Tại hội thảo về đổi mới đánh giá môn Văn hôm qua do Bộ Giáo Dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại dư luận giáo viên và học sinh sẽ “sốc” nếu áp dụng đổi mới ngay từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn thể hiện quyết tâm sẽ đổi mới kiểm tra đánh giá ngay từ năm nay, bắt đầu từ kì thi tốt nghiệp…
Đề thi sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài SGK
Theo PGS TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ Trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT, để đồng bộ trong đổi mới căn bản toàn diện việc dạy học môn Văn trong nhà trường phổ thông, khâu kiểm tra đánh giá cũng phải chuyển theo hướng đánh giá được năng lực của học sinh. Với môn Văn THPT, năng lực này thể hiện “đông đặc” trong các kỹ năng đọc, hiểu và tạo lập văn bản.
Học sinh trường THPT Trần Phú, Hà Nội trao đổi về môn Văn Ảnh: hồng vĩnh.
Trên cơ sở lập luận này, ông Thống đề xuất môn Văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ có hai phần: đọc – hiểu và viết. Nếu sử dụng thang điểm 20, phần kiểm tra năng lực đọc – hiểu sẽ chiếm khoảng 6/20 điểm.
Cụ thể: Kiểm tra kiến thức về tiếng Việt như chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic… – 2 điểm; Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn cho trước – 2 điểm; Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn văn/ thơ cho sẵn – 2 điểm.
Để kiểm tra năng lực viết (chiếm 14/20 điểm), giám khảo sẽ đưa ra hai yêu cầu, một câu là viết bài nghị luận xã hội, một câu là viết nghị luận văn học. Với câu nghị luận xã hội (chiếm 7/20 điểm), câu hỏi và đáp án có tính mở, có tính chất tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hoá. Câu nghị luận văn học (7/20 điểm) thì đáp ứng yêu cầu phân hoá cao, hướng tới tuyển sinh ĐH.
Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức, kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong SGK hiện hành.
Với giả định Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng thang điểm 20, học sinh đạt bình quân 10/20 điểm mỗi môn thi thì được công nhận đỗ tốt nghiệp. Các trường ĐH, nhất là các trường theo hướng xã hội & nhân văn căn cứ vào tổng điểm 3 câu và điểm câu 3 để xét tuyển sinh.
Với phần đọc hiểu, ngữ liệu (các đoạn trích văn bản, câu văn được đưa vào đề - PV) đề thi sẽ hoàn toàn nằm ngoài sách giáo khoa. Ngay cả với phần viết nghị luận văn học, có thể giám khảo sẽ hỏi đến những văn bản văn học không được đưa vào sách giáo khoa nhưng đảm bảo vẫn kiểm tra những kỹ năng mà các em đã được học trong chương trình.
Bộ GD&ĐT quyết làm
Trong hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các sở GD&ĐT đều tỏ ra nghi ngại về khả năng thực hiện các ý tưởng đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh năm nay thời gian làm bài thi môn Văn chỉ còn 120 phút thay vì 150 phút như mọi năm.
Học sinh Trường THPT Quang Trung (Hà Nội) trao đổi môn Ngữ văn Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cô giáo Phạm Thị Huệ đến từ Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, môn Văn có đặc thù so với các môn học khác. Nếu như các môn khác, thời gian co ngắn lại người ra đề chỉ cần bỏ bớt câu hỏi thì môn Văn không thể xử lý theo cách đơn giản đó được. Với mỗi câu hỏi, học sinh phải trả lời đầy đủ, tròn ý.
Nếu có sự thay đổi về thời gian làm bài, học sinh cần phải được chuẩn bị kỹ năng để làm sao trả lời đủ ý trong khoảng thời gian cho phép.
Hai tháng chuẩn bị (từ đầu tháng Tư đến hết tháng Năm) cho việc này là quá ít. Nhiều đại biểu khác cũng ủng hộ ý kiến này. Thậm chí, thầy giáo Nguyễn Thảo Nguyên, Sở GD&ĐT Quảng Trị còn đề nghị Bộ GD&ĐT nên có lệnh “rút” nếu thấy học sinh - giáo viên cả nước chưa sẵn sàng.
“Các đồng chí làm thế nào thì làm, miễn làm sao đừng để học sinh học thuộc bài văn mẫu mang vào chép rồi được điểm tối đa. Văn mẫu vẫn cần, nhưng chỉ để tham khảo, để luyện tập, để định hướng. Mẫu thành mẫu thật rập khuôn như đóng gạch được điểm cao là chết!” Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển |
Ngoài ra, các đại biểu còn cho rằng, nếu như thi theo hình thức mới thì ngành GD&ĐT các địa phương đối mặt với khó khăn về năng lực kiểm tra, đánh giá của giáo viên. TS Trần Hữu Phong, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Huế cho rằng, nếu thời điểm này Bộ ra đề mở trên cơ sở ngữ liệu văn học ngoài chương trình thì sẽ là một sự phiêu lưu khi mà chỉ khoảng 30% số giáo viên có khả năng chấm điểm được theo hướng đánh đúng năng lực của học sinh.
Những đại biểu từ các sở GD&ĐT cũng cho biết, ngay cả năng lực ra đề mở (và ra đề theo ma trận mà Bộ GD&ĐT yêu cầu) để ôn luyện cho học sinh, phần lớn giáo viên cũng không thực hiện được.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc đổi mới kiểm tra đánh giá môn Văn chắc chắn sẽ phải bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Ông Hiển cho rằng, dung lượng làm bài thi 120 phút hay 150 phút không phải là điều cần tranh cãi, quan trọng là làm sao trong 120 phút giám khảo không bắt học sinh phải viết quá nhiều.
Ông Hiển cũng yêu đồng tình với đề xuất của PGS TS Đỗ Ngọc Thống, với phần đọc hiểu thì ngữ liệu không lấy trong SGK nhưng phải vừa sức với học sinh, ít từ địa phương để học sinh cả nước đều hiểu được.
Phần viết thì phải là đề mở và phải đảm bảo cơ bản hai giá trị chuẩn mực: đưa ra được thông điệp của người viết (có tính thông tin), đảm bảo được sự trong sáng trong diễn đạt.
Trước lo ngại về việc đổi mới thi nhưng chưa kịp chuẩn bị kỹ lưỡng cho học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, yêu cầu đổi mới được đặt ra trong chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2002 nhưng bao năm qua nó vẫn cứ trì trệ.
Vì thế lần này cần phải quyết làm ngay ở khâu thi cử để tạo sự đột phá. “Giữa đáp ứng mục tiêu với đảm bảo an toàn thi đỗ 100% thì theo tôi cần ưu tiên việc đáp ứng mục tiêu dạy học”, ông Hiển nói.
Theo Tiền Phong