Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Độc đáo trong Lễ tơ hồng của người Dao Sơn Đầu ở Thái Nguyên
Thứ tư: 03:50 ngày 25/04/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày nay lễ tơ hồng vẫn còn tồn tại và trở thành một nghi thức đẹp, không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của đồng bào nơi đây.

Người Dao là một trong số 8 dân tộc đông nhất sinh sống lâu đời tại tỉnh Thái Nguyên. Cùng các dân tộc anh em trên địa bàn, người Dao Sơn Đầu ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ ở tỉnh Thái Nguyên với những truyền thống văn hóa đặc sắc và phong phú, đã góp phần làm đa dạng nền văn hóa cổ truyền nơi đây.

Tuy nhiên, theo dòng thời gian và sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều phong tục cưới hỏi của người Dao đã bị mất đi. Nhưng lễ tơ hồng vẫn còn tồn tại và trở thành một nghi thức đẹp, không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của đồng bào nơi đây.

Trong phong tục cưới hỏi của người Dao Sơn Đầu có rất nhiều nghi thức đặc sắc mang đậm bản sắc riêng như nghi lễ so tuổi; nghi lễ đặt cau, trầu; nghi lễ cắt cổ gà quyết định ngày cưới; nhưng không thể thiếu lễ tơ hồng-nghi lễ được xem là quan trọng nhất trong lễ cưới.

Lễ tơ hồng được thực hiện ngay sau lễ cúng tổ tiên, đây là nghi thức quan trọng công nhận đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Người Dao Sơn Đầu quan niệm rằng khi tổ chức xong nghi thức này thì đôi bạn trẻ sẽ được sống hạnh phúc với nhau đến trọn đời, không gì có thể chia tách đôi vợ chồng trẻ.

Trước khi vào làm lễ tơ hồng, cô dâu trang điểm thật đẹp, đội nón có thêu hoa văn sặc sỡ, tay và cổ đeo nhiều vòng bạc, chú rể mặc áo đỏ, đầu đội khăn xếp. Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ tổ tiên, đôi vợ chồng trẻ quỳ trước bàn thờ, lần lượt các nghi thức của lễ tơ hồng được thầy cúng thực hiện. Đầu tiên là nghi thức xua đuổi những điều không may đối đôi vợ chồng trẻ, tiếp theo là nghi thức làm bùa yêu để hai người được ở bên nhau mãi mãi.

Ngay sau bùa yêu là bùa yểm, thầy cúng yểm cho đôi vợ chồng trẻ luôn luôn khỏe mạnh và được bảo vệ bởi các thần linh. Kết thúc nghi thức này là lễ lạy của cô dâu và chú rể. Chú rể phải lạy đủ 12 lần trước bàn thờ tổ tiên cùng với cô dâu theo tập quán truyền thống. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ uống chung ly rượu với ý nghĩa uống xong ly rượu này hai người sẽ say nhau suốt đời, sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Kết thúc nghi lễ, mọi người tham dự lễ cưới ăn uống linh đình để chúc mừng cho hạnh phúc của cô dâu, chú rể.

Lễ tơ hồng là một nghi thức có từ lâu đời, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Dao Sơn Đầu. Đây là một nét văn hóa đẹp cần được lưu giữ và bảo tồn. Ngày nay, do có sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa giữa các dân tộc với nhau nên lễ cưới của người Dao có nhiều thay đổi, cùng với đó lễ tơ hồng cũng mất đi những nét độc đáo, nhiều nghi thức trong buổi lễ dần mai một theo năm tháng.

Ông Triệu Phúc Quang, người tổ chức, điều hành lễ tơ hồng của người Dao ở xã Hợp Tiến cho biết việc gìn giữ các phong tục tập quán của người Dao, nhất là lễ tơ hồng trong phong tục cưới hỏi là một việc làm cần thiết. Nhưng hiện nay, các đôi vợ chồng trẻ thường bỏ qua nhiều nghi thức quan trọng khi làm lễ. Do vậy đã làm mất đi nét văn hóa độc đáo của dân tộc Dao.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết mặc dù lễ tơ hồng là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, nhưng hiện nay các biện pháp bảo tồn mới chỉ dừng lại ở hình thức tham mưu cho các Sở, ban, ngành liên quan để tuyên truyền và vận động người dân giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Dự kiến trong năm nay, đề án bảo tồn một số nét văn hóa của đồng bào Dao Sơn Đầu như lễ tơ hồng, lễ cấp sắc… sẽ được huyện Đồng Hỷ thành lập và trình lên Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch.

Để những phong tục của người Dao không bị mai một theo thời gian, trước hết thế hệ trẻ nơi đây phải yêu quý chính phong tục tập quán của dân tộc mình.

Đ.T (st) 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục