Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dọc đường gió bụi miền đất đỏ

Cập nhật ngày: 30/06/2014 - 09:15

Miền đất đỏ đang mùa nắng gay gắt, dọc đường gió bụi dừng chân cắn trái điều mọng nước, đạp trên lá khô rừng cao su xào xạc…

Bò được tận dụng kéo xe trong vườn cao su ở Tây Nguyên.

Rừng cao su thay lá

Miền Đông đất đỏ đi đâu cũng gặp cao su. Rừng cao su nối dài tít tắp. Lúc trồng, người ta có giăng dây hay sao mà trăm cây như một thẳng đều, nhìn ngang, nhìn dọc hay nhìn xiên cũng xếp hàng trật tự. Mùa xuân là mùa cao su thay lá.

Và bây giờ, nắng hè đã bắt đầu nóng lên, chồi lá non chuyển sang xanh, nhưng chưa thể phủ kín bầu trời xanh ngắt và cái nắng chói chang. Không phải mùa cạo mủ, rừng cao su vắng lặng, rõ từng tiếng con chim rừng đập cánh, lá khô dưới chân xạc xào. Nếu ai muốn cảm giác “con nai vàng ngơ ngác” thì hãy đạp trên lá… cao su khô!

Cây cao su di thực đến Việt Nam từ những năm 1897. Trong cuốn “Yersin: Dịch hạch & thổ tả” của nhà văn Pháp Patrick Deville, mô tả rằng hồi thế kỷ XVIII, người da đỏ đã dùng chất gôm mủ cao su để bịt chỗ rò và xảm thuyền. Những cây cao su mọc đâu đó trong bạt ngàn rừng Amazon. Người Anh đánh cắp hạt và gieo thành hàng lối ở Sri Lanka.

Người Hà Lan làm tương tự như vậy ở Java. Yersin bèn sang Java. Và, “Yersin không chỉ hài lòng với việc là người trồng cao su đầu tiên tại An Nam, ông còn muốn tiến hành một cuộc nghiên cứu nông học”. Những thông tin này quả thật thú vị, bởi chúng tôi biết đến nhiều hơn từ những năm 1920, cao su phát triển thành những đồn điền tại các khu vực quanh Sài Gòn- Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.

Và giờ đây nó đã phát triển thành vùng rộng lớn ở miền Đông, Tây Nguyên, miền Trung và nơi chúng tôi đang “ngơ ngác” đi dọc hàng hàng cao su thẳng tắp được gọi là “thủ phủ” cao su: Bình Phước.

Cao su được gọi “vàng trắng” từng đem về “bạc tỷ”, nhưng mấy năm gần đây trở nên rủi ro khi giá cả gần như chạm đáy. Thị trường tiêu thụ cao su cũng khó đoán và bấp bênh.

Nắng rát ở thủ phủ cây điều

Năng suất điều năm nay ảnh hưởng nhiều bởi sương muối dày, khiến bông đậu trái ít.

Bình Phước cũng là thủ phủ của cây điều với hơn 140.000ha và là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Tôi xuống xe đò, tại chợ thị trấn Nghĩa Trung (Bù Đăng) người dân phơi điều như phơi lúa, chỉ khác hạt điều màu nâu đen chứ không vàng mẩy như hạt lúa.

Anh Cường đón tôi lên rẫy cách chừng chục cây số. Con đường đất đỏ lớp lớp bụi, chực chờ bánh xe lăn tới “tung hỏa mù” mờ mịt, ai đi sau chỉ có nước… no bụi đỏ.

Người đi đường mong mưa làm trôi hết lớp bụi dày đặc đó. Còn người trồng cà phê trông đứng trông ngồi những cơn mưa tưới mát cà phê đang khô héo, lác đác trái rụng.

Đã vào cuối mùa thu hoạch, những vườn điều dậy mùi trái phân hủy. Điều chỉ lặt lấy hạt, trái điều bỏ lăn lóc gốc cây, ai thấy cũng tiếc nhưng không biết làm sao ăn cho hết! Tôi ngủ chòi canh giữ điều với chủ vườn. “Mùa điều cũng là mùa trộm đấy, trộm đêm trộm ngày”- anh Cường bảo.

Hôm điều rộ, thuê mướn thêm vài ba người mới lượm kịp, hạt điều gom từng đống nhỏ, lượm hết lượt quay lại gom hạt thì không còn nữa. Vườn tới 4ha, đồi dốc nên khó quan sát, kẻ trộm tinh ranh hớt hết công cán! Anh ngủ lại chòi để “cho có hơi người” chứ chưa chắc ngăn được trộm, về nhà lại không yên tâm. Năm nay điều được giá nhưng thất mùa do mấy đợt sương muối cuối năm.

Mùa điều, nhà nào cũng đóng cửa đi lên rẫy. Giá điều còn nóng hơn thời tiết ban ngày. Vừa hôm trước 25.000 đ/kg hôm nay tuột 20.000 đ/kg, vợ anh Bệu ở Đức Liễu (Bù Đăng) sốt ruột bởi cả tấn điều còn trong nhà, sợ tiếp tục giảm giá.

Lén lấy xe chất bao điều nặng trịch chở đem bán, đường đồi dốc bị ngã xe. Anh Bệu cẳn nhẳn: “May mà không sao, nếu có chuyện gì với vợ và đứa con trong bụng thì hối hận không kịp. Bà xã chạy xe yếu lắm”.

Người trồng điều cũng giống như người trồng lúa, bán điều tươi giá cả luôn bấp bênh, rộ mùa lại rớt giá. “Năm có 1 mùa, điều thất chỉ có nước ăn muối!” nên mọi “nguồn lực” tập trung cho điều.

Người có chút vốn liếng, bỏ tiền mua cả vườn điều thu hoạch lấy công làm lời. Mỗi bao điều “ăn gian chút cùi” thêm vài ba ký, rưới nước cho nặng cân. Vì điều này mà anh Phú- một vựa nhỏ- cho biết thu mua điều phải biết điều ráo, điều cùi. Không phải trong bao điều nào cũng vạch coi từng hạt.

Tin tưởng nhau, nhưng vẫn có bao điều 50kg, cân rồi bỏ đó, chừng bán thương lái trừ bì, trừ cùi cả 5kg coi như lỗ chắc. Nên ai uy tín thì thôi, không thì vẫn coi hàng trước. Vậy đó, nửa đêm xe công ty mua điều ghé vô, tưởng họ xúc điều đi luôn. Ai dè, 3- 4 người nhào vô đống điều nhặt bẻ từng cái cùi còn dính vào hạt, bởi “nhiều lần mua nhầm điều tươi… trộn cùi, mắc chết luôn”.

Cây điều cũng thăng trầm. Nhiều nông dân mà chúng tôi đã gặp đang rất băn khoăn giữa việc giữ lại vườn điều hay chuyển sang trồng cây khác!

Quốc lộ 14- dọc đường gió bụi

Từ Bến xe miền Đông, có 2 loại xe lên Tây Nguyên, xe giường nằm chất lượng cao (ít chuyến) và xe đò (phổ biến, xe chở cả người và hàng, có khi hàng lấn cả ghế ngồi). Mà dù đi bằng xe gì thì cũng đi trên Quốc lộ 14 mịt mù gió bụi.

Ấn tượng nhất là đi xe đò, hành khách ngồi vật vạ chung với đủ loại vật tư máy móc từ Sài Gòn lên và nông sản từ Tây Nguyên xuống. Có khi sang qua sang lại mấy chuyến xe mới tới nơi, làm tôi nhớ những chuyến xe đò miền Tây hơn… 10 năm về trước, khi mà phương tiện thiếu thốn và đường sá còn khá tệ.

Có đoạn người dân gọi “đường kỳ cục”, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực ở công trình “rùa bò” này: mưa lầy lội, nắng bụi mù trời! Nhiều hành khách từ Đăk Nông nói mà tiếc: “Đi sướng nhất từ Đồng Xoài xuống Sài Gòn, nhưng tớ tới Đồng Xoài thôi, không được đi sướng!”

Mà dọc đường gió bụi này đâu chỉ thấy khó chịu. Chuyến xe về Trà Vinh hầu hết hành khách là người dân Trà Vinh làm thuê mùa vụ. Mùa điều rộ, họ được huy động từ bà con, chòm xóm lên đây làm 1- 2 tháng, chủ vườn bao ăn ở, hết vụ rồi về.

Năm nay công lượm điều cao 130.000- 150.000 đ/ngày, mà vẫn thiếu. Họ cười nói vui tươi không màng đường dằn xốc.

Chú Tư lập nghiệp hơn 20 năm ở Kiến Đức (Đăk Mil, Đăk Nông) về thăm quê ngoại ở Trường An (TP Vĩnh Long), bảo giờ bớt khó khăn rồi. 4 đứa con học đại học. Rẫy đã chuyển từ tiêu, điều sang cao su và gia đình chú có nhà mặt phố thị trấn.

Cậu thanh niên tên Lập lên xe từ Đồng Phú (Bình Phước) khệ nệ ôm bao quýt tiều son đem về quê khoe bà con ở Chợ Lách (Bến Tre). Bắt đầu lập nghiệp với nghề mua bán sầu riêng nội địa và qua Campuchia, giờ đã tạo dựng cơ ngơi 2 mẫu quýt và cậu muốn từ đó tiếp thị giống cây ăn trái của quê hương mình.

Theo báo Vĩnh Long