Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân
Chủ nhật: 23:38 ngày 12/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuỳ theo điều kiện từng địa phương, từng tổ đại biểu để tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri phù hợp, có thể theo cụm, địa bàn...

Thường trực HĐND tỉnh khen thưởng các cá nhân có thành tích, hoạt động tiêu biểu, nổi bật trong công tác HĐND năm 2022.

Với phương châm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, năm 2022, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh chủ động, tích cực xây dựng và triển khai các mặt hoạt động; phối hợp tốt với UBND và các cơ quan liên quan tổ chức thành công các kỳ họp, hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Hoạt động của HĐND tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm theo định hướng lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ và đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Phối hợp chặt chẽ và bám sát chủ trương, định hướng lãnh đạo của Đảng

Trong công tác phối hợp, Thường trực HĐND tỉnh luôn giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với UBND, Uỷ ban MTTQVN tỉnh trong hoạt động của HĐND, nhất là trong việc giải quyết kiến nghị qua giám sát, khảo sát, kiến nghị của cử tri, các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đặc biệt, phối hợp với UBND tỉnh trong việc chuẩn bị kỳ họp, thực hiện thẩm tra, giám sát các hoạt động chung của tỉnh; tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp với Đoàn ĐBQH, các uỷ ban của Quốc hội trong hoạt động khảo sát, giám sát, tham gia góp ý các dự thảo luật.

Đánh giá chất lượng hoạt động và công tác phối hợp năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết: “Điểm nổi bật thứ nhất là hoạt động của HĐND tỉnh từng bước thay đổi phương thức, hiệu quả và đổi mới hoạt động ngày càng rõ nét hơn.

Điểm nổi bật thứ hai, hiện nay từng bước chuẩn hoá quy trình để Đảng lãnh đạo một cách tập trung trong hoạt động của HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN ngày càng rõ nét, có hướng dẫn cụ thể.

Công tác chuẩn bị các kỳ họp rất chu đáo; vai trò, trách nhiệm của đại biểu, các ban HĐND trong hoạt động thẩm tra, giám sát, giúp HĐND chuẩn bị kỳ họp rất tốt. Việc thẩm tra các nội dung cũng ngày càng đi vào quy củ, phát huy tốt hơn vai trò điều hành của UBND và các sở, ngành. Hoạt động giám sát, giải trình, chất vấn sát với thực tiễn, được cử tri quan tâm, đồng tình cao”.

Báo cáo hoạt động năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn như công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động giám sát của các Ban HĐND tỉnh có lúc, có nội dung còn trùng lặp đơn vị khảo sát, giám sát; việc gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu còn chậm; một số nội dung qua giám sát, giải trình, đơn vị được giám sát chậm triển khai thực hiện các kiến nghị…

Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trong năm 2023, đại biểu Lê Phan Mỹ An- thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, về tài liệu kỳ họp, sau khi Sở Tư pháp thẩm định có thể gửi đại biểu nghiên cứu kỹ hơn, có nhiều ý kiến đóng góp, góp phần bảo đảm tính khả thi của nghị quyết sau khi được ban hành.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp được tường thuật trực tiếp, do vậy, cần được quan tâm nhiều hơn, đại biểu đặt vấn đề ngắn gọn, rõ ý giúp người được chất vấn có câu trả lời rõ ràng theo từng nhóm vấn đề.

Bên cạnh đó, cần quan tâm phát huy quyền của đại biểu trong việc theo dõi, giám sát người được chất vấn thực hiện lời hứa với cử tri. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND cần được đẩy mạnh, khai thác triệt để phần mềm điện tử, hạn chế gửi văn bản giấy (trừ văn bản mật) giúp tiết kiệm chi phí. Quan trọng hơn cả là từng đại biểu phải tự nâng cao chất lượng hoạt động của mình, tăng cường trau dồi, học hỏi, sử dụng hiệu quả thời gian phục vụ công tác HĐND.

Để thống nhất sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị năm 2023, Thường trực HĐND các cấp bám sát nghị quyết cấp uỷ về nhiệm vụ về xây dựng chính quyền địa phương, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phối hợp với UBND cùng cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan để cụ thể hoá chủ trương, định hướng đặc biệt là ban hành các nghị quyết liên quan cụ thể hoá nghị quyết của cấp uỷ. Mục tiêu là để mọi chủ trương, định hướng của cấp uỷ, nhất là chương trình đột phá có cơ sở pháp lý về mặt chính quyền để triển khai thực hiện hiệu quả nhất.

Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri

Năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri, ghi nhận 309 ý kiến thuộc thẩm quyền tỉnh, 8 kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương; nội dung các kiến nghị chủ yếu tập trung phản ánh những vấn đề bất cập, vướng mắc về tình hình kinh tế - xã hội, chế độ, chính sách do Trung ương ban hành.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp và chuyển đến UBND tỉnh, các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời chỉ đạo các Ban của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri.

Qua giám sát, hầu hết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được HĐND tỉnh, các ngành chuyên môn quan tâm trả lời, giải quyết. Nội dung trả lời, giải quyết cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung trả lời kiến nghị cử tri chưa đi vào trọng tâm, chưa xác định lộ trình hoặc đề ra biện pháp giải quyết cụ thể, thoả đáng; Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp HĐND và đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xử lý đối với các vấn đề trên.

Thường trực HĐND tỉnh còn chủ trì phối hợp với Đài PT-TH tỉnh xây dựng, phát sóng định kỳ hằng tuần chương trình “Tiếng nói cử tri” và chuyên mục “Tiếng nói cử tri” trên Báo Tây Ninh.

Đây là cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền; chương trình đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân địa phương, đồng thời phản ánh kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, những vấn đề còn hạn chế, bất cập đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.

Đánh giá về hoạt động của HĐND nói chung và tiếp xúc cử tri nói riêng, cử tri Huỳnh Thiện Tánh (phường 3, thành phố Tây Ninh) cho biết: “Qua theo dõi các kỳ họp HĐND, gần đây nhất là kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 và thông tin tại hội nghị tiếp xúc cử tri, chúng tôi rất phấn khởi về kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh.

Chúng tôi đồng tình cao với cách điều hành phiên họp của chủ toạ, đặc biệt là trong phần chất vấn của đại biểu và trả lời chất vấn của lãnh đạo sở, ngành, UBND tỉnh. Các vấn đề được lựa chọn làm chủ đề phiên chất vấn đều là những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm; các chính sách mới do HĐND ban hành rất sát với tình hình thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của người dân”.

Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Tiến Hưng- Tổ đại biểu thị xã Trảng Bàng đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét tái giám sát những vấn đề chậm triển khai, khắc phục; UBND tỉnh và các ngành quan tâm cử đại diện sở, ngành tham dự các buổi tiếp xúc, nhất là những sở, ngành liên quan nhiều đến các vấn đề cử tri quan tâm, ví dụ đất đai, giải phóng mặt bằng...

Thời gian qua, các cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức trực tiếp với lịch trình tại nhiều địa phương khác nhau, nhiều cuộc tiếp xúc cử tri người dân không có ý kiến gì. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị thời gian tới tổ chức tiếp xúc trực tiếp chung cử tri nhiều xã, phường, thị trấn tại một điểm hoặc nghiên cứu tổ chức trực tuyến kết nối nhiều điểm khác nhau.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy cho biết: “Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, đây là nhiệm vụ rất vinh dự của người đại biểu, tuỳ tình hình thực tế các tổ có thể tính toán tiếp xúc cử tri gộp theo địa bàn. Đối với hình thức trực tuyến, trước đây do tình hình dịch bệnh kéo dài phải linh động tổ chức, còn hiện nay vẫn nên tổ chức tiếp xúc trực tiếp”.

Kết luận chỉ đạo nội dung tiếp xúc cử tri, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho rằng cần thực hiện theo nguyên tắc làm sao tổ chức cho đại biểu có sự gắn kết với cử tri và tiếp nhận được càng nhiều ý kiến của cử tri càng tốt.

Do đó, tuỳ theo điều kiện từng địa phương, từng tổ đại biểu để tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri phù hợp, có thể theo cụm, địa bàn; nội dung tiếp xúc cần đầy đủ và cô đọng, đại biểu báo cáo, gợi mở vấn đề để cử tri có nhiều ý kiến, hạn chế tình trạng tổ chức theo kiểu “đến hẹn lại lên”.

Một số kết quả hoạt động nổi bật của HĐND tỉnh năm 2022:

Tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ năm 2022 và 2 kỳ họp chuyên đề; xem xét, thông qua 25 báo cáo, 54 nghị quyết.

Thực hiện 6 cuộc giám sát và 3 phiên giải trình.

Đại biểu HĐND tham gia cùng Thường trực HĐND tỉnh tiếp công dân 11 cuộc; tiếp nhận 118 đơn qua đường bưu điện; trả và hướng dẫn 25 đơn, 38 đơn không đủ điều kiện thụ lý.
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 12 phiên họp định kỳ, cho ý kiến 77 nội dung do UBND tỉnh và các sở, ngành trình.

 

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh