Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Không khí Tết hình như đã chạm ngõ từng nhà, gõ vào từng trái tim. Nhưng dường như, Tết lại bỏ quên họ!

Không khí Tết hình như đã chạm ngõ từng nhà, gõ vào từng trái tim. Nhưng dường như, Tết lại bỏ quên họ!
Đời mẹ
![]() |
Bé Hoa (trái) ngày còn bên mẹ |
Người mẹ tên Huỳnh Thị Hiền, năm nay 38 tuổi, hiện ngụ tại xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành. Quê cũ của chị ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới. Chị không có tuổi thơ bởi cái nghèo, cũng không được đi học, suốt ngày chỉ biết coi trâu, làm cỏ mướn, thường xuyên bị anh trai đánh đập. Bà mẹ già thấy con gái khổ nên xúi… lấy chồng đại cho rồi. Chồng chị là một người đàn ông tha hương, quê tận miền Bắc, nghèo rớt mồng tơi. Lấy chồng năm mười lăm, lên mười sáu chị có đứa con đầu tiên, mười bảy đứa thứ hai, mười tám đứa thứ ba. Đời không chỉ khổ mà còn quá khổ! Năm chị hai mươi tuổi, có người thuê hai vợ chồng chị coi rẫy mãng cầu ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Cả nhà đùm túm ra vùng biển tiếp tục cuộc đời làm mướn. Sang năm hai mươi mốt, chồng chị bị sốt rét, không đủ tiền điều trị nên đành chịu chết. Chị một nách hai con (đứa thứ ba đã gởi về quê nội nhờ nuôi giúp) trở về Tây Ninh, ngụ cư ở bìa rừng xã Hoà Thạnh.
Hai mươi lăm tuổi, chị lại gặp một người đàn ông tha hương, quê Quảng Bình. Ông ta nói thấy chị khổ nên muốn phụ nuôi con, chị xiêu lòng. Và đứa con thứ tư ra đời, tên Ngọc Trang nhưng ông chồng không chịu làm giấy đăng ký kết hôn, không chịu mua đất cất nhà, không chịu sắm sanh gì cả, chỉ bảo “từ từ rồi tính”! Đến một ngày- sau mười năm chung sống, ông chồng bỗng dưng biến mất với bé Trang. Hoá ra, ông ta đã có vợ có con ngoài kia. Vậy là, chị trở thành “bà giá” lần thứ hai.
Đời con
![]() |
Bé Trang lúc còn sống |
Ngày 16.4.2009, tại xã Thành Long, huyện Châu Thành, xảy ra một vụ đánh ghen ầm ĩ. Người bị đánh ghen là một cô bé- thường gọi bé Khùng, chưa đầy 16 tuổi. Bé Khùng tên thật là Nguyễn Thị Hoa. Như mẹ, gần hai mươi năm có mặt trên cõi đời này, Hoa chưa một ngày có tuổi thơ. Ngay từ khi mới sinh, cô bé đã suy dinh dưỡng, tinh thần khờ khạo. Năm 10 tuổi, một lần sang nhà hàng xóm chơi, cô bé bị người hàng xóm cưỡng bức phải đi bệnh viện cấp cứu. Người hàng xóm sợ tội nên đã… tự tử, còn cô bé trở nên tâm thần thật sự. Sau khi lành vết thương cơ thể, cô bé bắt đầu bỏ nhà lang thang. Đã bao lần bé bị cưỡng bức, không thể biết. Bởi chỉ cần cho bé chút cơm, cho chỗ ngủ, thậm chí một hơi thuốc (cô bé nghiện thuốc nặng) là có thể làm gì cũng được. Tâm thần bất ổn, lúc nhớ, lúc quên, bé Khùng như một con ngựa hoang dã. Khi gặp mẹ, cô bé cũng sà vào lòng hôn hít, bám riết lấy mẹ như đứa trẻ lên ba, nhưng chỉ một đêm ngủ nhà đã không chịu nổi, tối đến là cô bé đạp vách bỏ đi. Lần này, bé Khùng đã bỏ đi hơn một năm chưa thấy về. Người mẹ chỉ còn biết cầu xin ông trời chở che đừng để oan nghiệt đến với nó như đứa em xấu số của nó- bé Trang.
Bé Trang là con của người chồng sau. Khi tôi gặp Trang năm 2009, cô bé lúc ấy mới mười một tuổi mà nét mặt và tâm tư đã có vẻ già dặn như “bà cụ non”. Hồi Trang lên tám, Trang bị bố đưa đi, bỏ mẹ và các chị ở lại (vì ngoài quê bố đã có mẹ cả)! Một đêm vào năm 2009, người mẹ nhận được tin cho biết: Trang đang ở Đắc Lắc. Đang đêm, chị tức tốc đón xe ra thẳng cái xứ xa lạ đó và may mắn thay chị đã tìm gặp được con. Cho đến nay, ngoài chuyện bé Trang một mình vào Nam bằng cách tự tìm đến bến xe, thấy xe có chữ đề Bắc – Nam thì lên, đến Đắc Lắc, cô bé lang thang xin ăn trong quán ăn, may gặp bà chủ tốt bụng, nên mới có cơ hội gặp lại mẹ; còn lại, không ai biết đích xác chuyện gì đã xảy ra ngoài Bắc. Vì cô bé chỉ nói: con khổ lắm mẹ ạ, cháu khổ lắm các bác ơi, rồi thôi! Mẹ bé đoán: chắc bị bà vợ lớn với anh chị ngoài đó hành hạ.
Chưa tắt niềm hy vọng
![]() |
Góc học tập của Hương |
Cúi đầu mới bước được vào căn nhà thảm hại, chúng tôi không khỏi nhói lòng khi nhìn thấy giá sách vở ngay ngắn và hai bộ áo dài trắng cũ kỹ treo trên vách, ngay phía trên chỗ nằm của con lợn nái. Đó là niềm hy vọng mong manh của người mẹ trẻ. Con gái lớn của chị Hiền là Nguyễn Thị Huyền hiện đang học đại học sư phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đứa con gái thứ ba tên Nguyễn Thị Hương, trước gởi về quê nội nhờ nuôi dưỡng, nhưng nội nghèo quá nên cô bé chỉ được học đến lớp mười. Thương con ham học, quyết chí không để con khổ như mình nên chị Hiền vay nóng hơn năm triệu đồng, lặn lội ra Nghệ Tĩnh đón con về để nó được tiếp tục việc học hành. Hiện Hương là học sinh giỏi của Trường THPT Lê Hồng Phong (Châu Thành).
Giờ đây, nơi bìa rừng có ngôi nhà nhỏ xập xệ- cũng không phải nhà mình, người mẹ Huỳnh Thị Hiền đang vắt kiệt sức phơi từng lát mì khô, ngày ngày lặn lội đi “sóc” (vào phum sóc của người Campuchia để mua bán). Số tiền kiếm được bằng công việc cực nhọc ấy cộng thêm 800.000 đồng tiền coi chừng vườn cao su cho người ta, mỗi tháng chị chắt chiu vừa gởi cho con gái học đại học, vừa lo đóng học phí cho con gái lớp mười. Nghẹn ngào, chị nói chẳng nên lời: “Chỉ mong sao trời đừng cho bệnh để tôi còn nuôi con, để tôi có được một mái nhà, cho có chỗ tử tế để đặt bàn thờ đứa con tội nghiệp. Tôi cũng cầu trời phù hộ cho đứa con khờ khạo đang lang thang đâu đó được bình yên…”.
Tuy nhiên mới gần đây họ đã chuyển sang căn nhà mới sạch sẽ hơn một tí do chủ vườn cao su cho mượn tạm. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh ấy. Ngoài việc trợ giúp theo chính sách dành cho người nghèo, nghe đâu sắp tới địa phương cũng sẽ xem xét trợ giúp nhà “mái ấm tình thương” cho mẹ con chị Hiền. Có sự tiếp sức từ cộng đồng xã hội, niềm hy vọng của chị Hiền chắc chắn sẽ không tàn lụi.
LÊ DUY