân làng đã tổ chức lễ hội “ăn trâu Huê” trước đó. Vì vậy, khi giết trâu xẻ thịt, bao giờ người Cor cũng giữ lại một lớp da trâu, da đuôi và một ít da phía dưới 4 bàn chân của con trâu đem để trên giàn bếp cho khô. Đây là vật phẩm không thể thiếu để mỗi gia đình người Cor tổ chức nghi lễ lấp lỗ chân trâu sau đó.
Theo quan niệm của người Cor huyện Bắc Trà My, chỉ khi nào thực hiện xong nghi lễ lấp lỗ chân trâu, thì lễ hội “ăn trâu Huê” của họ mới chấm dứt, thần linh, tổ tiên ông bà khi đó mới nhận đầy đủ lễ vật. Nghi lễ lấp lỗ chân trâu bao giờ cũng có heo, gà, rượu, dùng để cúng sống và cúng chín đi kèm măng, thịt chuột, thịt sóc khô và quan trọng nhất là phải có một con gà trống tơ lông đen thật đẹp để cúng gọi thần linh, hồn tổ tiên, ông bà.
Nghi thức của lễ lấp lỗ chân trâu
Lễ lấp lỗ chân trâu thường diễn ra theo hai phần: cúng sống và cúng chín. Đặc biệt, ở nghi lễ này, người Cor không múa ka đấu quanh cây nêu mà chỉ múa trong nhà, đó là sự thể hiện lòng kính trọng với thần linh đang ngự trị trên cây nêu. Tiếp theo, nghi lễ này được thực hiện với cách cúng rượu trước với ý nghĩa khấn mời gọi thần linh, hồn tổ tiên, ông bà về chứng giám việc gia đình tiến hành nghi lễ lấp lỗ chân trâu, xoá hết dấu chân trâu. Kế đến, chủ nhà tiếp tục cúng heo sống ở ngoài sân dưới đất có trải những lá chuối. Khi heo cúng xong, được đem đi chọc tiết, làm thịt. Đầu heo được luộc chín, thịt, xương heo chế biến các món ăn truyền thống như: luộc, nướng, xào, nấu xương măng dùng để cúng chín.
Sau khi cúng heo chín xong, chủ nhà tiến hành cúng gà sống trong nhà ngay tại cơi thờ. Gà được cắt tiết ngay tại nơi cúng, sau đó mang gà đi luộc chín để tiến hành cúng chín. Riêng tiết và phần gà luộc chín dùng để thực hiện nghi lễ cúng gọi hồn. Theo người Cor, đây là hình thức cúng vái, gọi hồn vía cho những thân nhân trong gia đình đã chết trở về. Nghi lễ gọi hồn này, thường mời già làng, người già lớn tuổi thực hiện.
Theo ông Trần Văn Hành, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện ở tại thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Trong quá trình thực hiện lễ hội “ăn trâu Huê” sẽ còn lưu giữ những dấu chân trâu dẫm đạp, nếu không thực hiện nghi lễ lấp lỗ chân trâu sau đó thì họ sợ rằng, hồn vía của người trong gia đình đã rất ham vui còn trú ngụ ở lỗ chân trâu, ở cây nêu hàng ngày sẽ quấy rầy cuộc sống của họ. Với người Cor, họ tin rằng việc thực hiện nghi lễ này thì đồng bào mới thực sự cảm thấy yên tâm, thoải mái, lạc quan yêu cuộc sống, từ đó góp phần tái tạo sức lao động, tiếp thêm cho đồng bào niềm hăng say sản xuất để tạo nên những của cải, vật chất mới nuôi sống gia đình.
Với tộc người Cor ở huyện Bắc Trà My, không riêng những nghi lễ truyền thống mà nghi lễ lấp lỗ chân trâu là những hoạt động tinh thần thể hiện tình cảm của cộng đồng với thần linh, tổ tiên, ông bà. Nghi lễ lấp lỗ chân trâu, còn chứa đựng trách nhiệm nhắc nhở, chuyển tải tới những thành viên trong gia đình, cộng đồng bài học về cách ứng xử của cha ông với thần linh, tổ tiên ông bà. Đó là đạo lý tôn kính, biết ơn tới những vị thần, với vong linh tổ tiên, ông bà đã luôn sát cánh che chở, đùm bọc, bảo vệ cộng đồng. Đó là lối sống thơm thảo, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cung cách ứng xử của bà con trong tình làng mà không biết từ bao đời nay họ đã gắn bó. Mà nó còn thể hiện về cội nguồn xa xưa, về những giá trị văn hoá truyền thống có ý nghĩa giáo dục rất lớn về đạo lý làm người với mọi người trong gia đình và cả cộng đồng tộc người Cor trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống của người Cor hôm nay.
Nguồn: langvietonline.vn