Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Truyện ngắn
Đôi chân má
Chủ nhật: 12:01 ngày 01/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần dẫn chị em tôi đi mua giày, chúng tôi thường thắc mắc sao không thấy má mang giày. Má bảo: cốt nông dân, suốt đời chỉ ra ruộng, xuống bếp thì mua giày làm gì? Mua tốn tiền, về không mang bỏ lâu cũng hỏng.

Chiều, vừa dắt chiếc xe đạp vô sân, má lấy đôi dép cột sợi nhợ treo trên cổ xe xuống, loay hoay một chập rồi bảo tôi đi bỏ rác nhớ cầm đôi dép quăng luôn. Tôi có hơi lơ ngơ, sợ mình nghe nhầm, tại xưa giờ đời nào má vứt dép cũ? Phải nát quá tay, hết phương cứu chữa mà không bán được đồng nát mới bỏ thùng rác.

Tôi đứng nhìn đôi dép, quả không thể tận dụng được nữa. Cầm đôi dép, nghe trong lòng nhoi nhói. Má tôi đấy. Má tôi là nông dân. Một đời không biết mang giày. Chỉ có dép. Nếu những chiếc dép biết nói, chúng sẽ “hờn” má luôn, vì má mang chúng đến kỳ nát bét mới thôi - bé Út nói vậy thì tôi “thanh minh”: những đôi dép nếu có linh hồn chúng sẽ mừng lắm, vì ở với má, chúng sống một đời có ích, sống đến kiệt cùng, sẽ là điều đau buồn nhất khi biết mình bị… “sa thải”. Con Út nói thêm: má hay thiệt, dép mình mang đâu đứt đó nhưng má thì còn khuya. Tôi bảo, chân mày là chân phá dép còn má là đôi chân… thép.

Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần dẫn chị em tôi đi mua giày, chúng tôi thường thắc mắc sao không thấy má mang giày. Má bảo: cốt nông dân, suốt đời chỉ ra ruộng, xuống bếp thì mua giày làm gì? Mua tốn tiền, về không mang bỏ lâu cũng hỏng.

Má đinh ninh, thứ “đặc trị” hiệu quả nhất cho những công việc vừa nói là dép. Luôn luôn. Má chọn dép lào. Lý do: rẻ, bền, tiện.

Cái ưu việt của dép lào là lâu cũ và rất khó đứt, mà dù có đứt vẫn còn tận dụng được một thời gian. Đôi dép lào của má mòn vẹt, mang đôi dép mà gót chân cụng đất. Tại dép đã cũ, tại đã đứt quai nhưng má không vứt vội, nếu đứt quai sẽ dùng cây kim may bao luồn sợi nhợ qua nối lại. Cứ như vậy, mang tới chừng “bó tay”, kiểu như đế dép đứt đôi mới đem vứt.

Còn một đôi nữa là dép cá sấu. Đôi này của đàn ông, thô kệch nặng nề nhưng là “bảo bối” của má khi đi rừng. Dép cá sấu để vô rừng kiếm củi, hái lá. Má giỏi khiếp lắm. Mùa hè, sau khi khom lưng cắt rạ, đốt đồng, sau khi phụ ba cày ải, má lại bươn vô rừng kiếm củi. Đồng còn có mùa nghỉ chứ má đừng hòng. Làm và làm. Má bảo không làm buồn tay buồn chưn (má tôi nói rặt phương ngữ), bứt rứt trong người chịu không được.

Ngọn núi quê tôi là núi Chai. Chắc vì cây cối không to cao nên bị gọi “chai” chứ đúng ra nó “bén” lắm. Núi Chai gai khiếp lắm. Nhờ đôi dép cá sấu có đế dày cui mà chỉ những cây gai cứng như đinh mới xuyên nổi vô chân mà suốt mùa hè, ngày nào má cũng hái củi. Chiều nào gánh củi về má cũng lật ngửa đôi dép cá sấu, dùng cái kìm nhỏ kéo ra những chiếc gai nhọn hoắt.

Rút hết gai trong đế dép lại lật chân mình lên khưi ra những đọt gai trốn trong da thịt. Chỉ nhăn mặt mỗi lúc rút đầu gai ra nhưng tôi biết má phải đau lắm. Đời má dãi dầu từ tấm bé nhưng dễ gì thấy những phút nhăn mặt đau khổ như thế.

Thêm một lý do để mang dép lào, dép cá sấu là vì chúng rất khó mất. Má nói xấu một chút nhưng tốt tính và khỏi lo giữ. Má không học hành nhưng triết lý gớm chưa, nói câu nào cũng ít nhiều có hàm ý.

Quay lại với đôi dép lào. Bây giờ đi bán vé số, má lại mang dép lào. Má nói nhẹ, dễ đi. Nhiều người phẫn nộ: “Con cái ngoại đâu, tụi nó làm gì mà để bà già lết thết đôi dép cùn đầu đường cuối hẻm thế này? Biết vầy hồi xưa đẻ ra bóp mũi cho rồi, hông ấy ngoại về giang chưn biểu tụi nó chui lại vô bụng đi!”.

Mười người gặp đã chín người nói thế. Chẳng thể trách người ta ác miệng được, họ nói đúng quá mà. Một bà già đã bảy mươi có lẻ với chín lần đẻ đáng lẽ phải nằm chăn êm nệm ấm, con cháu cơm bưng nước rót chứ có đâu mòn chân hết đường nọ sang đường kia bất kể ngày nắng như đổ lửa hoặc ngày mưa gió tả tơi thế này. Mới nghĩ tới cảnh ấy thôi đã nghe nhức nhối xót xa, huống chi người có lương tri tận mắt thấy.

Đi bán vé số, mỗi buổi chiều về má mệt lả ngồi bệt xuống hè, hai chiếc dép lào vương vãi. Má kiểm tra số vé đã bán, số tiền thực thu, vừa làm vừa viết nhật ký đi bán vé số bằng miệng. Tôi y như cái máy thu, chiều nào cũng ghi âm hết lời má rồi lặng lẽ buồn.

Buồn lắm, buồn muốn chết luôn. Từ ngày tôi bị chồng bỏ, ôm con về tá túc thì má cũng chính thức gia nhập đội quân bán vé số.

Đoạn trường lắm. Khuya dậy lục cơm nguội rồi tranh thủ xỏ đôi dép lào chạy qua bà bán xôi gần nhà mua ba ngàn móc trước cổ xe (ăn trưa) rồi tròng cái xách có ghi “xổ số kiến thiết” vào cổ và trầy trật đạp chiếc xe tàng không thể tàng hơn xuống thị trấn “tác nghiệp” - cách nhà chừng 20 cây số.

Ngày nào hên thì kiếm được một trăm (không có nhiều ngày như thế), còn bình quân thì mỗi ngày trên dưới năm chục. À, ngày nào số tiền thực thu và số vé bán ra cũng chênh nhau hai vé. Má nói do mình lẩm cẩm thối nhầm hoặc người ta mua một rút hai, cái đó là tai nạn nghề nghiệp nên không buồn. Nhưng buồn chuyện khác, cái nghề bán vé số nỗi niềm lắm.

Mỗi chiều về, nếu phải thấy má xác xơ hất chiếc xe vô rào và kéo lê đôi dép vô nhà thì tôi đau nỗi đau của cảm giác có tỷ tỷ con bò cạp đang cắn vào những tế bào của thân thể mong manh bách bệnh. Cảm giác này cực kỳ khó chịu, tôi “gắt”:

- Má đừng đi bán nữa!

- Bán vé số cũng như đi tập thể dục thôi. Từ ngày đi bán vé số má thấy cái lưng bớt đau.

- Nhưng con mang trọng tội.

- Nói xàm! Tội trạng gì, má tự đi chớ ai bắt ai biểu đâu. Cứ để tao làm. Còn đi đứng đùng đùng sao ngồi không được? Ráng đi được ngày nào nữa thì đi chứ đằng nào hổng nằm xuống báo đời báo chướng.

Má nói vậy thì tôi cũng bớt đi phần nào cảm giác bất hiếu nhưng mỗi lần tình cờ (má không nói với tôi) nghe má kể với ai đó nỗi nhiêu khê mạt hạng của nghề bán vé số thì tôi không cầm được nước mắt nên dứt khoát bắt má nghỉ.

- Không đi nữa! Mỗi ngày má bán được bao nhiêu tiền con sẽ trả.

- Bây cũng đói rạc họng. Thân mình lo chưa xong mà đòi lo gì cho má.

Tới câu này tôi đuối lý. Đuối. Thật sự đuối. Từng này tuổi đầu tôi vẫn là người vô sản. Nhưng cầm lòng không đậu khi tình cờ nghe má rơm rớm nước mắt kể với thím Ba: “Tui bán vé số tử tế lắm, không xen ào cuộc trò chuyện đang cao trào của người ta để mời mọc rồi cà rà đứng bên khiến khách mất tự do rồi đâm quạu đâu. Tui lựa lúc người ta thảnh thơi mới lại mời, vậy mà mấy đứa đáng tuổi con tuổi cháu mới thấy ló xấp vé số ra là mắng mỏ, hét hô, đuổi như đuổi tà”.

Ai đời, một bà già lê đôi dép không thể cùn hơn với chiếc xe không thể sét hơn đi bán vé số kiếm cơm mà cũng bị người trẻ lừa. Có một cậu thanh niên bảo đêm ngủ có ông già tóc trắng như tiên báo mộng. Tiên cho đích thị năm số đến khi tỉnh dậy vẫn còn nhớ nên quyết chí mua lốc mười. Cậu còn hứa cứng khừng “con mà trúng con tìm tặng ngoại một tờ”. Lấy vé số rồi, cậu trẻ không đưa tiền mà gãi đầu lột chiếc nhẫn nói:

- Nhẫn cưới nhưng kẹt quá nên đành đưa ngoại. Ngoại vào tiệm vàng đổi, số tiền thừa con làm quà tặng ngoại già nua khốn khổ bôn ba.

Chàng trai nói xong thì phóng xe cái vèo. Má lò dò cầm nhẫn tới tiệm vàng mới biết đồ… giả.

Phải kiên nhẫn lắm để không buông ra một tiếng chửi tục sau khi nghe má kể hết. Tôi tức quá gắt:

- Con cấm má đi bán vé số nữa!         

- Mẹ con mày cứ có nơi có chỗ, an cư lạc nghiệp đi rồi má ở nhà liền.

* * *

Tôi lại lấy chồng - “tập hai”. Không linh đình nhạc nhùng áo váy mà chỉ làm mâm cơm ra mắt họ hàng hai bên, chính thức công bố sẽ bắt đầu một mối quan hệ ràng buộc mới. Hôm đi dự tiệc, má mang đôi dép xốp cao cỡ năm phân. Chị Hai trêu:

- Con gái lấy chồng, má mừng quá, chơi lớn, chi tiền mua đôi dép xịn luôn chớ hồi chị lấy chồng, má ra tiệm thuê chiếc áo dài, đi mua đôi hoa tai giả rồi hỏi cô Ba hàng xóm (là giáo viên) mượn đôi giày có gót cho đủ bộ. Má nói với cô Ba: mặc áo dài mà mang dép nó chẳng ra thể thống gì, lâu lâu cho bà già “đĩ” chút. Cô Ba đòi tặng luôn đôi giày, má gạt: tui có đi đâu đâu mà giày vớ…

Hí hửng xách đôi giày về, tao “gắt”: má khéo hà tiện chuyện không đâu, con gái lấy chồng lại đi mượn giày, bôi bác… Rồi một hai dẫn má ra chợ, chọn mua đôi giày da thiệt đẹp. Vì hạnh phúc lứa đôi của con, vì bộ áo dài nhung, hay vì đôi giày da bóng rạnh mà hôm ấy tao thấy má đẹp lạ lùng. Vẫn là nét chân phương mộc mạc, vẫn vẻ quê mùa, thô ráp nhưng rất đằm, rất thắm.

Lời chị vô tâm kéo tôi về quá khứ bệ rạc. Đám cưới chị Hai rồi đến phiên tôi. Tôi quen một chàng trai nghèo kiết xác, đồng nghiệp, bạn bè phản đối từa lưa nhưng má thì không. Má nói miễn yêu thương nhau là được. Để có cái đám cưới ấy, tôi đi vay tín chấp ở mức tối đa, lo cho cả gia đình anh đẹp đẽ trong ngày tân hôn, lo trang trải tất tật những chi phí cho cái đám cưới… to đùng. Còn má, vẫn mang đôi giày da (chị Hai mua) nhưng trước bàn thờ gia tiên vẫn cho con gái mấy chỉ vàng sáng choang làm của hồi môn.

Xong đám cưới tôi, má lột đôi giày chà sạch bỏ vào túi, đem cất trong tủ. Tôi la, thời buổi giờ ai đâu lúc nào cũng dép. Má sống được mấy ngày nữa mà không dám rời ra một cắc bạc. Má nói tao cho tụi bây ăn học, nuôi đúng nuôi đủ một bầy con sao không mua nổi đôi giày. Nhưng má không thích mang giày da, chưn má rộp hết rồi nè. Đôi giày còn mới, ráng chờ đám cưới con Út mang lần nữa rồi coi ai mang vừa đem cho, không thì thanh lý luôn.

Cuối buổi tiệc ra mắt hôm đó tôi mới hay đôi dép “xịn” má đang mang cũng là dép mượn. Tôi lại leo lên vết xe đổ của chị Hai ngày xưa, lại một hai bảo má mang giày. Rồi má cười, nói: có thương thì tìm cho má đôi dép xốp đế cao, chợ Xổm gần nhà tìm hoài không thấy. Đôi này mang ké của cô Ba, thấy mềm mại nhẹ nhàng, rất vừa chưn.

Má nói xong tôi giật mình. Má chắt mót từng đồng cho con gái giày vớ đẹp đẽ ăn học, có lương có bổng. Tôi đã không cầm được nước mắt khi bài lai chuyện ngày mới biết yêu, tháng lương đầu tiên, tôi trích mua một đôi giày thể thao đắt tiền và một chiếc xe wave tặng người yêu, mua một đôi hài nhung tặng mẹ chàng trong buổi ra mắt. Và bây giờ, tôi có thể tặng người đàn ông tôi yêu bất cứ thứ gì trong khả năng, vậy mà chưa bao giờ biết thứ má thích, má cần chỉ là một đôi dép… xốp.

N.T.B.N

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục