Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Truyện ngắn
Đời gái
Thứ hai: 11:13 ngày 05/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Em làm gái. Duyên trời run rủi nên tôi sống cũng dãy trọ với em. Phòng tôi số 8, phòng em số 7. Ngày nào muốn đi ra ngõ tôi đều phải đi qua phòng em. Tối muốn về phòng mình, tôi lại càng phải đi ngang cửa sổ nhà em, cánh cửa không bao giờ khép.

Tôi làm công nhân xưởng gỗ, sáng sáu giờ ba mươi đã phải đi làm, ngang qua phòng em, khung cửa sổ hơi thấp nên nhìn thấy cả những chiếu chăn lăn lóc, mì ly, bịch bánh tráng, chai nước uống lẫn lộn dưới nền. Em nằm ngủ ôm quắp lấy “chồng”, trên người em khi thì cái váy hững hờ, lúc là cái đầm suông vén tận đùi. “Chồng” ngực trần khoe sự nở nang của thanh niên đôi mươi khoẻ mạnh.

Chiều thường năm giờ ba mươi tôi về, đã thấy “chồng” em gầy sòng nhậu cùng vài thanh niên dãy trọ kèm câu chào khiếm nhã “Chị Ðào mới về. Lì một lam với tụi này đi chị… Ðời có mấy năm mà không chơi cho đã”. “Cảm ơn mấy cậu, hôm nay chị mệt, hôm khác nhé!”. Tôi hay chào như thế, để những đôi chân đang ngáng ngang đường kia co lại cho mình bước qua.

Nam- “chồng” em không làm nghề gì cụ thể. Khi thì theo độ đá gà, lúc anh em dãy trọ gọi đi dỡ nhà, lấp sân… kiếm vài trăm rồi về nằm ềnh ra đó, bữa trưa tự túc, bữa chiều không có, bữa tối 10 giờ thì em mang thức ăn về.

Bữa nào Nam không nhậu, chắc chắn có cô gái nào đó làm “tàu nhanh” cho hắn lái tại phòng trọ. Chín giờ ba mươi đêm mà họ vẫn còn chí choé. Nhưng mười giờ kém là yên lặng hẳn, vì sau đó chục phút là tiếng xe ôm thắng kít trước dãy nhà. Em về.

Họ lại tíu tít dọn thức ăn ra, Nam nói nhớ em, nhìn cái áo em trễ ngực bỗng thèm ăn bưởi. Em bảo Nam xạo, mới sáng giờ mà nhớ gì, mà em đi làm chứ có đi chơi đâu. Nam lại cù cưa rằng chỉ có mấy kẻ yêu nhau mới xa nhau một phút là nhớ vậy. Em xa Nam cả mười tiếng đồng hồ, mỗi tiếng sáu mươi phút, mười tiếng là sáu trăm phút. “Mỗi phút nhớ là phải bắt đền cho anh một trái bưởi nha”.

Nam ngả ngớn. Em bảo bưởi sáu chục ngàn một ký, mắc lắm. Nam nói thôi, vậy bánh bao mười ngàn cũng được, hai cái hai chục chắc rẻ hơn hai ký bưởi. Họ lại ùa vào nhau cười và thở khiến tôi không muốn nghe cũng phải nghe vì vách tường không tô đã mỏng, còn thêm mấy cái lỗ thông gió dư sức cho tiếng động nhàn du đây đó.

Tiếng máy cưa, máy lau trong trại cưa tôi làm việc to lắm, ù cả tai, nhức rân rân cả đầu nhưng có lẽ tôi đã quen với âm thanh đó nên không còn thấy nó to lớn như âm thanh dồn dập của hơi thở, của tiếng thì thào, của tiếng xuýt xoa trong cuộc yêu của em và Nam. Những âm thanh ma quái đó, sáu năm trước đã từng cồn lên trong lòng tôi nỗi thèm muốn mỗi khi chồng xong công trình về. Mà công trình của chồng tôi, ít nhất là hai tháng, nhiều là sáu tháng. Bao thương nhớ dồn nén khiến tôi luôn quấn lấy chồng suốt cả tuần anh ở nhà.

Cuộc hôn nhân chúng tôi khá mặn nồng dù ít ở bên nhau. Con gái cũng năm tuổi xinh ngoan lắm. Tôi tưởng rằng đời như thế là an yên, thà chấp nhận xa nhau đôi chút để tình cảm luôn mới mẻ và háo hức. Chấp nhận xa chồng để anh yên tâm làm việc dù mình như đàn bà đơn thân bởi từ cái bóng đèn đứt, tới cái đường nước hư, cái cống nghẹt, cái máng xối tràn cần bò lên nóc nhà móc lá cây hay con đau bệnh… đều tự mình thu xếp. Nhưng một lần tôi bất chợt đến thăm chồng ở công trình xa thì mới hay ngoài vợ nhà, anh còn mở thêm “chi nhánh con tim” ở tại nơi làm việc là tất cả tin yêu đã sụp đổ.

Tôi chủ động ly hôn với lý do “không hợp nhau” vì không thể sống với trái tim nứt toác. Chồng năn nỉ vài lần không được thì chấp nhận. Nhưng công ty đứng tên anh, bằng chứng góp vốn là giấy nợ bên chồng từ chú cô đến cha mẹ, anh em. Tấm bằng trung cấp kế toán tôi xếp xó từ khi lấy chồng nên xem như chả có vai trò gì trong công ty. Ðứa con dưới sáu tuổi được thoả thuận giao cho mẹ, anh cấp dưỡng một lần nên tôi nhận chẵn trăm triệu và bước khỏi căn nhà đó.

Tiền tôi mở sổ tiết kiệm cho con, đi làm thì mang con theo để mẹ đâu con đó. Mấy năm trước con còn nhỏ, học mẫu giáo dễ hơn. Từ khi con vào lớp 1, tôi để con nhà ông bà ngoại, đường xa trăm cây số nên cả tháng mới về thăm con một lần. Ði làm xa cực nhọc, công việc xưởng gỗ thật ra không hợp với phụ nữ, nhưng thu nhập khá cao, môi trường làm việc thân thiện vì xưởng này của người bà con xa. Cơm chủ nuôi, tiền lương xem như còn đủ.

Mấy khi sáng sớm hoặc chiều ế khách, em hay lân la qua phòng tôi chơi. Em kể, cha mất việc rồi sinh nghiện, chết trong tù; mẹ nách ba con quanh quẩn mãi sạp rau trong chợ xã vẫn không khá được. Rồi người ta rủ rê mua bán cái chất trắng ấy, tiền lời lãi một lần bằng cả tháng bán rau. Cũng sợ đấy, nhưng rồi cái ăn cái mặc của bầy con và người mẹ già đau yếu khiến mẹ em buông xuôi: “Kệ, tới đâu hay tới đó”.

Ði đêm có ngày gặp ma. Mẹ em đã bị bắt. Một ông chú xa lạ bỗng tìm em, xưng là “đại ca” trong đường dây “chạy án”, bảo cô gái 16 tuổi rằng muốn cứu mẹ ra khỏi tù cũng không khó, mẹ em chỉ mới bị bắt lần đầu, thành khẩn khai báo, hoàn cảnh đáng thương nên pháp luật sẽ khoan hồng thôi. Bà sẽ được thả về trong tháng sau… nếu em đưa cho ông hai trăm triệu. Hai trăm triệu mà chú nói như hai mươi ngàn vậy? Em run giọng “Còn… còn cách nào không chú?”. “Còn… nếu em chịu theo tôi một đêm”. “Ði đâu hả chú”. “Ði gặp đại ca lớn, ông ấy rất có uy tín”. Em mù mờ nghe theo, chỉ vì mục đích cứu mẹ nhưng không ngờ cuộc đời em phải sương gió từ đêm hôm đó.

Ðời con gái mất đi. Mẹ vẫn không được về. Không nghề nghiệp mà cái ăn của hai em và bệnh của bà ngoại vẫn không có cách nào cứu chữa. Em chính thức bước vào con đường làm gái, tiếp bia rượu ở nhà hàng, quán ăn. Ai có nhu cầu thì hợp giá là em lên xe.

Nằm trong vòng tay bao nhiêu người đàn ông em cũng không nhớ nữa. Nhưng chỉ là những giả vờ ôm ấp, giả vờ run người vì ngại ngùng, giả luôn cả những tiếng rên mê muội. Cốt chỉ để có tiền, chứ cảm xúc thì chai cứng bởi những lạ xa và quáng quàng bỏ đi sau khi ném lại mấy tờ tiền của người vừa cùng giường chung chiếu.

Em ước có một người yêu mình thật sự, để nâng niu từng cảm xúc của nhau, để anh gạt giùm em những dòng mồ hôi chảy dài trên má, trên vai, để anh ôm chặt em vào lòng sau cuộc hiến dâng trọn vẹn chứ không phải ê chề nằm lại nhìn người nháo nhào ra đi trong ngày mưa rả rích.

Rồi em gặp Nam trong một bữa đi làm về khuya bị ba tay thanh niên cướp giật. May chúng chỉ là bọn nghiện nên khi Nam ào tới, chúng đã bỏ chạy sau khi nhìn thấy logo vệ sĩ trên vai áo Nam. Những tủi buồn của người con gái đơn chiếc thế cô đã khiến em khóc ngon lành trong vòng tay Nam. Ðêm hôm ấy Nam đưa em về, dãy trọ vắng ngắt buồn hiu nhưng mùi mì tôm bay lên cùng tiếng cười vô tư của em trong khoảnh khắc đó đã khiến cả hai xích lại gần nhau.

Nam cũng ở trọ, làm bảo vệ siêu thị, lương vừa đủ nhưng làm việc hai ca hằng ngày nên trông Nam luôn gầy gò vì thiếu ngủ. Em bảo Nam làm một ca thôi, ở nhà em nuôi. Hai đứa thì con khô lon gạo cũng xong, quan trọng là có nhau. Dọn về ở chung xem như hằng tháng tiết kiệm được cả tám trăm ngàn tiền trọ.

Nhưng người ta không nhận nhân viên làm một ca. Em bảo Nam nghỉ hẳn, mười giờ sáng chở em đi làm, mười giờ tối rước, bận nhậu thì thôi. Ðời này em chẳng mong gì nữa, chỉ cần có người chờ em mỗi buổi đi làm về để ôm em trong vòng tay yêu thương chân thật cho bõ bao giả dối ngoài kia.

Nhưng Nam không yêu em như em nghĩ. Em đi làm va chạm với bao đàn ông khác thì Nam ở nhà cũng có người phụ nữ khác. Bắt đầu từ việc tiền em đưa Nam kêu không đủ xài. Em hỏi xài gì mà xài dữ? Hai trăm một ngày mà chỉ xăng xe, cà phê thôi mà. Em đi làm cũng cực nhọc lắm. Nam bảo chuyện xài của đàn ông sao thống kê được. Ô kê, nếu em kể lể thì để tui đi làm, rồi coi nửa đêm ai rước em nha! Rồi em gặp tụi cà chớn nha… mà đời này… Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều nha!

Em sợ cảnh đi làm về đã mệt mỏi còn gặp bọn vô lại. Em sợ đêm về mà Nam vẫn chưa về. Rồi khi em chập chờn thức ngủ thì phải dậy mở cửa, nấu mì cho Nam. Rồi Nam than mệt mỏi chẳng thèm ôm em. Mà em thì rất cần Nam ôm, vòng tay Nam ấm và của riêng em, chả bù với bao nhiêu người em gặp ở ngoài, chỉ nhoáng nhoàng lạnh ngắt từ vòng tay tới hơi thở và ánh mắt thì hầu như chưa một lần nhìn em trong ấm áp.

Nam có tất cả, những ngọt ngào và ấm áp. Nâng niu từng dòng cảm xúc của em, dìu dặt đưa em vào yêu đương của bao lời thủ thỉ nồng nàn. Em chết chìm vì cảm xúc ấy, cái cảm xúc được người mình yêu dìu dắt lên từng cung bậc tuyệt vời của phút đàn bà. Nên người ta nói em “nuôi nọc” Nam, em cười. Người ta nói Nam “cắm sừng” em, em vẫn cười. Miệng lằn lưỡi mối thiên hạ mà, nghe chi cho mệt. Quan trọng là Nam và em yêu nhau, cần nhau trong cuộc đời này.

Nam nằm nhà hoài cũng chán, nên theo vài độ đá gà của bạn bè; hiếm hoi cũng đi vài chuyến dỡ nhà, đào ao, lấp sân ai đó gần gần trong khu phố. Tiền Nam kiếm được, bay vèo vào bếp than bàn nhậu, chẳng dính vào tay em đồng nào. Nhưng Nam vui là em vui, Nam chấp nhận lấy em làm vợ thì Nam đủ cao thượng rồi, em không đòi hỏi gì nữa.

Rồi dạo này em nghe mình mệt mỏi quá, nhất là từ đầu giờ chiều, sốt nhẹ thì uống viên Panadol sủi là xong, chán ăn và sụt cân thì mệt thật. Em an ủi mình là có thể do thức khuya. Rồi bia bọt cũng nhiều. Khách đi cùng em ngày ít thì bốn người, nhiều thì mười cuộc. Nhưng em luôn “thủ” cho mình không bệnh. Em luôn yêu cầu khách “mặc giáp”, dù khách hứa cho gấp bốn lần tiền để không vướng víu “cái của nợ” ấy nhưng em vẫn có nguyên tắc của em. Ấy là em muốn giữ cho mình chút thanh sạch cuối cùng dành cho Nam- người đàn ông em yêu nhất cuộc đời này.

Vậy mà trong một cuộc truy quét của lực lượng an ninh, em đã bị “hốt” và được đưa đi khám sức khoẻ. Em “dính”.

Em nhào sang phòng tôi lúc tôi vừa mở cửa:

- Chết em rồi chị ơi! Em giữ kỹ lắm mà sao lại thế?

- Em bình tĩnh đi…

- Em làm sao bình tĩnh được… anh Nam ảnh nói em giả dối, nói luôn “thủ” mà sao giờ dính bệnh? Mà em thề với chị đó!

- Chị tin em… Nhưng còn Nam thì sao, cậu ấy đã đi khám chưa?

- Chưa! Ảnh bỏ đi rồi chị ơi! Nói không sống với kẻ giả dối như em!

- Em có biết… cậu ấy từng đưa bao cô gái về phòng này khi em đi làm không?

- Em biết… nhưng Nam sẽ không yêu ai ngoài em đâu!

- Vấn đề không phải là yêu hay không… mà là bệnh có thể từ các cô gái đó… rồi sang em…

- Không có đâu! Em giữ cho ảnh thì ảnh phải giữ cho em chứ!

- Vấn đề giờ là em tính sao cho tương lai mình?

- Em đi tìm Nam về!

- Cậu ấy đã bỏ đi thì không về đâu em! Em hãy lo cho mình trước. Nghỉ ngơi, uống thuốc, đừng suy nghĩ nhiều…

Tối nay tôi tan ca về muộn thấy cửa phòng em mở toang, các vật dụng trong nhà biến mất.

Trước cổng dãy trọ đã thấy hai chữ “còn phòng”.

Ð.P.T.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục