Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có một cái sai ở đáp án cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hoá tỉnh Tây Ninh vào tháng 1.2018, chủ đề di tích lịch sử đình Trường Đông in trên phụ trương báo Tây Ninh ngày 19.1.2018: “vùng đất Trường Đông ngày nay nhờ công hai vị tiền hiền là ông Huỳnh Văn Nhu và hậu hiền là ông Nguyễn Văn Tiến đã có công lập nên làng Trường Đông…”.
Lễ Kỳ yên đình Trường Đông. Ảnh: Lê Văn Hải
Xin được thưa ngay với ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hoá tỉnh Tây Ninh. Rằng, xưa nay trên đất tỉnh nhà không có làng Trường Đông nào cả! Không tin, xin cứ giở sách “Địa chí Tây Ninh” ra xem. Hoặc xa hơn nữa thì tìm trong sách “Từ điển địa danh hành chính Nam bộ” (Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2008). Tuyệt nhiên không có thôn, làng, hay xã Trường Đông.
Tên xã này chỉ có từ năm 1979, khi mà: “huyện Phú Khương được đổi tên lại là Hoà Thành trên cơ sở hai chữ cuối của xã Trường Hoà và Long Thành ghép lại. Huyện Hoà Thành có 12 xã…” (theo quyết định 143/CP ngày 4.4.1979 của Hội đồng Chính phủ, nay là Chính phủ). Từ đây mới có xã Trường Đông.
Xung quanh đáp án trên, các vị trong ban hội đình còn chỉ ra một sai sót nữa. Đấy là không có ông Nguyễn Văn Tiến nào hưởng ngôi hậu hiền. Có lẽ những người sưu tầm, ghi chép để lập nên bản lý lịch di tích đã nhầm với ông cả Tiếu, từng làm Hương cả của làng xưa, họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tiếu.
Các ông ban hội đình còn nói: Con cháu cụ cả Tiếu vẫn còn kia. Mỗi lần lễ Kỳ yên, họ đọc tấm bảng treo ghi lý lịch đình Trường Đông, lại ngậm ngùi… cười.
Cái làng xưa, nơi đã lập nên ngôi đình thuở trước, nhiều người đã biết. Đấy là làng Trường Hoà, mà một nửa tên làng này đã thành tên huyện ngày nay.
Tiện thể, nên chép lại mục từ Trường Hoà trong sách Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ để mọi người cùng biết (trang 1.242). Đấy là: “thôn thuộc tổng Triêm Hoá, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Minh Mạng. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời Pháp thuộc vẫn thuộc tổng cũ, đặt thuộc hạt tht Quang Hoá, rồi Trảng Bàng, rồi Tây Ninh.
Từ 5.1.1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Tây Ninh. Ngày 6.3.1891 được sáp nhập làng Hoà Bình giải thể. Từ 1.1.1900 thuộc tỉnh Tây Ninh. Từ 1903 thuộc quận Trảng Bàng cùng tỉnh. Ngày 10.4.1943 thuộc tổng Hàm Ninh Thượng quận Châu Thành cùng tỉnh... Ngày 14.3.1979 thuộc huyện Hoà Thành cùng tỉnh. Ngày 4.4.1979 tách đất lập 2 xã Trường Đông, Trường Tây”.
Vậy đã quá rõ ràng. Hy vọng rằng những trích dẫn trên sẽ là căn cứ để cơ quan quản lý di tích lịch sử văn hoá tỉnh nhà sửa sai.
Về lịch sử thôn, làng, xã, các cụ trong ban hội đình Thanh Đông, xã Thanh Điền có bảo: Thanh Điền nhỏ hơn nên gọi là làng, còn Thái Bình rất lớn, nên kêu là xã (hai ngôi đình 2 xã này thờ chung một vị thành hoàng).
Mới đây, khi trò chuyện với ban hội đình Trường Đông, người viết bài này được nghe các cụ kể: xưa Trường Hoà từng gọi là làng, không phải là thôn.
Xin thưa cả với hai ban, rằng chuyện xã, thôn, làng ở Tây Ninh có nhiều người bị nhầm lẫn, chớ không riêng gì các cụ. Thực ra, chuyện gọi tên là thôn, làng, hay xã chủ yếu là do quy định của chế độ cầm quyền.
Nghiên cứu về địa danh hành chính dưới triều Nguyễn, tác giả Nguyễn Đình Tư (Sách “Địa danh hành chính Nam bộ”) cho rằng: “Các đơn vị hành chính thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn có diện tích tự nhiên và diện tích canh tác không đồng đều và không phải cứ xã thì lớn, còn thôn ấp thì nhỏ mà có khi ngược lại...”.
Ông cũng dẫn chứng, có những xã chỉ có “2 sào 6 thước ta” hoặc “5 sào chẵn”. Nhưng cũng lại có thôn rộng tới “4.848 mẫu sáu sào một thước...”. Sách “Trảng Bàng phương chí” lấy nguồn tư liệu từ cuốn “Tổng kết Địa bạ triều Nguyễn” cũng cho biết cụ thể. Như thôn Tân Thuận- sau là Đôn Thuận có 85,2 mẫu, trong khi thôn Phước Hội lại chỉ kê khai 2 mẫu (trước năm 1836). Đấy chỉ là số liệu kê khai về đất canh tác mà thôi.
Tra cứu địa danh các thôn, làng Tây Ninh, cái tên sớm nhất có thể là Cẩm Giang, căn cứ vào câu: “Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1779), sau khi khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn.
Đạo sở đặt tại Cẩm Giang...”. (Tây Ninh xưa và nay- Nguyễn Đình Tư, Tạp chí Xưa Nay 2001). Một số thôn cũng được lập ra trong giai đoạn này. Đó là các thôn Cẩm Giang Tây, Thạnh Đức, Thanh Phước, Bình Phú, Bình Tịnh. Đến khi Trịnh Hoài Đức soạn sách “Gia Định thành thông chí” vào khoảng năm 1820 thì dinh Phiên Trấn đã được đổi tên thành trấn Phiên An, và các thôn nói trên thuộc về tổng Bình Cách của trấn Phiên An. Tổng này vẫn còn các tên thôn đã kể, chỉ khác đi chút ít do phiên âm khác nhau của người viết sách.
Ví dụ: Bình Tịnh viết là Bình Tĩnh (vẫn cùng một nghĩa). Thạnh Đức viết là Thịnh Đức, Thanh Phước viết là Thanh Phúc. Những tên thôn ấy vẫn còn tới ngày nay, trừ Bình Tịnh đã đổi thành An Tịnh. Duy nhất có một xã Tân An (giáp Đông) có lẽ nay là thành phố Tân An. Riêng thôn Bình Phú đến đời vua Minh Mạng (1820-1840) thì bị giải thể.
Sau này, một số tác giả thường bị lầm khi cho rằng các thôn kể trên được thành lập năm Gia Long thứ bảy (1808). Trên thực tế, nó đã có từ trước khá lâu (khoảng sau và gần năm 1779). Đến năm 1808, chẳng qua là do đổi tên trấn, rồi lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện (Gia Định thành thông chí) mà chỉ điều chỉnh, cho các thôn lệ thuộc vào tổng mới nữa mà thôi.
Nói gọn lại, là dưới thời các chúa và vua Nguyễn, đơn vị hành chính cơ sở của Nam bộ chỉ là các xã hoặc thôn. Tra cứu các địa danh Tây Ninh, thì tất cả đều là thôn dù lớn hay nhỏ, mà không có một xã nào. Do vậy, cho đến khi lập phủ Tây Ninh năm 1836, sách “Đại Nam nhất thống chí” chép rằng: “đặt tên phủ hiện nay, kiêm lý huyện Tân Ninh và thống hạt huyện Quang Hoá. Lãnh 2 huyện, 7 tổng, 56 xã thôn”.
Sang thời Pháp thuộc, ở giai đoạn đầu, do bận đàn áp các cuộc kháng chiến nên chính quyền thực dân duy trì sử dụng lại hệ thống xã, thôn và tổng, huyện cũ, chỉ bỏ đi cấp tỉnh và thay thế bằng các hạt thanh tra (Hạt thanh tra Tây Ninh và Trảng Bàng).
Cho đến cuộc cải cách hành chính đầu tiên- vào ngày 5.1.1876, các hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện, còn các thôn đồng loạt gọi là làng. Mỗi làng có ban hội tề 12 người đảm nhiệm mọi việc. Đây cũng là lúc chính quyền thực dân tiến hành nhiều cuộc sáp nhập các làng vào làm một. Như Hưng Mỹ nhập vào Cẩm Giang, Phước Hiệp nhập vào Gia Bình hay Vĩnh Xuân nhập vào Ninh Thạnh vv...
Đây chính là lý do của việc nhiều xã ở Tây Ninh hiện có tới 2 ngôi đình làng. Đến năm 1956, các làng thuộc vùng quản lý của chế độ Sài Gòn lại được quy định đổi thành xã. Sau 1975, chính quyền cách mạng vẫn duy trì cách gọi xã đến ngày nay. Các xã được chọn làm huyện lỵ khi đạt tiêu chí đô thị cấp V được gọi là thị trấn. Còn trong thị xã (nay là thành phố Tây Ninh), cấp hành chính cơ sở của khu vực nội thị được gọi là phường.
TRẦN VŨ