Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Như đã kể ở bài trước, miền đất tổng Triêm Hoá xưa kéo dài từ xã Trường Tây cho đến xã Phước Trạch, dọc một triền sông Vàm Cỏ Đông dài hơn 30 cây số.
Lễ hội dinh thờ Huỳnh Công Thắng, Cẩm Giang.
Vào năm 1808, khi vua Gia Long đổi tên dinh Phiên Trấn “làm trấn Phiên An, lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện” thì trong danh sách các thôn, xã thuộc tổng Bình Cách, Thuận An, đã có tên các thôn: Cẩm Giang Tây và Thạnh Đức (sách Gia Định thành thông chí).
Tìm hiểu về xa hơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư còn cho rằng những thôn xã ấy đã được thành lập ngay từ khi lập đạo Quang Phong (1779). Điều này cũng dễ hiểu, vì khi lập đạo, chúa Nguyễn đã chọn thôn Cẩm Giang làm đạo sở (giống như tỉnh lỵ, huyện lỵ ngày nay) thì đất liền kề với Cẩm Giang chính là thôn Thạnh Đức. Dĩ nhiên, hai thôn ấy sẽ là bàn đạp đầu tiên, để huyện Quang Hoá khi được thành lập (1836) sẽ mở mang ra các thôn làng trong tổng Triêm Hoá. Đến đây, bỗng nhớ lại một đôi câu đối trước ban thờ thần trong đình Cẩm An- Hưng Mỹ. Đấy là:
- Triêm thánh đức, thế độ nguyên lưu phong điều vũ thuận
- Ngưỡng thần ân, tông di hiền Việt phụ dâng khương
Nghĩa là: Cái đức của thánh nhân thấm nhuần, độ xuống làm thành mưa hoà gió thuận/ Lòng ngưỡng mộ cái ân của thần, khiến người dân hiền (lương thiện) luôn cúng tế thường xuyên. Chữ đáng chú ý ở câu trên là Triêm, có nghĩa thấm nhuần một cái ơn trên mưa móc.
Liệu đây có phải chữ các bậc tiền nhân nghĩ đến khi đặt tên cái tổng đầu tiên của huyện Quang Hoá là Triêm Hoá? Như vậy là giữa một vùng sông, từng được người xưa đặt tên sông Gấm (Cẩm Giang), thì bên kia sông là những cánh đồng màu mỡ của các thôn Tiên Thuận và Lợi Thuận của tổng Giai Hoá, còn bên này là tổng Triêm Hoá tấp nập đông vui hơn. Người bên Triêm Hoá thường sang sông gieo cấy gặt hái những mùa màng.
Tập quán ấy cho đến nay cũng vẫn còn, mà một dạo gọi là ruộng xâm canh. Vẫn còn một bến sông chuyên phục vụ cho việc này ngay dưới chân gò Cao Sơn tự; cái gò đã vào trong ca dao, sánh ngang với núi Điện, sông Vàm. Nhưng đấy là chuyện của vài trăm năm qua, kể từ khi người Việt đến vùng thềm sông này mở đất lập thôn làng. Trên thực tế thì đây còn là quê hương của con người các thời văn hoá xa xăm. Như các thời kỳ văn hoá Óc-eo hay thời tiền sử.
Thả thuyền tống ôn đình Trường Đông.
Báo cáo khoa học về khảo cổ học của Bảo tàng Tây Ninh (2011) cho biết, ngay ở thôn Trường Hoà xưa, nay là ấp Trường Phú, xã Trường Đông có di tích thuyền cổ. Di tích nằm gần dòng rạch Rễ. Đấy là: “thuyền độc mộc, được đục từ thân một cây gỗ to. Thuyền còn tương đối nguyên vẹn… thân thuyền còn lại dài 11m63, rộng nhất ở giữa thuyền là 1m30, lòng thuyền sâu nhất 0m50…
Trong lần khảo sát vào đầu tháng 4 năm 2010, trên một cái mương dẫn nước của chủ nhà đào trong vườn cây…, đã làm lộ ra một phần đuôi của một con thuyền khác... Trên bờ ao nuôi cá được chủ nhà mới đào sau này, ông cho biết đã tìm thấy mũi một con thuyền khác nằm cạnh bờ ao…”.
Kết quả giám định bằng xét nghiệm C14 của Viện Khảo cổ học Hà Nội cho kết quả niên đại của gỗ thuyền là 1955 + 95 năm cách ngày nay. Như vậy là không chỉ có một con thuyền độc mộc, mà có cả một cụm thuyền cho ta thấy đó từng là nơi cư trú của con người ở khoảng 2.000 năm trước. Đấy là vào thời kỳ đầu của văn hoá Óc-eo thuộc vương quốc Phù Nam.
Thế còn ở một thôn địa đầu phía Nam của tổng Triêm Hoá- thôn Phước Trạch, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những di chỉ quan trọng trên gò Cao Sơn. Các di chỉ ấy cho thấy trên gò có di tích của 2 nền văn hoá cổ xưa.
Cũng theo báo cáo đã kể trên thì: “Lớp đất trên mặt di tích dày từ 0m40 đến 0m60 là lớp đất được đắp thêm thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo, hậu Óc-eo; từ 0m40 đến 0m60 trở xuống là tầng cư trú thuộc thời kỳ tiền sử.
Tầng cư trú thời kỳ tiền sử dày trung bình từ 0m60 đến 1m00. Dấu vết cư trú thời tiền sử trải rộng với diện tích gần 1 ha đất về phía Nam và Đông Nam của khu gò Cao Sơn…”. So sánh các mảnh gốm tìm thấy trong tầng đất này với các di tích khác của miền Đông Nam bộ, các nhà khảo cổ học đoán định: “di tích thời tiền sử của gò Cao Sơn có niên đại vào khoảng 2.500 đến 2.700 năm cách ngày nay”.
Như vậy, vùng thềm sông tả ngạn này đã có cư dân thời tiền sử và Óc-eo cư trú từ hơn 2.000 năm trước. Sau thế kỷ VIII- hậu Óc-eo, toàn miền Nam bộ trở lại hoang vu, thường được người Chân Lạp xưa gọi là xứ chuồng Voi (Rom Dum ray).
Chỉ đến cuối thế kỷ 17, cùng với công cuộc khai phá Nam tiến của các chúa Nguyễn, vùng đất Nam bộ mới hồi sinh. Mà các vùng đất ven sông trở nên phát triển mạnh mẽ nhất. Tổng Triêm Hoá cũng thế! Đấy chính là nơi có mật độ các di chỉ, di tích rất cao so với các vùng đất khác.
Trên lớp móng nền của 2 tầng văn hoá, chùa Cao Sơn đã mọc lên vào cuối thế kỷ 18 như biểu tượng cho tầng văn hoá thứ ba của người Việt. Bên cạnh đó, còn là đình Phước Trạch, là các ngôi miếu Bà Chúa xứ hay miễu Ông Tà.
Và không chỉ ở Cao Sơn, Phước Trạch, mà ở khắp các thôn, xã khác (ngoại trừ xã Hiệp Thạnh chỉ có 1 chùa, 1 nhà thờ xây trong thời Pháp thuộc về sau). Xã Thạnh Đức nay vẫn còn tới 3-4 ngôi chùa cổ, 2 ngôi đình. Một ngôi ở Bến Mương, một ngôi ở bến Cây Chò gần rạch Bàu Nâu. Cẩm Giang cũng còn 2 ngôi đình, một dinh thờ Huỳnh (hay Trần) Công Thắng cùng một ngôi chùa Cẩm Phong nổi tiếng từ xưa.
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Tây Ninh khai quật thuyền độc mộc có niên đại 2.000 năm. (Ảnh tư liệu: P. TK)
Điều đáng quý nhất là các ngôi đình ở các xã kể trên vẫn giữ được các kiến trúc xưa, rất đặc trưng của đình Nam bộ. Đấy là các kiến trúc gỗ với bộ khung kết cấu kiểu “tứ trụ”; mái ngói thâm nâu tạo dáng hình “bánh ít”. Cùng với đình, còn là các rừng cây cổ thụ quý giá. Như gần 1 ha đất đình Cẩm An, xao xác bóng cây củ chi, cổ thụ trên cao. Đấy là chưa kể đất cũ của đình ở trong Láng Cát cũng tới vài héc-ta, thâm u bóng cả, cây già…
Đình trung Cẩm Giang ở ấp Cẩm Long, hay các ngôi đình Thạnh Đức, tuy nhỏ hơn nhưng cũng gần như là thế. Tới đất Trường Hoà xưa, nay đã thành 3 xã, nhưng vẫn còn 2 ngôi đình xưa ở Trường Đông và Trường Tây. Đấy là chưa kể đến các ngôi miếu Ông Tà hay các vị nữ thần như Bà Ngũ Hành, Bà Chúa xứ. Ở đâu trên đất xưa Triêm Hoá cũng dễ dàng nhận ra một nền văn hoá có bản sắc dân gian truyền thống đậm đà.
Ngày nay, miền Triêm Hoá xưa đã thuộc về 2 huyện, thị là Gò Dầu và Hoà Thành. Một bên sông, một bên đường quốc lộ 22B nên khá quen thuộc với người trong và ngoài tỉnh. Nhưng có khi, đường tốt, sóng êm khiến xe, tàu đi lại vút qua nhanh.
Xin đừng quên những lễ hội tưng bừng trong các tháng Giêng, Hai sau tết. Là các lễ hội Kỳ yên khắp các ngôi đình từ Trường Tây về Phước Trạch. Chiêng trống âm vang khắp một dải sông Vàm Cỏ Đông. Nhiều ngôi đình Triêm Hoá xưa vẫn giữ tục lệ thả thuyền tống ôn, vui lắm! Vừa là niềm vui, vừa là khát vọng. Về một cuộc sống thơ thới bình yên ngay bên sóng nước sông Vàm.
Trần Vũ