Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tập thơ được dịch giả Thiếu Khanh Nguyễn Huỳnh Diệp dịch sang tiếng Anh có tựa đề là The Response of alluvium.

Cách đây tròn 4 năm cũng vào những ngày cuối năm tôi bất ngờ nhận được tập thơ đầu tay của nhà thơ nữ Nguyễn Ngọc Mai- người con của quê hương Phước Chỉ, Trảng Bàng mang tựa đề “Giọt sương mặt trời” (NXB Thanh Niên-2007). Năm nay, cũng vào thời điểm trùng hợp, tôi lại nhận được tập thơ thứ hai của Mai vừa xuất bản mang tựa đề “Tiếng dạ phù sa” (NXB Thanh Niên-2011). Tập thơ được dịch giả Thiếu Khanh Nguyễn Huỳnh Diệp dịch sang tiếng Anh có tựa đề là The Response of alluvium.
![]() |
Nhà thơ nữ Ngọc Mai trong buổi ra mắt tác phẩm tại Thành phố HCM |
“Tiếng dạ phù sa” do hoà thượng Thích Giác Toàn, tức nhà thơ Trần Quế Hương viết lời tựa, nhà thơ Lê Minh Quốc viết lời cảm nhận. Tập thơ khá xinh khổ 15x16cm. Tựa sách được viết theo lối thư pháp bay bướm.
Nối tiếp mạch cảm của “Giọt sương mặt trời” từ 7 năm về trước, “Tiếng dạ phù sa” tập hợp 40 bài thơ chọn lọc, trong đó có nhiều sáng tác rất mới. Ngọc Mai tiếp tục cho thấy chất nhạy cảm của một tâm hồn luôn trăn trở với từng số phận người. Chẳng hạn như:
Ngày cưới em dòng sông buồn không hát
Lời thề xưa ứa lệ mấy nhịp cầu
Chú rể Đài khập khiễng chân sánh bước
Em ngượng ngùng trong tà áo cô dâu.
(Chuyện cô dâu Việt xứ Đài)
Có một điểm khác hẳn với “Giọt sương mặt trời”, ở tập thơ song ngữ Mai đã đề cập đến khá nhiều và khá sâu xung quanh nỗi đau của kiếp phù sinh, ảo ảnh:
Em tìm em giữa bao la vũ trụ
Gót chân trần ướt lạnh dưới mưa giông
Anh có gặp giữ giùm em nhan sắc
Đoá vô thường lặng lẽ giữa thinh không.
(Lời nhắn 2)
Đọc “Tiếng dạ phù sa” tôi cảm giác: thơ Mai rất dễ chạm vào những nơi sâu lắng nhất của tâm tư mà đã chạm vào là đọng lại…
PHAN KỶ SỬU