Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dọc miền tín ngưỡng
Thứ bảy: 00:05 ngày 14/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chảy đi, cuốn theo mọi nỗi bất an của lòng người! Chảy đi, để dọn sạch lục bình cho ghe thuyền lại tấp nập ngược xuôi, cho cuộc sống bình yên sau mùa đại dịch toàn cầu đang bùng phát khắp nơi trên thế giới.

Thực hiện nghi thức thả thuyền tống ôn tại lễ kỳ yên đình Trường Đông năm 2017. Ảnh: Lê Văn Hải

Covid- 19 thì ai cũng đã biết! Từ trước tết Nguyên đán tới nay, cả nước đã căng mình phòng, chống dịch bệnh lây lan. Là một tỉnh biên giới Tây Nam, Tây Ninh cũng không nằm ngoài khuôn khổ ấy. Trên các phương tiện thông tin, chúng ta thấy hình ảnh các chiến sĩ Hải quan, Biên phòng, Y tế làm việc khẩn trương với hàng ngàn lượt người mỗi ngày qua các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát…

Nhưng, với các chùa, đình, miếu mạo ven sông Vàm Cỏ Đông thì ai cũng thấy buồn hiu hắt. Không còn tiếng trống mõ ì đùng vang động một vùng sông. Cứ theo thói quen mọi năm, giữa tháng 2 âm lịch là tôi lại về các miếu đình trên vùng thềm sông Vàm Cỏ Đông. Vậy nên dù đã có lời nhắn của anh Chín Đức- Ban quý tế đình Phước Chỉ là năm nay chỉ cúng “nội bộ” nhưng tôi vẫn tìm về Phước Chỉ. Không dự lễ cúng Kỳ yên thì ngắm lúa, ngắm sông.

Dịp 15 tháng Giêng, lẽ ra năm nay đã theo anh Chín đi cúng đình ngoài ấp Phước Mỹ- ấp xa nhất ở doi đất chót cùng phía Nam của tỉnh nhà. Nhưng rồi đành bỏ hẹn, đợi tới năm sau thì tính tiếp. Qua 16 tháng Giêng năm nay lại tìm về một chốn quen là đình Trường Đông, đình cũng đã trở nên hiu hắt người. Ban quý tế chấp hành nghiêm lệnh đã không phát thư mời, không giăng băng-rôn, cờ hoa, cũng không có các đội múa lân xóm ấp đến góp vui như mọi năm.

Nhớ vào ngày chính lễ Kỳ yên năm trước, người đông không thể chen chân. Xúm xít vòng ngoài vòng trong là người lớn và trẻ em quây kín sân đình xem các trò múa lân đặc sắc. Nào là lân rúc đầu vào lán cùng với lân con. Rồi lân leo tít lên cột cao dựng đứng… Đến tầm trưa, mãn lễ, người ta vẫn còn ở lại, đứng kín bờ sông xem cảnh thả thuyền tống ôn ra giữa dòng… Vậy mà năm nay vắng, vì đã bỏ đi tất cả mục hội hè. Ban quý tế lặng lẽ thực hiện các nghi thức cúng đình và thả thuyền tống tiễn ôn dịch ra đi trong lặng lẽ…

Qua rằm tháng 2 mới là trọng điểm của lễ hội Kỳ yên các đình miếu ven sông. Đúng ngày rằm, tôi qua cầu Gò Chai về miền đất Ngũ long. Qua Long Chữ ghé đình cũng thấy đình quạnh vắng. Cũng không thấy băng-rôn hay cờ xí trang hoàng. Nhưng vào trong, mới thấy Ban Hội đình lo toan chu tất cho một lễ Kỳ yên “nội bộ”. Sân đình, chính điện sạch bong, hương hoa đã sẵn sàng trên các ban thờ cùng lập loè ánh nến.

Bởi ngày sau mới vào chính lễ, nên ngày 15 vẫn cứ lặng lẽ mà chuẩn bị quả phẩm dâng lên thành hoàng cùng các vị thần linh. Các ngôi đình khác dọc đường 786 cũng y như thế. Vậy mà ra tới đình Bà thuộc An Thạnh- xã nằm dọc hai bên đường Xuyên Á thì lại khác.

Hôm ấy lại trùng ngày dương lịch 8.3. Ở quê lúa An Thạnh, người dân không quên ngày này là lễ cúng Kỳ yên ở đình Bà- ngôi đình lạ và độc đáo nhất trong toàn tỉnh. Ở đây thờ “Thất vị nương nương”- người phù hộ cũng là người khai phá miền đất này từ mấy trăm năm trước. Năm nay lại là năm trúng lớn vụ Đông Xuân, nên chẳng ai bảo ai mà người trong ấp Bến vẫn tự động ra miếu viếng Bà.

Vì vậy, ban cúng tế cũng phải tổ chức dâng lễ vừa an toàn vừa chu tất. Nghĩa là vẫn có nhạc lễ, học trò lễ, đào thài, với đầy đủ nghi thức, điệu bộ nghiêm trang. Có điều, trống mõ cùng nhạc lễ nhẹ nhàng hơn, không có tiếng trống lân thúc giục rộn ràng, nôn nao bến nước.

Lễ cúng cầu an.

Vậy mà bến nước vẫn nôn nao! Là bởi đang mùa gặt. Máy gặt liên hợp Kubota nổ máy vang rền, leo lên phà đi gặt tiếp ở đồng xa. Rồi ghe chở lúa từ các nơi về ghé bến. Cả hàng chục chiếc vỏ lãi composite màu xanh chạy tới chạy lui trên sông không rõ làm gì. Giữa dòng sông, thỉnh thoảng một ghe bầu lớn chạy ngang, chở khẳm thóc vàng đang xuôi dòng về đâu đó. Tôi tự nhủ, thế này thì đợi đến sang năm, khi đã tan hết dịch bệnh thì chắc bến đình này sẽ còn vui lắm lắm. Sẽ lại là cảnh tượng “trên bến dưới thuyền” trống mõ vang rền rung động một vùng sông...

Còn hiện giờ, chị chủ quán cà phê duy nhất trước bến đang buồn vì vắng khách. Vài thanh niên lái máy, ghe ào đến rồi đi. Những cánh đồng lúa chín còn đang đợi họ. Í ới một tiếng gọi trên cao. Thì ra anh công nhân băng tải nhoẻn cười giục tôi: máy chạy rồi chụp hình đi! Từng bao thóc căng trôi từ từ trên băng tải vươn dài ra sông, nơi có chiếc ghe chở khẳm vừa đến vài phút trước…

Qua rằm tháng 2 mấy ngày tôi nhớ, là lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ tát (Bà Quan âm) ở chùa Gò Kén- Thiền Lâm. Chà! Vài năm trước, những ngày này lối vào chùa đã không thể chen chân - suốt cả 3 ngày từ 17 đến 19 tháng 2 âm lịch. Vậy mà hôm 17, tôi tới chùa vẫn thấy vắng hoe, thậm chí còn vắng hơn dịp tết. Gặp nhóm làm phim của bạn đạo diễn Nông Huyền Sơn đang nghỉ ngơi uống nước trước sân chùa.

Đành an ủi bạn! Rằng thôi thì tạm khai thác lịch sử chùa Gò, cùng những nhân vật tên tuổi như các sư thầy nổi tiếng trong quá khứ, như thiền sư Như Nhãn và Minh Đạt... Xui xẻo cho các bạn! Giá như mọi năm thì lúc này đã tha hồ quay cảnh đẹp. Năm nay thì chịu thua. Hẹn tới sang năm về quay tiếp.

Vậy mà qua ngày 19 - ngày chính lễ thì bà con tín ngưỡng vẫn đổ về, tuy chỉ bằng phần năm, phần mười năm ngoái. Nhờ vậy không gian thoáng đãng thấp thoáng người đi tại mỗi cảnh chùa. Đông nhất là quanh gốc bồ đề, nơi có pho tượng Quan âm bằng đá núi Bà. Sau nữa là bên gian thờ dưới chân đài tượng Bà lồng lộng đứng ngoài trời cao 25 mét. Chim bồ câu chao liệng, bay trên các hồ nước lung linh nhìn rõ bóng rùa và cá chép đỏ đang bơi…

Nghe tiếng chuông vàng dội từ quả chuông hơn 5 tấn mới có từ năm trước. Ngó ra, thấy một nhà sư đang gồng mình kéo cái dùi chuông to tựa cột nhà. Thì ra ông đang thỉnh chuông cho lễ cầu nguyện của các nhà sư và phật tử. Trong gian thờ dưới chân tượng Phật bà, sư trụ trì Thích Thiện Nghĩa chủ trì làm lễ. Bà con phật tử quỳ lạy chung quanh. Trên ngai thờ, pho tượng đồng Bà đang giơ ngón tay bắt quyết trừ tà, như đang tìm lại bình yên cho cõi thế.

Chung quanh Bà là bát ngát hương hoa cùng quả phẩm dâng cúng. Đấy là các mâm xôi đậu, bánh thốt nốt và xôi vị. Lát sau, lại có cô gái trẻ đến dâng vài thùng bánh bông lan. Trong lời cầu nguyện của sư, thấy có cả lời mong Bà ra tay giúp con người diệt trừ dịch bệnh do Covid- 19 gây ra. Dù vậy, ông cũng có khuyến cáo phật tử phải tự mình phòng bị, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng để chống lây lan dịch bệnh.

Vì thế, chùa đã cắt bỏ lễ thả hoa đăng, cũng như lễ rước xe hoa vào ngày hôm trước… Từ lời nguyện cầu ấy, tôi chú ý quan sát, thấy có đến quá nửa người đến chùa đeo khẩu trang. Không thấy ai nói lớn, cười vang như các mùa hội trước. Dĩ nhiên, năm nay cũng không có các gian hàng ẩm thực phục vụ miễn phí cho khách hành hương. Bù lại, sau khi lễ cầu nguyện kết thúc là tới màn chia bánh trái- lộc phật cho bà con dự lễ. Tôi cũng được phát cho một chùm bánh thốt nốt vàng ươm.

Lễ cúng Kỳ yên đình Bà An Thạnh.

Chùa Gò Kén vẫn đang xây dựng, như hơn 10 năm qua. Năm nay, có lẽ đoán trước tình hình vắng vẻ của mùa lễ vía Bà Quan âm, sư trụ trì cho sang sửa phần chánh điện. Cùng với sửa là xây mới phần phía sau để làm toà giảng đường có lầu cao rộng. Ngôi chùa cũ sẽ được mở rộng thêm ra hai bên, đáp ứng nhu cầu của bà con phật tử, nhưng vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc xưa do hoà thượng Như Nhãn đã xây nên. Cái mới và cái cũ bên nhau được tiếp nối hài hoà, để Gò Kén xứng đáng là điểm nhấn đặc sắc của khu du lịch, dịch vụ, sinh thái theo quy hoạch của đô thị Hoà Thành vừa mới trở thành Thị xã.

Vậy là tôi cũng vừa mới lướt qua một mùa lễ hội giêng hai trên dải đất dọc thềm sông Vàm Cỏ. Không còn những náo động, tưng bừng. Nhưng vẫn nhận ra một lối sống tích cực và bình an; điềm nhiên và thanh thản của người Tây Ninh sống ở vùng sông, như dòng chảy vẫn chầm chậm, hồn nhiên chảy ra biển cả. Chảy đi, cuốn theo mọi nỗi bất an của lòng người! Chảy đi, để dọn sạch lục bình cho ghe thuyền lại tấp nập ngược xuôi, cho cuộc sống bình yên sau mùa đại dịch toàn cầu đang bùng phát khắp nơi trên thế giới.

Ghi chép: Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục