BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên công đoàn 

Cập nhật ngày: 19/10/2022 - 02:15

BTN - Hiện nay, do tình hình lao động khan hiếm, một số doanh nghiệp thực hiện hợp đồng với đơn vị thứ 3 để cung ứng lao động. Doanh nghiệp thứ 3 này có khi ở tỉnh khác, không thuộc địa bàn quản lý, phụ trách nên công tác vận động người lao động tham gia vào Công đoàn trên địa bàn là rất khó.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái trao quà cho công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 12.6.2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ, Công đoàn Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở (CĐCS) hạn chế với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động.

Nhiều khó khăn

Tây Ninh có 5 khu công nghiệp (KCN) là Trảng Bàng, Chà Là, Thành Thành Công, Phước Đông và Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III. Trong 9 tháng năm 2022, Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) đã phối hợp cùng Công đoàn KKT hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Qua đó, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động như tiền lương, thưởng, giờ làm việc… nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người lao động.

Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Duy- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, nên có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động. Tỷ lệ đoàn viên tăng thêm trong 9 tháng năm 2022 còn thấp, chỉ tăng được hơn 4.800 đoàn viên/20.000 đoàn viên được giao, tức chỉ đạt 24%.

“Tại một số địa phương, số lượng nhà đầu tư còn ít, nguồn lao động để vận động phát triển vào Công đoàn hạn chế. Nguồn phát triển công đoàn viên tại các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở còn ít. Tỷ lệ thành lập Công đoàn cơ sở có dưới 25 lao động chỉ đạt 56% theo chỉ tiêu. Phần lớn các doanh nghiệp có dưới 25 lao động là kinh doanh về dịch vụ, quy mô hộ gia đình nên chưa quan tâm đến việc thành lập công đoàn cơ sở”- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn KKT Tây Ninh, năm nay, Công đoàn KKT phải tăng thêm 13.000 công đoàn viên, nhưng đến thời điểm này chỉ tăng thêm 8.000 đoàn viên. Hiện nay, do tình hình lao động khan hiếm, một số doanh nghiệp thực hiện hợp đồng với đơn vị thứ 3 để cung ứng lao động. Doanh nghiệp thứ 3 này có khi ở tỉnh khác, không thuộc địa bàn quản lý, phụ trách nên công tác vận động người lao động tham gia vào Công đoàn trên địa bàn là rất khó.

Mô hình siêu thị phúc lợi nhằm đem đến các sản phẩm tốt, giá tốt cho đoàn viên công đoàn

Đổi mới phương thức hoạt động

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, năm 2023, cả nước phải đạt 12 triệu đoàn viên công đoàn. Đến tháng 6.2022, cả nước chỉ mới đạt 10.800.000 người. “Thực hiện mục tiêu phủ sóng lực lượng đoàn viên công đoàn trong các KCN, đặc biệt là ở các công ty có từ 25 lao động phải có tổ chức Công đoàn, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, Công đoàn các cấp phải thực hiện nhiệm vụ kép là giữ chân công đoàn viên đồng thời phải phát triển tăng số lượng”- ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Để thực hiện mục tiêu đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có hội thảo “Giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả thu hút, tập hợp đoàn viên của công đoàn cơ sở trong các KCN và vai trò của cán bộ mạng lưới Công đoàn các KCN tại Việt Nam”, vừa diễn ra tại Tây Ninh và Hà Nội.

“Qua hội thảo, các tổ chức Công đoàn sẽ chủ động đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng một cách thực chất các hoạt động Công đoàn. Các Công đoàn KCN tự xác định được mục tiêu, hướng đi, giải pháp hữu hiệu nhất để phát triển lực lượng công đoàn viên, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”- ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, một giải pháp mới được Công đoàn KKT thực hiện là phân bổ chỉ tiêu theo từng tháng. “Đầu năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cho từng công đoàn cơ sở nhưng đến nay chưa đạt, Công đoàn đã thay đổi, xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu hằng tháng và khen thưởng đối với các công đoàn cơ sở có số lượng công đoàn viên đạt hoặc vượt chỉ tiêu tháng. Qua 1 tháng triển khai phương pháp khen thưởng, sâu sát với từng đơn vị còn số lượng người lao động chưa tham gia công đoàn nhiều, đến nay có những chuyển biến. Cụ thể đã tăng thêm 2.000 công đoàn viên”- Chủ tịch Công đoàn KKT tỉnh cho biết.

Cùng với đó, Công đoàn KKT và các công đoàn cơ sở phải tăng cường công tác tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ cho người lao động để mọi người tự nguyện viết đơn tham gia vào tổ chức Công đoàn. Đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao; tập trung vào đối tượng là đoàn viên công đoàn để những người lao động thấy được lợi ích tham gia.

Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trung thu cho con của người lao động Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA (thị xã Trảng Bàng) 

Theo ông Nguyễn Hữu Cần- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Hung (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu), công ty có khoảng 10.000 lao động, trong đó 98% là công đoàn viên. Để tập hợp được đông đảo người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn, theo ông Cần, Công đoàn công ty có những cách làm riêng.

Trong các buổi huấn luyện công nhân mới, Ban Giám đốc công ty tạo điều kiện cho Công đoàn công ty đưa chương trình tuyên truyền về Công đoàn đến với những công nhân mới. Cán bộ Công đoàn sẽ thông tin đến mọi người các chính sách phúc lợi của Công đoàn, cơ cấu tổ chức công đoàn cơ sở, số điện thoại của cán bộ Công đoàn để người lao động thấy và nắm rõ người lao động được Công đoàn bảo vệ những gì và phúc lợi, quyền lợi người lao động khi tham gia vào Công đoàn. Do đó, người lao động đều tình nguyện tham gia vào tổ chức Công đoàn khi vào làm việc tại công ty.

Ông Cần cho biết thêm: “Ngoài việc vận động người lao động tham gia Công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn cũng rất chú trọng việc giữ chân đoàn viên, người lao động tại công ty. Công đoàn cùng với Ban Giám đốc Công ty sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống của công đoàn viên. Hằng năm, tổ chức khen thưởng cho con công đoàn viên đạt thành tích học sinh giỏi trong năm học, chi phí khoảng 600 triệu đồng, công ty hỗ trợ 300 triệu đồng.

Ngoài ra, Công đoàn còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, như "Tiếng hát xuân", rút thăm trúng thưởng xe máy; tặng quà cho đoàn viên, người lao động vào các dịp tết dương lịch, âm lịch, tháng công nhân, tết trung thu… Đây là những cách để chúng tôi phát triển công đoàn viên và giữ chân người lao động”.

Ngọc Diêu