BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp,thích ứng với thị trường 

Cập nhật ngày: 20/05/2020 - 15:11

BTN - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Thu hoạch đậu bắp. Ảnh: Lê Văn Hải

Ngày 11.5.2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 939/KH-UBND về việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, năm 2020, trên địa bàn tỉnh phải phát triển ít nhất 30% tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số mã vạch trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Đến năm 2030, tỉnh phải phát triển ít nhất 70% tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số mã vạch trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Hiện nay, sức cạnh tranh nông sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn thấp, nông sản của tỉnh vẫn chủ yếu xuất bán ở dạng thô, giá trị kinh tế không cao. Hơn nữa, sản phẩm không đa dạng mẫu mã, không có khả năng cung ứng số lượng lớn, chưa bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Chính vì vậy, việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất được coi là yếu tố quyết định để tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp của tỉnh, để tạo ra nông sản chất lượng cao, hàng hoá lớn, từng bước hội nhập thị trường nông sản trong nước và quốc tế.

Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang cây trồng khác từ năm 2017- 2020 trên địa bàn huyện là 5.301 ha; tổng diện tích chuyển đổi trên cây lâu năm là 1.045,7 ha, chủ yếu chuyển đổi sang các loại cây như: nhãn, sầu riêng, bưởi, xoài, mãng cầu, dừa, măng...

Ông Phạm Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) cho biết, việc áp dụng mô hình kiểu mẫu, ông Nhân đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha cao su sang trồng xoài cát chu. Ông tìm hiểu thị trường và được biết, giá trị kinh tế từ xoài cát chu rất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá luôn ở mức cao hơn 30.000 đồng/kg. Sau gần 1 năm trồng, đến nay, cây xoài cát chu đã bắt đầu ra bông.

Trồng rau trong nhà lưới.

Theo ông Nhân, sau khi thu hoạch xoài ông sẽ đánh giá kết quả về lợi nhuận thu được và sức cạnh tranh của xoài trên thị trường, sau đó, ông sẽ chia sẻ cho người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn ứng dụng công nghệ trong sản xuất được thị xã Hoà Thành triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nông sản địa phương.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Hoà Thành, người dân trên địa bàn sinh sống bằng nghề nông. Người dân chủ yếu sản xuất các giống lúa thuần nông theo phương thức truyền thống.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và sử dụng các giống cải tiến chưa được quan tâm đúng mức. Giai đoạn 2017-2020, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích 102,81 ha. 

Trong đó, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm với diện tích 68,31 ha; các cây trồng chuyển đổi chủ yếu như cây mì và rau màu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm với diện tích 31,51 ha; chủ yếu là cây nhãn, cao su, sầu riêng, bưởi. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 2,98 ha; chủ yếu tập trung tại các xã ven sông Vàm Cỏ Đông.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rau an toàn Long Mỹ, phường Long Thành Bắc (thị xã Hoà Thành) cho biết, diện tích đất sản xuất trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá, nếu chỉ trông chờ vào cây lúa thì đời sống người dân không được bảo đảm. Do đó, Hội đồng quản trị HTX đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng mang lại lợi nhuận cao gắn với ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất.

Vườn sầu riêng của ông Tuấn đã được đăng ký truy xuất nguồn gốc.

Có kinh nghiệm, trồng rau màu trong nhiều năm, nhiều xã viên của HTX rau an toàn Long Mỹ còn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động chuyên biệt cho dưa lưới và rau ăn lá. Đây là lợi ích kép, không chỉ giúp HTX tiết giảm được chi phí sản xuất mà còn gia tăng sản lượng, cho  hàng đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu rau sạch của nhiều khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, thành viên HTX rau an toàn Long Mỹ cho biết, với 2.000m2 lúa, gia đình ông thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/năm. Nhưng khi chuyển sang trồng rau ăn lá và rau ăn trái các loại thì thu nhập đạt từ 15 đến 25 triệu đồng/năm; khi xen canh tốt, đúng dịp thị trường đang cần thì thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. 

Hiện HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 2 ha, có 6 hộ tham gia sản xuất các loại như dưa lưới, rau ăn lá và cây ăn trái.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: định vị nông sản sạch

Đối với người nông dân, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường đã khó, đưa nông sản có nguồn gốc rõ ràng đến tay người tiêu dùng lại càng gian nan. Nếu như trước đây, bà con phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái ép giá, thì nay việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản đã mở ra những cơ hội mới, hướng đi mới.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, người tiêu dùng cần minh bạch thông tin về nguồn gốc nông sản để an tâm sử dụng. Còn đối với người sản xuất, việc xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cơ hội để quảng bá sản phẩm và chịu trách nhiệm về hàng hoá do mình sản xuất. Đối với cơ quan chức năng, việc này giúp dễ dàng tìm được nguyên nhân gây ra lỗi sản phẩm.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Công ty TNHH KIAG tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm và cách thức nhập dữ liệu cho nông dân sản xuất cây ăn trái gồm mãng cầu, bưởi da xanh, nhãn, chuối, sầu riêng, dứa, dưa lưới...

Phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng, nông dân đã thực hiện tốt và cập nhật đầy đủ thông tin. Công ty TNHH KIAG hỗ trợ nông dân và in tem truy xuất nguồn gốc cây trồng đi đến từng hộ dân trên địa bàn hướng dẫn sử dụng phần mềm và cách thức nhập dữ liệu.

Thu hoạch sầu riêng tại ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Từ tháng 4 đến tháng 11.2020, toàn tỉnh có 68 hộ áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, diện tích 918 ha, với một số cây trồng như: bưởi, sầu riêng, dứa, dưa lưới, chuối... Năm 2020, sẽ có khoảng 200 hộ áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Ông Võ Công Tuấn (ngụ ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) cho biết, trong xu thế hiện nay, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên phổ biến và đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các mặt hàng nông sản tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong nước và thị trường xuất khẩu. Đây được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Chính vì vậy, đầu năm 2019, ông Tuấn đã đăng ký áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên 5 ha sầu riêng của gia đình, kết hợp với việc sản xuất theo công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Từ đó, ông đã khẳng định chất lượng và thương hiệu trái sầu riêng của mình trên trên thị trường.

Nhi Trần