Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Đó là đình Trung- Phước Hiệp. Được biết, ngôi đình được trùng tu vào năm 1933, đến đầu năm 1964 thêm một lần trùng tu nữa. Theo thời gian từ ấy đến nay, ngôi đình dần xuống cấp và nay đã bị hư hỏng nghiêm trọng.

|
Cổng đình Trung - Phước Hiệp.
Ở ấp Phước Hậu, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng có một ngôi đình được xây dựng từ rất lâu đời và đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2002. Đó là đình Trung- Phước Hiệp. Được biết, ngôi đình được trùng tu vào năm 1933, đến đầu năm 1964 thêm một lần trùng tu nữa. Theo thời gian từ ấy đến nay, ngôi đình dần xuống cấp và nay đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay những phần trên của ngôi chánh điện như đòn tay, so đũa, mè... đều hư mục, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Một phần mái ngói sập đổ từ lâu, để lại một khoảng trống to tướng, không rõ chống đỡ ra sao trong những ngày mưa to gió lớn. Nghe kể từ đầu năm 2014, UBND xã Gia Bình đã cho tiến hành khảo sát và đã có kết luận là phần gỗ và ngói của chánh điện đã hư hỏng 90%. UBND xã cũng đã có tờ trình (ký ngày 31.3.2014) gửi cấp trên xem xét hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, trùng tu phần hư hỏng của đình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nếu không sớm được sửa chữa trùng tu, mái đình sẽ tiếp tục sập đổ.
Theo nội dung ghi trên tấm bảng được dựng ở khu vực gần cổng đình Trung- Phước Hiệp, ngôi đình này được xây dựng vào năm 1902, bằng các thứ vật liệu thô sơ- cột gỗ, vách tre, mái lá. Từ sau lần trùng tu năm 1964, ngôi đình mới có kết cấu như ngày nay. Đình Trung- Phước Hiệp toạ lạc trên khu đất rộng 5.175m2, kiến trúc theo hình chữ tam, kết cấu kiểu nhà vuông, 2 mái, 2 chái.
Ngôi đình như một bằng chứng xác định mốc lịch sử hình thành làng, xã vùng Phước Hậu, Phước Hiệp, Gia Bình. Đây cũng là nơi tập hợp đông đảo nhân dân trong vùng vào các dịp lễ hội truyền thống, để mọi người cùng tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân có công mở đất, xây dựng bờ cõi, giữ vững biên cương và nguyện cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Đình được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 120/QĐ-CT ngày 29.4.2002 của UBND tỉnh Tây Ninh.
Về năm xây dựng ngôi đình này, có điểm cần lưu ý. Trên tấm bảng ghi tóm tắt “Di tích lịch sử- văn hoá Đình Trung - Phước Hiệp” do ngành chức năng dựng nên có đề: “Đình Trung- Phước Hiệp được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 (năm 1902)”. Nhưng theo ban khánh tiết đình thì ghi như vậy là chưa chính xác so với các chứng tích để lại, vì theo các chứng tích này thì đình Trung- Phước Hiệp được xây dựng vào năm 1802 (đầu thế kỷ 19)- nghĩa là có sự chênh lệch đến cả trăm năm.
Qua ý kiến của ban khánh tiết đình, UBND xã Gia Bình đã có văn bản gửi ngành chức năng đề nghị điều chỉnh lại mốc thời gian trên. Nội dung tờ trình có ghi: “Vậy nội dung xin điều chỉnh là thế kỷ 20 (năm 1902) sửa lại là thế kỷ 19 (năm 1802)”. Qua tờ trình của UBND xã Gia Bình, Phòng Văn hoá - Thông tin Trảng Bàng có công văn (ký ngày 15.1.2014) trả lời.
Và đây là một đoạn trích trong công văn trả lời của Phòng Văn hoá - Thông tin Trảng Bàng: “Phòng Văn hoá và Thông tin đã phối hợp cùng đại diện lãnh đạo UBND xã, ban khánh tiết đình Phước Hiệp tiến hành kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng tóm tắt được lắp đặt tại đình Phước Hiệp và toàn văn bản tóm tắt lý lịch di tích lịch sử văn hoá đình Phước Hiệp hoàn toàn trùng khớp”.
Phóng viên cũng được ban khánh tiết đình Trung- Phước Hiệp cho xem “Tờ bẩm” của hương chức làng Gia Bình được viết vào năm 1933. Nội dung tờ bẩm như sau (trích nguyên văn): “Gia Bình, le 14 Avril 1933 - Hương chức đứng- Bẩm quan lớn rỏ - Làng chúng tôi hồi trước hai làng có hai cái Đình. Đến năm 1890, quan trên cho nhập lại. Nên hiện giờ còn hai cái Đình.
Một cái ở ấp Chánh, Gia Bình, một cái ở ấp Phước Hiệp. Mà Đình Phước Hiệp làm hồi năm 1912 tới nay được 21 năm, nên hư tệ hết. Vì hồi đầu năm 1907, Hương chức và nhân dân có chung nhau cho mượn bạc mua 03h 30a ruộng và năm 1923 mua 03h 90a ruộng để cho Đình đứng bộ cho mượn lấy huê lợi tu bổ cho đình, khởi làm ngày 20 avril 1933. Nên nay Hương chức tân cựu chúng tôi cúi xin quan lớn cho phép làng tôi xuất số bạc của Đình ước đặng bốn trăm đồng (400đ 00) đặng mua cây và ngói, gạch thêm, tu bổ Đình lại - Trông ơn quan lớn nhậm lời - Nay bẩm”. Trong “Tờ bẩm” này có 16 hương chức đồng ký tên.
|
Một phần mái đình đã sập đổ để lại một khoảng trống lớn.
Đọc lại nội dung “Tờ bẩm” trên, chúng tôi thấy có những chỗ chưa rõ ràng về năm xây dựng đình. Ngay phần đầu “Tờ bẩm” có ghi: “Làng chúng tôi hồi trước có hai cái đình. Đến năm 1890 quan trên cho nhập lại, nên hiện giờ còn hai cái đình”, như vậy có thể hiểu hai cái đình (chính là đình Gia Bình và đình Phước Hiệp) được làm trước năm 1890 (trong thế kỷ 19).
Nhưng ngay sau đó “Tờ bẩm” lại ghi: “Mà đình Phước Hiệp được làm hồi năm 1912 tới nay được 21 năm”... Dù ý các câu trước và câu sau chưa thống nhất nhau về năm làm đình nhưng căn cứ theo “Tờ bẩm” này thì năm làm đình Trung - Phước Hiệp- theo như ngành chức năng đã ghi (1902) là không đúng. Còn nếu đối chiếu với tờ trình xin điều chỉnh của UBND xã Gia Bình cũng chưa ổn, vì quá xa so với thời điểm thể hiện trong “Tờ bẩm”.
Về tên gọi ngôi đình này, chúng tôi thấy hiện cũng chưa có sự thống nhất. Ngoài cổng đình ghi “Đình Phước Hiệp”; trong bảng tóm tắt di tích lại ghi: “Đình Trung- Phước Hiệp”. Còn trong các văn bản của UBND xã Gia Bình có chỗ ghi “Đình Phước Hiệp” có chỗ ghi “Đình trung Phước Hiệp” (chữ trung không viết hoa). Trong “Tờ bẩm” viết năm 1933 của hương chức làng Gia Bình thì ghi là “Đình Phước Hiệp”.
Còn theo cách gọi của người dân địa phương lại là đình Trung- Phước Hiệp- Phước Hậu (ngôi đình toạ lạc trên địa bàn ấp Phước Hậu). Thiết nghĩ nên có một cách gọi cho thống nhất về tên của ngôi đình. (Trong bài viết này, chúng tôi tạm theo cách gọi đã ghi trên bảng tóm tắt di tích).
Tham khảo tư liệu “Di tích lịch sử- văn hoá danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” - do Sở Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 2002, chúng tôi thấy trong sách này có ghi: đình An Tịnh được khởi công xây dựng vào “khoảng những năm đầu của thế kỷ 19”; đình Gia Lộc được xây dựng vào năm 1826; đình An Hoà xây dựng cách đây khoảng 150 năm; đình Gia Bình được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19...
Qua đó có thể thấy nếu đình Trung- Phước Hiệp được xây dựng vào năm 1802 (đầu thế kỷ 19) thì có vẻ còn quá sớm so với các ngôi đình còn lại, nhất là so với đình Gia Bình (được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19) mà theo như “Tờ bẩm” của hương chức làng Gia Bình thì có thể nói đình Gia Bình và đình Trung -Phước Hiệp là hai “anh em sinh đôi”, vậy lẽ nào một ngôi có từ đầu thế kỷ, còn một ngôi đến nửa cuối thế kỷ mới ra đời?
Tuy nhiên đây cũng chỉ là suy đoán chủ quan của người viết bài này, không dám chắc là đúng. Thiết nghĩ các ngành chức năng nên tiếp tục nghiên cứu làm rõ vấn đề, hầu xác định một cách rõ ràng, chính xác ngày tháng ra đời của một di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
N.H