Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đình Kiến Quốc (người dân thường gọi là Đình Ruối) ở thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa (Ý Yên, Nam Định) thờ vợ chồng Kiến quốc Trinh liệt phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt, người đã có công giúp nghĩa quân Lam Sơn hạ thành Cổ Lộng, góp phần đánh đuổi giặc Minh.
Nét độc đáo của Đình Ruối nhìn từ bên ngoài.
Đình Ruối được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia từ năm 1992.
Đình Ruối là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị nghệ thuật độc đáo theo phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18)
Đình Ruối có dậu bằng những cây ruối cổ thụ nối với nhau như bức tường che chắn cho ngôi đình.
Tiền đường 5 gian với 4 bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng; gánh đỡ 4 bộ vì là 24 cây cột bằng gỗ lim đường kính 0,4m. Hệ thống vì kèo, các xà nách nghé bẩy chạm khắc công phu với các đề tài: tứ linh, tứ quý. Xà dọc tại gian giữa được chạm “lưỡng long chầu nguyệt” và những lớp đao mác nhiều tầng.
Hậu cung gồm 4 gian được ngăn cách với bên ngoài bằng một hệ thống cửa. Vì kèo phía trên làm kiểu chồng rường chạm khắc công phu, chủ yếu là họa tiết hình rồng tạo sự uy nghiêm, linh thiêng cho nơi đặt ngai và bài vị thờ vợ chồng Kiến quốc Phu nhân.
Để tưởng nhớ công lao của vợ chồng Liệt nữ Minh Nguyệt, hàng năm cứ vào các ngày 23, 24 và 25/11 âm lịch, nhân dân địa phương lại nô nức mở hội.
Lễ hội Đình Ruối diễn ra nhiều hoạt động nổi bật như: Lễ chiếu văn, lễ rước kiệu, lễ yên vị, tế nam quan, tế nữ quan, lễ dâng hương, hoa... Đặc biệt, lễ hội rước kiệu Thánh về đình được tổ chức long trọng và trang nghiêm.
Những cây ruối cổ thụ được người dân chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên
Theo các tài liệu lịch sử lưu giữ tại Đình Ruối, năm 1426, giặc Minh tiến quân ra Bắc, đóng quân ở thành Cổ Lộng (cánh đồng Lai Cách, nay thuộc xã Yên Thọ).
Lúc bấy giờ, bà Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng là ông Đinh Công Tuấn (người làng Cổ Chuế, xã Chuế Cầu, tổng Tử Mặc xưa) mở quán rượu ở ven thành. Hàng ngày, hai vợ chồng bà thường xuyên theo dõi, thu thập tin tức của giặc Minh. Bà Lương Thị Minh Nguyệt làm quen với nhiều quan quân giặc Minh và được tướng giặc cho phép mang rượu, thịt vào bán trong thành. Do đó, các lối đi lại, cách bố trí quân lương, vũ khí, các trại trú quân bà đều tường tận, nắm bắt và ghi chép thành sơ đồ.
Khi biết tin Lê Lợi khởi nghĩa, tiến đánh thành Cổ Lộng, bà đã báo cho nghĩa quân mọi tình hình giặc Minh và dâng kế hạ thành. Nghĩa quân đánh hạ thành Cổ Lộng và công đầu thuộc về vợ chồng nữ tướng anh hùng Lương Thị Minh Nguyệt.
Năm Mậu Thân (1428), sau khi Lê Lợi lên ngôi vua (tức Vua Lê Thái Tổ) đã ban tước danh cho vợ chồng bà Lương Thị Minh Nguyệt và ông Đinh Công Tuấn là Kiến quốc Trinh liệt Phu nhân và Kiến quốc Trung dũng Công thần. Sau đó, Vua Lê mời hai vợ chồng bà vào cung để ban bổng lộc nhưng bà từ chối, chỉ xin 200 mẫu ruộng tốt để chia cho dân làng và miễn sưu thuế 3 năm cho nhân dân trong vùng dễ bề sinh sống.
Ngày 25/11 năm Quý Sửu (1443), cả hai ông bà đều đột ngột qua đời, Vua Lê Thái Tổ sai quân về tang chế theo tước Vương, phong ông bà là “Nhị vị Phúc thần” và cho lập đền thờ Kiến quốc Phu nhân tại làng Ngọc Chuế. Đến đời Vua Thành Thái thứ 13 (1902) đền được đại trùng tu thành đình.
Với cách thức đặc biệt và công lao đánh đuổi giặc Minh, liệt nữ Lương Thị Minh Nguyệt được coi là nữ “tình báo” đầu tiên của chính sử Việt Nam
Nguồn TPO