Giáo viên tiếng Anh ở Tây Ninh không thiếu nhưng lại phải thuê người nước ngoài sang dạy.
Mấy ngày qua, dư luận báo chí và rất nhiều tầng lớp nhân nhân theo dõi việc Bộ GD-ĐT công bố chi phí để đổi mới chương trình, sách giáo khoa với số tiền hơn 1,5 tỷ USD, khoảng hơn 34 nghìn tỷ đồng.
Cách nay chừng 1 năm, cũng chính Bộ GD-ĐT nói cần khoảng 70 nghìn tỷ để làm mới chương trình, sách giáo khoa và một số “hạng mục” khác có liên quan. Với câu hỏi: hơn 1 tỷ USD để đổi mới chương trình và sách giáo khoa là nhiều hay ít? Trả lời phỏng vấn trên VTV1 tối 16.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: “So với Việt Nam thì nhiều nhưng với nước ngoài thì ít”. Thật ra, câu chuyện ở đây không phải là chi hết bao nhiêu tiền mà vấn đề là số tiền ấy có được chi đúng mục đích và đem lại hiệu quả hay không.
Điểm qua điều vừa nói để thấy rằng, vấn đề chính của giáo dục thật ra không phải ở sách giáo khoa hay chương trình, cho dù rất quan trọng, thì chương trình và sách giáo khoa cũng chỉ là công cụ, là cái hoàn toàn có thể thiết kế được một cách không mấy khó khăn.
Cái chính của giáo dục hiện nay là con người và cơ chế. Suốt một thời gian dài, khoảng trên dưới 30 năm, xuất phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sư phạm đã mắc phải những sai lầm không dễ gì khắc phục được.
Ngành sư phạm đã bị rẻ rúng quá mức đến nỗi thành câu vè “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm…”. Một ngành đào tạo ra người thầy cho tất cả các ngành khác mà lại đứng ở vị trí sau cùng của sự lựa chọn, thì chất lượng giáo viên thấp là điều không có gì bất ngờ.
Nếu lấy cột mốc từ năm 1980 đến nay, ngành sư phạm thật sự chỉ khởi sắc chưa đến 10 năm (khoảng từ năm 1995 - 2002), khi điểm thi vào các trường sư phạm dù chưa phải là cao nhất song cũng khiến nhiều trường phải ngước nhìn.
Còn lại trước và sau thời gian đó, điểm thi vào trường sư phạm năm sau thấp hơn năm trước. Sự giảm sút chất lượng đầu vào của ngành sư phạm là điều được kiểm chứng một cách công khai thông qua kết quả thi đại học chứ không phải là cách nói chung chung. Chính các trường sư phạm cũng than vãn, buồn rầu về chất lượng sinh viên của trường họ.
Một sinh viên thi 4 môn chưa quá 10 điểm, vậy nhưng chỉ sau 3 - 4 năm đã làm “sư phụ” của bao học trò. Nghịch lý ấy, khó tin nhưng có thật. Đổi mới, thậm chí cải cách giáo dục chỉ thành công khi và chỉ khi nhân lực của ngành giáo dục phải thật sự là những người tinh thông nghiệp vụ.
Cô trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Bến Cầu) trong giờ học.
Như tin đã đưa, ngày 12.4 vừa qua, Sở GD-ĐT Tây Ninh và Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Tại buổi hội thảo này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên cao cấp Hoàng Tâm Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo II (thuộc Bộ GD-ĐT) đã cho rằng người thầy mới là nhân tố chính để đổi mới giáo dục thành công. Muốn sự nghiệp giáo dục thật sự được cải thiện, trước tiên phải có người thầy giáo tốt.
Vậy thế nào là người thầy giáo tốt? Theo quan điểm của Tiến sĩ Sơn, xét về mặt đạo đức thì một nhà giáo tốt trước hết là một người thầy yêu mến người học, tìm thấy niềm vui trong sự tiếp xúc với người học, và tin tưởng rằng mỗi người học đều có thể trở thành một con người tốt. Người thầy đừng quên rằng chính mình cũng là người học.
Trên phương diện chuyên môn, một nhà giáo tốt là một người chịu học hỏi, làm giàu kiến thức cho chính bản thân mình. Một nhà giáo tốt còn là người có năng lực độc lập trong nghiên cứu, nếu trong nhà trường có được những thầy cô giáo như thế thì đó là niềm tự hào của ngành giáo dục. Một nhà giáo tốt sẽ hiểu biết sâu rộng hơn nhiều lần so với những cái quy định trong nhà trường.
Người thầy phải có trình độ, có tâm huyết mới thể vạch ra được trước mắt người học sức hấp dẫn của tri thức bộ môn, của khoa học, của quá trình học tập. Người thầy tốt còn là người có tư chất thông minh, hiểu biết và say mê học tập. Theo Tiến sĩ Sơn, một điều rất quan trọng cần có trong phẩm chất của nhà giáo chính là sự hiểu biết về tâm lý giáo dục, về giáo dục học.
Nếu không có hoặc yếu tri thức khoa học về giáo dục thì người thầy sẽ không thể cộng tác được với người học. Trong giáo dục, thiếu sự hợp tác giữa thầy và trò thì không thể thành công.
Tìm đâu ra những nhà giáo phát triển toàn diện như thế? - Tiến sĩ Sơn đặt câu hỏi và đồng thời nêu luôn câu trả lời: chỉ học tập và bồi dưỡng thường xuyên thì nhà giáo mới thật sự giàu có về mặt tri thức.
Ông Sơn so sánh: nhà giáo là ngọn đèn soi đường thứ nhất và ngọn đèn soi đường chủ yếu đối với tinh thần của người học. Ở đó, người thầy biết khơi gợi trong lòng người học khát vọng hiểu biết, lòng kính trọng khoa học, văn hoá và học vấn. Sau khi đã đứng trên bục giảng từ 3 - 5 năm, nhà giáo phải biết nhiều hơn 3 lần, 5 lần so với những cái đã biết trong năm dạy học đầu tiên.
Nếu không có được những điều đó, thầy giáo sẽ rơi vào tình trạng thuộc lòng bài dạy để “tụng” lại cho học trò. Những tiết học nhàm chán chính là những hình phạt nặng nề đối với người học. Tiến sĩ Sơn cảnh báo nguy cơ “nguội lạnh” về mặt tâm hồn đang đe doạ nhà giáo, nhất là đối với những nhà giáo trẻ. Ngăn chặn nguy cơ đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của nhà quản lý và tập thể sư phạm tại các cơ sở giáo dục.
Dẫn số liệu, thông tin từ nhiều nguồn, Tiến sĩ Vũ Lan Hương (Trưởng Khoa Quản lý giáo dục của Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh) nói rằng, hiện nay có thể phân loại đội ngũ giáo viên trong trường phổ thông thành 4 loại. Loại 1, là những nhà giáo giỏi chuyên môn, có năng lực sư phạm và lòng nhiệt huyết với nghề.
Trong mọi điều kiện, họ là người đi đầu, kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, biết khích lệ học sinh. Loại 2, gồm những nhà giáo có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề.
Những người này có thể làm tốt công việc được giao hay không tuỳ vào từng hoàn cảnh. Loại 3, là những nhà giáo còn nhiều hạn chế cả về trình độ chuyên môn cũng như năng lực sư phạm nhưng về mặt ý thức, đây lại là những người nghiêm túc, cố gắng hết sức mình.
Tuy nhiên kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành giáo dục đang ra sức thực hiện. Cuối cùng, loại thứ 4, là những giáo viên hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém. Những giáo viên này tạo tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp.
Với 4 loại nhà giáo theo cách phân loại trên cho thấy, loại 1 và loại 2 chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, loại 3 là loại chiếm số đông nhất trong nhà trường hiện nay. Nhà quản lý các cấp cần có cách nhìn nhận thẳng thắn và khách quan về số đông này để từ có có giải pháp bồi dưỡng, cải thiện trình độ chuyên môn cho giáo viên.
Cùng nhìn nhận vấn đề đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy, Tiến sĩ Ninh Văn Bình (Trưởng Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, một tỷ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành.
Trong những năm tới, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa bởi vì phần lớn học sinh đang học tại các trường sư phạm vốn chỉ là những học sinh trung bình. Đó còn chưa kể phương pháp và nội dung đào tạo ở các trường sư phạm hiện đã rất lạc hậu, trong khi công tác bồi dưỡng giáo viên được tổ chức hằng năm chỉ mang tính hình thức.
Theo nhìn nhận của Tiến sĩ Bình, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông, là thầy cô giáo ở nhiều trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập thấp. Để cải thiện bữa cơm hằng ngày, nhiều thầy cô giáo ở thành thị đua nhau tìm cách dạy thêm, khiến cho tình trạng dạy thêm không thể kiểm soát được nữa.
Ông Bình cho rằng, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hoá trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học, khiến cho không chỉ có học trò mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Chính những điều như vừa nêu khiến cho người thầy và nghề dạy học bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội.
Dẫn số liệu từ một cuộc điều tra, Tiến sĩ Bình cho biết, khoảng 60% giáo viên phổ thông đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến nếu được chọn lại sẽ không làm nghề dạy học. Trong khi đó học sinh khá, giỏi thì lại “nói không” với ngành sư phạm.
Mong rằng những ý kiến tâm huyết từ hội thảo lần này sẽ góp phần giúp cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT tìm ra những giải pháp căn cơ cho bài toán về đổi mới giáo dục trong thời gian tới.
VIỆT ĐÔNG