Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nói ngắn gọn, đó là việc những trường này dùng điểm các môn thi để tuyển sinh vào những ngành nghề không liên quan hoặc rất ít liên quan đến yêu cầu, đặc điểm của từng ngành mà sinh viên sẽ theo học.
Gần 2 tháng nữa, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ được tổ chức. Kết quả kỳ thi là căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Một trong những vấn đề được dư luận trong và ngoài ngành bàn tán nhiều vào thời điểm này là chuyện rất nhiều trường đại học công bố xét tuyển bằng các “tổ hợp môn thi lạ”.
Nói ngắn gọn, đó là việc những trường này dùng điểm các môn thi để tuyển sinh vào những ngành nghề không liên quan hoặc rất ít liên quan đến yêu cầu, đặc điểm của từng ngành mà sinh viên sẽ theo học.
Ví dụ, có trường dùng điểm thi của các môn khoa học xã hội để tuyển sinh đào tạo ngành kinh tế, kỹ thuật, thậm chí y học. Vừa qua, báo Tây Ninh cũng đã có bài viết xung quanh câu chuyện nêu trên và cho rằng, các trường này đã đưa ra những tổ hợp môn xét tuyển “không giống ai” nhằm thu hút người học. Xung quanh chuyện các trường dùng đủ các chiêu thức để thu hút người học, có những vấn đề cần được nhìn nhận cho thấu đáo, cả trên phương diện pháp lý cũng như thực tiễn.
Trước hết, trên phương diện pháp lý, việc nhiều trường đại học công bố tuyển sinh bằng “tổ hợp lạ” là không sai. Những trường đại học nằm trong nhóm này đã thông tin công khai về phương thức, điều kiện tuyển sinh. Các cơ sở đào tạo này không hề giấu giếm, và họ cũng không có ý định đó.
Sở dĩ các trường này công khai việc dùng tổ hợp lạ để tuyển sinh là vì các quy định của pháp luật không cấm họ làm điều đó. Cụ thể, trong Luật Giáo dục đại học năm 2012, tại Ðiều 32 đã quy định quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và Ðiều 34 quy định về chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh.
Căn cứ vào nội dung của Ðiều 32 và Ðiều 34, các trường đại học đã tự chủ rất cao trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là quy định “cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh” là cơ sở pháp lý vững chắc để trường đại học tuyển sinh bằng “tổ hợp lạ” mà không hề phạm luật.
Khi rộ lên chuyện “tổ hợp môn thi lạ”, hầu như không thấy ý kiến nào đề cập đến cơ sở pháp lý của vấn đề này. Tóm lại, những trường này, dù với mục đích gì, họ vẫn đang tuân thủ pháp luật. Vậy, bản chất của câu chuyện ở đây là gì? Ðó chính là những bất cập, thậm chí có cả những sơ hở, kẽ hở trong quá trình xây dựng và ban hành luật.
Việc quy định tự chủ cho các trường đại học là đúng, nhưng pháp luật đã không bịt kín được những kẽ hở. Trước diễn biến trên, lãnh đạo các cơ quan quản lý, kể cả người đứng đầu Chính phủ cũng lên tiếng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong công tác tuyển sinh.
Ở đây có một điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận, việc các cấp lãnh đạo lên tiếng yêu cầu cơ sở giáo dục chấn chỉnh về phương thức tuyển sinh là một hành động có trách nhiệm.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những chỉ đạo hay biện pháp can thiệp có tính chất hành chính. Vấn đề là phải sửa Luật Giáo dục đại học năm 2012 để bịt kín những điểm còn lỗ hổng. Bịt kín khe hở không phải để kiềm toả, kiểm soát mà để cho hệ thống giáo dục đại học vận hành có trách nhiệm hơn. Vừa qua, Bộ GD-ÐT, Chính phủ cũng đã trình dự án Luật Giáo dục sửa đổi để Quốc hội xem xét thông qua trong những kỳ họp tới. Trong số những nội dung dự kiến được bổ sung, sửa đổi có Ðiều 34.
Vấn đề thứ hai của câu chuyện tuyển sinh bằng tổ hợp lạ, đó là sự hình thành, phát triển khó có thể coi là bình thường của hệ thống trường đại học, đặc biệt là đại học ngoài công lập. Trong một thời gian không quá dài, cả nước có thêm hàng trăm trường đại học ra đời, ở giai đoạn “cao trào”, người ta tính được bình quân mỗi tuần có một trường đại học ngoài công lập được hình thành.
Chính sự phát triển có phần tự phát này đã dẫn đến tình trạng các trường giành giật nhau từng thí sinh một. Sự cạnh tranh không mấy bình thường khiến cho nguồn tuyển ngày càng khan hiếm, vì phần lớn học sinh thà thi lại chứ không muốn học đại học ngoài công lập.
Một thực tế là nhiều trường đại học ngoài công lập đã và đang lâm vào cảnh “chợ chiều”. Nếu có điều kiện theo dõi sẽ biết, đối với một trường đại học ngoài công lập, để mở được mã ngành và “xin” được chỉ tiêu đào tạo không hề đơn giản; thế nhưng khi mở được mã ngành rồi lại không có người học. Quá non trẻ so với hệ thống trường công lập nên chất lượng, danh tiếng, thương hiệu của trường ngoài công lập khó sánh được với hệ thống trường công.
Chủ trương xã hội hoá giáo dục bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp bỏ vốn xây trường, mở lớp là không sai. Chính sách, chủ trương này thành công sẽ tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người học, đồng thời giảm đáng kể ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục.
Thực tế cũng có những trường ngoài công lập ăn nên làm ra, nhiều sinh viên học trường ngoài công lập thành đạt, vang danh. Nhưng việc để giáo dục ngoài công lập- ở đây là giáo dục đại học hình thành một cách không bình thường về mặt số lượng đã dẫn đến chất lượng giáo dục không được bảo đảm thì không thể nói rằng cơ quan quản lý, hoạch định chính sách không có trách nhiệm.
VIỆT ÐÔNG