Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đời mình phải khác
Thứ sáu: 20:15 ngày 30/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu ai có dịp gặp gỡ, trò chuyện với Nguyễn Thanh Tú, sinh năm 1994, ngụ khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, hẳn sẽ có thiện cảm với gương mặt hiền lành, cái miệng móm có duyên và sự vui vẻ, lạc quan của chàng trai trẻ.

Nguyễn Thanh Tú (bìa phải) trong một lần phục vụ sách cho thiếu nhi tại Trường TH Long Giang A, huyện Bến Cầu.

Tôi biết Tú qua các hội thi do Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thành phố Tây Ninh tổ chức. Tú luôn tham gia nhiệt tình và gần như lần nào cũng giật giải. Cảm nhận của tôi lúc ấy đối với Tú là sự hăng hái, tích cực của tuổi trẻ.

Rồi có một lần, tôi nghe chị hàng xóm của Tú vô tình kể: “Em có biết Tú không, cái thằng nhà nghèo mà biết vượt khó vươn lên. Nó học bổ túc đó em, mà giờ cũng đã xin được việc làm rồi”. Chị còn lấy gương của Tú để răn dạy con cháu mình.

Nhà chỉ có hai anh em, Tú là anh lớn, sau Tú còn có cô em gái nhỏ hơn 1 tuổi. Khi còn nhỏ, Tú được gửi cho ông bà nội để ba mẹ rảnh tay đi làm thuê, kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Sớm xa ba mẹ, Tú cũng sớm tập cho mình tính tự lập, biết tự chăm lo cho bản thân và còn biết chăm sóc ông bà.

Học hết lớp 9, Tú được người cô- hoàn cảnh cũng chẳng lấy gì làm khá giả trợ giúp một phần chi phí để học lên lớp 10. Học được vài tháng, Tú xin ba mẹ cho nghỉ luôn. Cậu bé nói dối là “học không vô”, thực ra chỉ vì muốn đi làm giúp đỡ gia đình, dù muốn đi học vô cùng.

Ra đời, Tú làm thuê đủ việc cho các chủ vườn, chủ rẫy- từ tách bông, bấm nhánh mãng cầu đến trồng mì, trồng mía... có khi phải đến tận huyện Bến Cầu. Ðược một thời gian, Tú chuyển sang làm công nhân tách vỏ hạt điều.

Trong khoảng thời gian này, cứ đêm về Tú lại gác tay suy nghĩ: không lẽ đời mình như vầy hoài, ngày nào còn làm thì còn ăn, không làm là hết tiền, hết ăn, theo đúng lối mòn cuộc đời của ba mẹ? Không, đời mình phải khác!

Suy nghĩ đó trở thành sức mạnh thôi thúc Tú đi học lại. Nhưng bỏ bài vở lâu quá rồi, làm sao theo kịp các bạn, rồi tiền đâu đóng học phí? Tú nghĩ đến việc theo học hệ bổ túc. Ban ngày bận đi làm, Tú đăng ký lớp 10 ban đêm với nhóm bạn.

Ròng rã 3 năm học, cứ ra ca về khoảng 6 giờ chiều, Tú lại đạp xe đi học đến 9 giờ rưỡi tối. Nhóm bạn lúc đầu hăng hái rủ nhau đi học, sau bỏ cuộc giữa chừng gần hết. Thế nhưng, Tú vẫn kiên trì đeo bám việc học đến khi lấy được tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sau khi tốt nghiệp, Tú vẫn tiếp tục làm công nhân. Ðược sự động viên của một người bạn, Tú mạnh dạn thi vào khoa Xã hội, lớp Thư viện của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Ðây là ngành ngoài sư phạm nên Tú phải rất vất vả mới lo được học phí trong suốt thời gian theo học. May mắn là Tú tiếp cận được nguồn vốn vay dành cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tây Ninh.

Ra trường năm 2016, Tú xin vào Thư viện tỉnh- nơi Tú thực tập trước đó và làm việc cho đến nay. Sự trưởng thành của chàng trai cũng bắt đầu từ các phong trào Ðoàn ở địa phương.

Tú thích công tác Ðoàn, thích các hoạt động Ðoàn, Ðội và các phong trào văn nghệ. Bắt đầu từ năm Tú học lớp 7 tại Trường THCS Nguyễn Thái Học, phường Ninh Thạnh. Khi cán bộ Hội Phụ nữ phường đến trường, nhờ tìm giúp một học sinh có năng khiếu diễn tiểu phẩm để cùng các dì lớn tuổi tham gia một hội thi tuyên truyền về phòng chống các tệ nạn xã hội cấp Thành phố, Tú là gương mặt được lựa chọn.

Qua vai diễn con nghiện ma tuý, cậu bé học trò đã “lấy điểm” của các dì trong Hội Phụ nữ. Từ đó, Tú tham gia khá nhiều phong trào văn nghệ của các đoàn thể. Tú còn là đầu mối tập hợp các diễn viên nghiệp dư tham gia phong trào văn nghệ. Trong phong trào Ðoàn thì khỏi phải nói, Tú rất hăng hái tham gia. Ðợt giao quân vừa rồi, Tú cũng có mặt để phục vụ văn nghệ và tham gia hội trại địa phương.

Anh Lê Minh Tâm- Bí thư Ðoàn Thanh niên phường Ninh Thạnh cho biết, Tú hiện là Bí thư Chi đoàn khu phố Ninh Phúc. Chàng trai trẻ rất năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động như thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn văn minh đô thị.

Tú còn được tin tưởng giao làm tổ trưởng tổ vay vốn của Ðoàn Thanh niên phường. Năm 2013, Tú được trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua do Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh phát động.

Khi theo học ở Trường cao đẳng Sư phạm, Tú rất tích cực tham gia các hoạt động. Ba năm học tại trường, Tú đều được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen về thành tích sinh viên tiêu biểu, vượt khó vươn lên đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện; tích cực tham gia công tác Ðoàn, Hội và phong trào thanh niên, sinh viên.

Ra trường, làm việc tại Thư viện tỉnh, Tú cũng chứng tỏ được năng lực qua các sáng kiến, chương trình, kế hoạch công tác phát huy hiệu quả chuyên môn. Tú tâm sự: nhiều người cho rằng công việc thư viện rất thụ động nhưng với Tú, nó không hề thụ động chút nào. Qua các hoạt động, Thư viện mang sách đến cho các em thiếu nhi, giúp các em hiểu được ý nghĩa của việc đọc sách, hoàn thiện bản thân. Tú thật sự yêu thích công việc này.

Tú cười vui cho biết: em mới thi vào biên chế, làm bài cũng khá, hy vọng sẽ được chính thức làm việc tại Thư viện. Tú hăm hở chia sẻ kế hoạch dự định sẽ thực hiện trong hè: đem sách đến với học sinh. Chàng trai trẻ còn lên kế hoạch dài hạn cho mình là phải học lên đại học để nâng cao trình độ.

Chia tay Tú, tôi thầm cảm phục tinh thần vượt khó, cầu tiến của một thanh niên giàu nghị lực. Mong chàng trai sẽ gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa.

Xuân Vũ

Tin cùng chuyên mục