BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đời sống cán bộ, công chức cấp xã- những điều trăn trở

Cập nhật ngày: 08/01/2010 - 06:12

“Cán bộ cấp xã” là cụm từ gọi chung những người đang làm việc trong bộ máy hành chính ở xã, phường, thị trấn (gồm cán bộ chuyên trách, công chức, và những người hoạt động không chuyên trách). Đây là những người thường xuyên tiếp cận với nhân dân, để đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của  Đảng, Nhà nước vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế, đời sống của cán bộ cấp xã còn rất nhiều khó khăn, trăn trở…

Cuối năm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ huyện, tỉnh đến Trung ương đâu đâu cũng rộn ràng chuyện tiền lương, tiền thưởng, quà cáp để cán bộ, công nhân, viên chức có điều kiện đón một cái tết cho tươm tất. Thế nhưng không khí ở những đơn vị cấp xã vẫn trầm lặng như thường ngày. Bởi đối với cấp xã, ngoài số tiền lương và phụ cấp ít ỏi, cán bộ công chức (CBCC) xã gần như không còn khoản thu nhập nào khác. Việc tăng thu nhập từ tiết kiệm chi tiêu kinh phí phân bổ trong năm theo chủ trương của Nhà nước, nhiều khi chỉ đủ tổ chức một chuyến đi tham quan tập thể ở đâu đó… gần gần. Hoạ hoằn lắm cuối năm được chút quà biếu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, còn vấn đề tiền thưởng là chuyện trong mơ. Năm nào được tiền tết của Trung ương, của tỉnh cho cũng chỉ đủ bỏ phong bao lì xì cho con cháu.

Có thể nói ít nhất cũng phải đến 80% cán bộ, công chức cấp xã có đời sống rất khó khăn. Thu nhập chủ yếu dựa vào lương và phụ cấp. Hiện nay tiền lương CBCC cấp xã rất thấp. Người cao nhất khoảng 1,9 triệu đồng (là lãnh đạo chủ chốt), người lương thấp chỉ khoảng 950.000 đồng, trung bình dao động ở mức 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng (riêng lực lượng thường trực xã đội, công an viên khoảng 650.000 đồng). Khoản thu nhập đó không đủ để chi tiêu cho bản thân nói chi đến việc phụ giúp gia đình. Những cán bộ thuộc diện tăng cường từ huyện về xã, mức lương có đỡ hơn vì hưởng theo ngạch bậc công chức của huyện.

Trong khi đó, từ trước đến nay khối lượng công việc phải giải quyết tại cấp hành chính ở cơ sở là rất nhiều. Hầu như mọi thứ thượng vàng hạ cám đều “trút” xuống xã. Từ những chuyện quốc gia đại sự đến những vụ việc xảy ra trong sinh hoạt đời thường của người dân. Chuyện CBCC xã chỉ làm việc một buổi mỗi ngày như khoảng thời gian mười năm về trước đã “xưa lắm rồi”. Bây giờ, công việc ở xã có khi làm ngày không đủ phải tranh thủ làm đêm, thậm chí về nhà còn phải giải quyết công việc khi người dân cần. Khổ nhất là cán bộ hội, đoàn, muốn phổ biến, triển khai chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cho dân phải thực hiện ngoài giờ hành chính, lúc người dân rảnh rỗi. Khối Đảng trước đây được xem là nhàn, nay cũng phải “mướt mồ hôi” mới hoàn thành được nhiệm vụ. Văn bản hành chính ở cấp xã bây giờ cũng rất nhiều, nhất là về cuối năm càng “quá tải”. Do đó, ngoài khả năng điều hành công việc, cán bộ xã hiện nay còn phải biết sử dụng thành thạo vi tính và có kỹ năng soạn thảo văn bản. Khi chất lượng hoạt động của cấp xã ngày càng được nâng cao, thì cường độ lao động của CBCC cấp xã càng lớn, trong khi mức thu nhập vẫn… lẹt đẹt “ba cọc ba đồng” (!).

Ra mắt Đội Tuần tra nhân dân ở xã Suối Đá.

Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ mới được ban hành như thổi vào cuộc sống CBCC cấp xã luồng sinh khí mới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu những nội dung cơ bản của Nghị định, chúng tôi thấy vẫn chưa có những đột phá, khả dĩ giúp cho CBCC cấp xã có đời sống ổn định hơn. Về các chức danh của CBCC cấp xã không có gì thay đổi. Riêng vấn đề tiền lương, các hệ số phụ cấp thì được quy định cụ thể và có tăng hơn so với trước. Mặc dù Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ban hành ngày 10.10.2003 và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ban hành ngày 21.10.2003 được xem là văn bản pháp quy chính thức công nhận “danh phận” của CBCC cấp xã sau nhiều năm bị quên lãng, nhưng “danh” có mà “phận” vẫn còn lắm bấp bênh, bất cập. Ngoài chuyện tiền lương, cái bất cập dễ thấy nhất là chức danh của “cán bộ không chuyên trách”. Nếu ở văn bản trước gọi là “cán bộ không chuyên trách” thì trong Nghị định số 92 lại gọi là “những người hoạt động không chuyên trách”. Tuy nhiên, xét về năng lực chuyên môn, khối lượng công việc được phân công đảm trách, thì “cán bộ không chuyên trách” chẳng thua kém gì “cán bộ chuyên trách”, có khi còn nặng nề vất vả hơn. Thường thì các ngành, đoàn thể bố trí một trưởng là “chuyên trách” và một phó là “không chuyên trách”, nhưng một số lĩnh vực lại không có cán bộ “chuyên trách” mà chỉ có chức danh “không chuyên trách”, ví dụ như Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ, Tổ chức Đảng uỷ, Tuyên giáo Đảng uỷ, Hội người cao tuổi, Hội chữ thập đỏ… Cũng là người làm việc chung một cơ quan mà người thì có BHXH, BHYT, kẻ thì không. Cùng hưởng tiền công do ngân sách Nhà nước trả nhưng người thì có “lương”, người chỉ có “phụ cấp”.

Thiết nghĩ, đơn vị hành chính cấp xã giống như phần móng của ngôi nhà. Móng có kiên cố, chắc chắn thì nhà mới ổn định, vững vàng. Lâu nay chúng ta đã làm cái việc “xây nhà từ nóc” nên đã bỏ quên cấp hành chính cơ sở quan trọng này trong một thời gian dài. Đã đến lúc cần phải đánh giá một cách đúng mức và đối xử công bằng hơn đối với cán bộ cấp xã. Thời gian qua, đã có không ít những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong CBCC cấp xã, một phần cũng do điều kiện đời sống khó khăn. Nhẹ thì là kiểu làm việc cầm chừng, “ăn cắp” thời gian để tranh thủ việc riêng. Nặng thì tham ô, nhũng nhiễu dân, hoặc sử dụng công quỹ sai mục đích dẫn đến vi phạm, phải bị kỷ luật, thậm chí bị lãnh án. Bên cạnh đó, để đáp ứng cho yêu cầu công việc ngày càng cao, đảm bảo việc chuẩn hoá, lớp CBCC trẻ ở xã còn phải nỗ lực phấn đấu học tập để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn. Việc vừa học vừa làm lại tạo thêm gánh nặng cho cuộc sống vốn đã vất vả của họ. Lớp cán bộ lớn tuổi rồi sẽ nghỉ để nhường “sân” cho lớp cán bộ trẻ có trình độ, năng lực. Tuy nhiên, với bức tranh đời sống còn nhiều gam màu tối như thế, thật khó có thể thu hút được những tài năng trẻ về công tác ở cấp xã. Hiện nay, cán bộ cấp xã có trình độ đại học thuộc loại hàng hiếm (chủ yếu là đào tạo tại chức, từ xa), trung cấp khoảng 30%, còn lại là sơ cấp và chưa qua đào tạo chuyên môn. Nếu không có chính sách đãi ngộ tương xứng và chiến lược đào tạo hợp lý thì trong vòng 5, 10 năm nữa lực lượng CBCC cấp xã chắc chắn sẽ thiếu hụt trầm trọng. Vẫn biết Đảng, Nhà nước đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống CBCC nói chung, CBCC cấp xã nói riêng, nhưng việc thực hiện còn chậm, lúng túng, nhiều chủ trương chính sách chưa thật sự phù hợp.

Năm hết tết đến, chẳng ai muốn nghe những chuyện không vui. Nhưng khi so sánh mức thu nhập vài chục triệu đồng/tháng của nhiều cán bộ cấp Trung ương như báo chí đã đưa tin, với thu nhập “bèo bọt” của CBCC cấp xã mà không khỏi chạnh lòng. Cũng là người hưởng lương của Nhà nước sao khoảng cách lại xa vời vợi. Trong khi chờ đợi những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với CBCC cấp xã, trước mắt, thiết nghĩ các địa phương nên chủ động tìm những giải pháp nâng cao đời sống của họ như cho vay vốn ưu đãi để tăng gia sản xuất, có chính sách đãi ngộ hợp lý, trợ cấp khó khăn… nhằm tạo điều kiện để CBCC cấp xã phần nào ổn định cuộc sống, an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

PHƯỚC HỘI