Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Tết” là cách gọi Nôm từ chữ “Tiết” của Hán-Việt, có nghĩa là một thời điểm hệ trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng hay tôn giáo. Trong một năm có nhiều ngày “Tết” (Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Dương lịch v.v...), nhưng với người Việt Nam ta, Tết Nguyên đán hay Tết Âm lịch là quan trọng hơn hết. Nó ứng với ngày đầu tiên của lịch Âm.
“Tết” là cách gọi Nôm từ chữ “Tiết” của Hán-Việt, có nghĩa là một thời điểm hệ trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng hay tôn giáo. Trong một năm có nhiều ngày “Tết” (Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Dương lịch v.v...), nhưng với người Việt Nam ta, Tết Nguyên đán hay Tết Âm lịch là quan trọng hơn hết. Nó ứng với ngày đầu tiên của lịch Âm.
Xưa nay ta vẫn coi Âm lịch là cách tính lịch người Trung Hoa, tính thời gian tương quan với Mặt Trăng và rất phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Nhưng ai cũng biết rằng nông nghiệp lúa nước chỉ có ở không gian phía Nam sông Dương Tử của lãnh thổ Trung Quốc hiện tại. Không gian ấy chính là Bách Việt trước khi Nhà Hán từ vùng Trung nguyên (phía Bắc sông Dương Tử) bành trướng xuống phía Nam chiếm trọn Bách Việt (một thời có cả miền Bắc của nước ta). Do vậy, Âm lịch của Trung Hoa cũng chứa đựng sự kế thừa văn minh Bách Việt.
|
Bàn thờ gia tiên ngày Tết |
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trước khi Việt Nam bị người Hán bành trướng biến thành quận huyện của mình (trước Công nguyên), có thể dân ta ăn Tết của mình vào tháng 9 so với Âm lịch gắn với thời vụ canh tác và chứa đựng những tập tục riêng của mình. Nhưng trải qua hơn một thiên niên kỷ (thứ nhất của Công nguyên), bị Trung Hoa đô hộ, nhiều tư tưởng triết học, Nho giáo và tập quán xâm nhập áp đặt cũng như hấp dẫn đối với người Việt Nam. Kể từ đó, người Việt Nam dùng lịch của kẻ đô hộ và ngày Tết Nguyên đán theo tập tục Trung Hoa dần trở thành ngày Tết quan trọng nhất. Điều này có lẽ cũng xảy ra tại các nước Đông Á, gần gũi về địa lý và chịu ảnh hưởng của Văn minh Trung Hoa (như Nhật Bản và Triều Tiên). Tuy nhiên, ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam vẫn có những nét riêng. Cần nói thêm rằng, các nhà nghiên cứu lịch học cho biết, khi nước Đại Việt đã xác lập nền tự chủ của mình, trong nhiều thời kỳ, thay vì sử dụng lịch mà “thiên triều” ban phát, nhà nước ta cũng soạn và phát cho thần dân của mình lịch riêng, có những khác biệt (chủ yếu về các tháng nhuận và lễ sóc) do vậy có năm ngày Tết của ta không trùng với Tết của Tàu.
Nói đến Tết Nguyên đán là phải nhắc đến các mốc thời gian quan trọng như Đêm trừ tịch: Ngày 1 tháng 1 Âm lịch được coi là ngày Tết chính thức khởi đầu cho một năm mới, nó được đánh dấu từ thời điểm chuyển giao giữa giờ Hợi (23h-24h ngày hôm trước) cho đến giờ Tý (1h-2h sáng) ngày 1. Đêm 30 Tết trong ngày cuối cùng tháng Chạp của năm trước được gọi là “trừ tịch” có nghĩa là chuyển giao giữa vị thần phụ trách năm cũ với năm mới. Thời điểm chuyển giao được gọi là “giao thừa” để bước qua ngày đầu tiên của năm mới, đó là mồng 1 Tết.
Tuy nhiên, thời điểm khởi đầu không khí Tết là ngày Rằm tháng Chạp (trước Tết nửa tháng), mọi người đã chuẩn bị (trở về quê hương bản quán, sửa sang nhà cửa, thăm nom mồ mả, sắp xửa ban thờ gia tiên và những vật dụng sử dụng trong ngày Tết). Ngày 23 tháng Chạp Âm lịch thì tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Đây là các vị thần tượng trưng cho cái bếp nơi mang lại sự sống và đoàn tụ của gia đình. Có 3 vị táo quân biểu trưng cho 3 “đồ rau” là 3 chân của cái kiềng hay những vật để bắc các dụng cụ nấu nướng lên trên ngọn lửa. Tại sao có những 2 ông mà chỉ có 1 bà, có thể là dấu ấn của thời “mẫu hệ” chăng?
Tết thường kéo dài về nghi thức tới Rằm tháng Giêng. Có 3 ngày Tết chính (từ 1 đến 3) thì tập trung vào sinh hoạt gia đình và cộng đồng hẹp (mồng 1 Tết Cha, mồng 2 Tết Mẹ, mồng 3 Tết Thầy) là những người quan trọng nhất. Mồng 4 thì làm lễ tạ, hoá vàng và mồng 7 thì “khai hạ”. Tuy nhiên với người Việt Nam xưa không khí Tết kéo dài vài tháng tiếp theo với hàng loạt các lễ hội làng quê gối lên nhau từ làng này sang làng khác. Chế độ canh tác xưa kia cho phép sự kéo dài này vì đó là thời nông nhàn và hội làng luôn là một nhu cầu để gắn kết cộng đồng và “tái sản xuất sức lao động” như nay thường gọi. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè”.
Mối quan tâm nhất trong những ngày Tết là mọi người hướng về cội nguồn gồm: quê hương, tổ tiên và gia đình. Do vậy nhu cầu đầu tiên là đoàn tụ. Trước đêm Giao Thừa mọi gia đình phải coi sự đoàn tụ là quan trọng hơn cả. Sự đoàn tụ ấy gắn với làng quê, với người sống (gia đình, gia tộc) và cả với người chết (tổ tiên). Cúng giỗ tổ tiên, thăm mồ mả những người đã khuất, cúng cả vị thần đất (thổ thần thổ địa) và cả người chủ cũ của thửa đất ấy (tiền chủ).
|
Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng |
Do vậy vị trí quan trọng trong một gia đình dù giàu hay nghèo là ban thờ gia tiên phải được lau chùi sạch sẽ, sắm sửa các đồ lễ (theo gia cảnh) bao gồm hương hoa, hoa quả (chuẩn mực là mâm ngũ quả hay ngũ sắc mang tính biểu tượng) và sửa sang mâm cỗ không thể thiếu được bánh chưng, dưa hành và các loại thịt. Lễ gia tiên thường có một con gà sống thiến hay miếng thịt lợn... là những thực phẩm quen thuộc nhất biểu thị cho sự no đủ. Ngoài ra còn có cả vàng mã tuỳ theo gia cảnh để “gửi” xuống âm cho ngườì thân đã khuất sử dụng.
Trong những ngày Tết, đặc biệt là những thời điểm hệ trọng, việc kiêng khem hay tiến hành một số việc làm đuợc quy định thành tập quán. Ví như lựa chọn người “xông đất” (người đầu tiên bước vào nhà sau phút Giao Thừa là quan trọng, nếu người tốt, hợp số thì mang lại điều tốt đẹp quanh năm); mọi người có lời chúc mừng lẫn nhau, theo lệ là người dưới chúc người trên trước, có thể dùng một ít giá trị vật chất (tiền, đồ lễ) để “mừng tuổi” (người Tầu gọi là “lì xì”) chủ yếu cho người già và con trẻ.
Trong những ngày Tết có gì đẹp nhất mang ra mặc, ngon nhất mang ra ăn với mong muốn quanh năm được hưởng sự no đủ. Có nơi thuê người gánh nước đến nhà mình để cầu mong tiền bạc kiếm được nhiều như nước. Tránh quét nhà vì sợ rằng của cải trong nhà sẽ thất thoát ra ngoài. Họ quan sát việc xảy ra trong ngày Tết như điềm báo trong cả năm (tốt lành hay xui xẻo).
Xưa kia do hoàn cảnh kinh tế còn hạn chế, ngày Tết còn được hiểu như là một dịp mọi người được “ăn Tết” bù lại sự kham khổ quanh năm. Do vậy ẩm thực trở thành một nhu cầu quan trọng. Cỗ Tết tuỳ gia cảnh nhưng phải có những món tiêu biểu trong đó có bánh chưng, dưa hành, thịt, cá, giò, chả... là những thứ không phải thường xuyên được hưởng.
Ngày Tết được biểu hiện bằng cả những giá trị vật chất lẫn tinh thần như gửi gắm trong câu đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bánh chưng được chế biến từ những chất liệu rất điển hình của tập quán ẩm thực của người Việt là gạo (nếp), đậu (xanh), thịt (lợn) và bao bọc bằng lá giong. Nấu bánh chưng vào đêm 30 Tết chờ Giao Thừa trở thành một tập quán từng phổ biến một thời và món bánh chưng như một thứ “fast food” rất tiện cho việc ăn trong ngày Tết. Bánh chưng hình vuông sau này được giải thích theo “vũ trụ quan” của người Trung Hoa về “trời tròn, đất vuông” (ứng với bánh dày, bánh chưng).
Nhưng trước khi tiếp thu quan niệm về thế giới quan Trung Hoa, đã từng có loại bánh tương tự của các cộng đồng người Việt đến nay vẫn còn. Nó cũng được chế biến và sử dụng chất liệu như bánh chưng hình vuông, song lại có hình trụ, giống cái đòn bằng tre (nên gọi là “bánh đòn”) và có đầu bằng nên còn gọi là “bánh tày”. Hình dáng ấy gần với một tín ngưỡng rất cổ và bản địa. Đó là tục thờ sinh thực khí đàn ông (linga) gắn với quan niệm “phồn thực” (linh thiêng hoá sự sinh sôi) của cư dân nông nghiệp.
Đến thế kỷ XV, sau khi Đại Việt (nhà Lê) một lần nữa giành lại quyền tự chủ từ Trung Hoa (nhà Minh), một hệ thống truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc được hình thành với thời các Vua Hùng dựng nước, do vậy mà chiếc bánh chưng hình vuông được gắn với câu chuyện Vua Hùng Vương đời thứ 16 kén rể và trao ngôi báu cho Lang Liêu, người làm ra chiếc bánh chưng mang nhiều ý nghĩa...
Còn biết bao nhiêu tập quán, lễ tiết hay lễ hội diễn ra trong ngày Tết của người Việt giờ đây đã trở thành ngày Tết chung của mọi dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Lại có những ngày Tết riêng của mỗi cộng đồng dân tộc theo tập quán có từ xa xưa.
Từ đầu thế kỷ XX, tiếp xúc với văn minh phương Tây và trở thành thuộc địa của Pháp, người nước ta tiếp nhập nhiều giá trị, tập quán, lối sống mới ảnh hưởng từ phương Tây. Ngày Tết Dương lịch (bắt nguồn từ Thiên Chúa giáo) ngày càng có một vị trí quan trọng trong đời sống thị dân, bộ máy công chức và xã hội hiện đại. Nhưng những tập quán truyền thống trong đó có Tết Nguyên đán được bảo lưu khá bền vững, một mặt giữ gìn được bản sắc cũng như những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhưng cũng đặt ra không ít những vấn đề xã hội đòi hỏi phải thay đổi cho phù hợp với đời sống văn minh hiện đại và hội nhập.
Không quyết liệt như nước Nhật Bản - chuyển hẳn ngày Tết chính thức sang Dương lịch - để thích ứng với đời sống hiện đại, Việt Nam duy trì cả hai ngày Tết nên cũng nảy sinh không ít xung đột giữa những giá trị truyền thống và hiện đại. Ví dụ nếu như quan niệm ngày Tết là đoàn tụ và triền miên lễ hội sẽ tạo ra những áp lực về giao thông, nhân công của những ngành công nghiệp và dịch vụ trong và sau Tết. Ở ta đã thành công khi phải dứt bỏ tập quán đốt pháo để bảo đảm an toàn, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải suy tính và đòi hỏi có thời gian và sự thận trọng cần thiết cho sự biến đổi hợp lý về việc tổ chức ngày Tết cho phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập nhưng vẫn duy trì tính đa dạng, phong phú về văn hoá dân tộc.
Theo Dương Trung Quốc