Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đọc “Trảng Bàng phương chí”- sách in lần 2
Thứ năm: 02:12 ngày 08/09/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Điều đáng quý nhất của lần tái bản này là tác giả đã tiếp thu ý kiến của nhiều bạn đọc có tâm huyết với Tây Ninh để sửa chữa những chi tiết còn chưa chính xác. Có thể kiểm chứng ở phần “Tài liệu tham khảo” in ở cuối sách. Danh mục này đã tăng lên, từ 98 cuốn ở lần in đầu lên 101 cuốn ở lần tái bản; trong đó có những cuốn phải đọc từ nguyên bản tiếng nước ngoài.

Thế là, chỉ sau khoảng một năm rưỡi kể từ ngày xuất bản lần đầu tiên  (10.11.2014), “Trảng Bàng phương chí”- cuốn sách dày 811 trang, viết về lịch sử vùng đất và con người phía Nam Tây Ninh của Vương Công Đức đã được tái bản (ngày 6.6.2016) bởi Nhà Xuất bản Tri Thức. Lần tái bản này, sách được in 500 cuốn. Vẫn là giấy dó cao cấp nên gần 900 trang in khổ 16x24 mà vẫn nhẹ. Điều đáng quý nhất của lần tái bản này là tác giả đã tiếp thu ý kiến của nhiều bạn đọc có tâm huyết với Tây Ninh để sửa chữa những chi tiết còn chưa chính xác. Có thể kiểm chứng ở phần “Tài liệu tham khảo” in ở cuối sách. Danh mục này đã tăng lên, từ 98 cuốn ở lần in đầu lên 101 cuốn ở lần tái bản; trong đó có những cuốn phải đọc từ nguyên bản tiếng nước ngoài. Và thêm 10 cuốn của các tác giả quê ở Trảng Bàng chưa từng xuất bản.

Xin lựa chọn vài chi tiết quan trọng nhất đã được “sửa sai” trong lần tái bản này.

1. Về các làng An Tịnh, An Hoà. Nghiên cứu về các tổng, thôn trực thuộc (từ trang 142) tác giả đã phát hiện ra một sai sót trong cuốn sách “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của tác giả Nguyễn Đình Tư (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2008). Đấy là việc sách đã “bỏ sót” làng Bình Tịnh- tiền thân của làng An Tịnh, Trảng Bàng. Nếu không có những sách sử khác, thì rất dễ bị hiểu lầm là không có làng Bình Tịnh nào ở Tây Ninh. Tuy nhiên, tác giả cũng đã tìm ra một bằng chứng khác.

Đấy là theo cuốn “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn- Gia Định của Nguyễn Đình Đầu, trong đó nêu: địa bạ Gia Định do triều Nguyễn lập trước năm 1836 có mô tả địa giới thôn Bình Tịnh như sau: “Bình Tịnh thôn…tục danh là Lò Mô- Đông giáp địa phận thôn Phước Mỹ (tổng Dương Hoà Trung, huyện Bình Dương…). Tây giáp địa phận thôn Mỹ Thạnh Đông, lấy lòng rạch làm ranh giới. Bắc giáp địa phận thôn Gia Lộc (tổng Dương Hoà Trung, huyện Bình Dương), lại giáp địa phận thôn Thanh Phước, đều lấy lòng rạch làm ranh giới…” (trang 139). Như vậy, ranh giới phía Bắc với 2 địa danh còn tới ngày nay là Gia Lộc và Thanh Phước đã đủ chứng minh cho xuất xứ rất sớm của xã Bình Tịnh- An Tịnh (ngay từ đầu thế kỷ XIX).

Về thôn An Hoà, tác giả cũng có phát hiện mới. Đấy là sự hình thành sớm hơn so với các nguồn sử liệu Tây Ninh trước đây đã xác định. Tác giả đã chứng minh qua nguồn trích từ sách “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn. Rằng An Hoà được Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực lập ra từ năm 1845 (thay cho 1872 như các ghi chép nhầm lẫn trước kia). Điều này cũng có trong cuốn “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”. Điều thú vị nhất trong mục liên quan đến 2 thôn An Tịnh, An Hoà lại ở chỗ tác giả đưa ra một nhận định mới: “An Hoà là trung tâm xưa của thôn Bình Tịnh chứ không phải An Tịnh…”  kết hợp với việc tìm tòi địa danh cũ, lai lịch đình làng mà tác giả nhận định: “thôn Bình Tịnh có thể được lập sớm hơn, vào năm 1802” (trang 150).

2. Trảng Bàng có phải từng là “châu thành” với ý nghĩa là trung tâm của tỉnh? Điều này, tác giả “Trảng Bàng phương chí” đã nhầm trong bản sách đầu tiên. Đấy là ở trang 205- 208, trong mục 8: Thành lập quận Trảng Bàng. Nay, thừa nhận chi tiết trên không đúng, nên tác giả đổi tên cả đề mục trong bản sách mới- mục 8, trang 205 đổi thành: “Thành lập Sở Thanh tra Trảng Bàng, hạt tham biện Tây Ninh và quận Trảng Bàng”. Trong phần diễn giải các biến động địa danh, đáng chú ý có chi tiết: Trảng Bàng từng bị “mất tên” suốt 32 năm- từ 1871 sau khi thành lập Hạt Tham biện Tây Ninh đến tận năm 1903 quận Trảng Bàng mới lập lại, thuộc tỉnh Tây Ninh.

Từ đây, đã có thể chắc chắn, dù biến động thế nào trong lịch sử, thì Trảng Bàng cũng chưa bao giờ là châu thành- “thủ phủ” của tỉnh Tây Ninh.

3. Về cụ Trần Văn Thiện, chương 18- Nhân vật chí (trang 748- 749). Riêng mục này, tác giả cũng đã “nghiên cứu” lại và biết mình có nhầm lẫn khi xác định là cụ Thiện có công với việc lập 2 làng Long Thành và Hiệp Ninh (Hiệp Ninh nay là phường thuộc TP. Tây Ninh). Tuy nhiên, tác giả cũng đã có căn cứ vững chắc để đưa ra luận cứ. Rằng các thôn thuộc vùng đất “Ngũ long”- Bến Cầu ngày nay không phải do công khai phá của cụ Trần Văn Thiện. Và ngay trong bản tái bản, dù chưa kịp sửa nhưng tác giả đã nêu ra ý kiến “nghi ngờ” của chính mình. Đấy là việc thôn Hiệp Ninh đã có từ năm 1838, trước khi cụ Thiện đến khai phá, xin lập làng mới Long Thành (1844).

4. Sau cùng là nhân vật Huỳnh Công Giản. Nhân vật này hiện vẫn còn là bí ẩn với lịch sử Tây Ninh, do chưa có các cứ liệu khoa học vững chắc về ông.

Trong mục 10, chương 4: Sơ lược về sự cai trị và những người đứng đầu đạo Quang Hoá từ năm 1779 đến năm 1859. Cuốn đầu, tác giả có đưa vào trang 132: “Năm 1814, vua sai lãnh binh Huỳnh Công Giản dẫn các anh em Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ lên Quang Hoá điều nghiên tình hình, lập đồn bảo củng cố vùng biên cương”. Trong cuốn tái bản tác giả đã bỏ đoạn này đi, sau khi “nghiên cứu lại” thấy trong các sử sách triều Nguyễn giai đoạn này đều không thấy có ghi chép (trong khi việc “điều binh khiển tướng” trên vùng đất mới được ghi chép rất kỹ) như tác giả trình bày trong mục 10. Điều này chứng tỏ Huỳnh Công Giản tiếp tục là… “ẩn số”. Vẫn còn chỗ trống cho các nhà nghiên cứu mai sau.

Qua cuốn “Trảng Bàng phương chí” vừa được tái bản, có thể thấy tác giả của nó thật sự cầu thị và nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Có thể xem đây là một công trình quan trọng đóng góp cho ngày kỷ niệm 180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển.

N.Q.V

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục