BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đời sống công nhân được chăm lo tốt hơn

Cập nhật ngày: 26/12/2010 - 11:38

Có thể nói, so với những năm trước, năm 2010, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã được chăm lo tốt hơn. Tuy nhiên, so với nhu cầu của công nhân thì vẫn chưa đủ.   

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 97 và 98 về quy định mức lương tối thiểu trong các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tây Ninh và Công đoàn Khu công nghiệp đã thường xuyên giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ ở các doanh nghiệp khi ký hợp đồng lao động với công nhân. Hiện nay, mức lương công nhân ở các khu công nghiệp được chủ trả thấp nhất là 1,14 triệu đồng/tháng và cao nhất là 6,8 triệu đồng/tháng. Có trường hợp được hưởng tới mức 19 triệu đồng/tháng. Ngoài ra công nhân còn được chủ doanh nghiệp chi trả thêm một số khoản như: tiền chuyên cần, tiền ăn trưa… Nhìn chung, thu nhập của công nhân trong các khu công nghiệp ở Tây Ninh tương đối ổn định.  

Song song với việc chăm lo đời sống kinh tế, đời sống tinh thần của công nhân cũng được quan tâm. Trong dịp Tết Canh Dần 2010, Công đoàn các khu công nghiệp kết hợp với Đoàn văn công Tây Ninh tổ chức biểu diễn văn nghệ mừng xuân, phục vụ cho trên 10.000 công nhân đến xem. Phối hợp với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Tây Ninh tổ chức hát Karaoke và chiếu phim được 3 đợt, thu hút hơn 6.000 lượt công nhân đến xem. Đặc biệt, trong hai ngày 13 và 14.11.2010, Sở Văn hoá- Thể thao &Du lịch kết hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Liên hoan văn nghệ- thể thao công nhân các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Tây Ninh lần thứ I/2010, thu hút  hàng ngàn công nhân tham gia.

Liên hoan VN-TT công nhân các khu, cụm CN, khu KTCK tỉnh Tây Ninh

Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng đã thường xuyên tổ chức hoạt động văn nghệ- thể thao mang tính nội bộ của đơn vị mình nhằm cải thiện cuộc sống tinh thần cho công nhân và tuyển chọn “hạt giống” trong đơn vị. Chẳng hạn như Công ty Hansae Tây Ninh, Công ty Hoa Sen, Công ty VMC Hoàng Gia… Những hoạt động văn nghệ- thể thao này đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của công nhân lao động trong các khu công nghiệp tỉnh nhà, giúp công nhân khoẻ về thể chất và “lành mạnh” về tinh thần.

Nhiều công nhân bày tỏ niềm vui khi được công đoàn và chủ doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn về đời sống vật chất, tinh thần. Anh Phạm Việt Hùng, công nhân kho ở Xưởng 2, Công ty TNHH Hansae Tây Ninh, người đạt danh hiệu “Vua phá lưới” giải bóng đá Hội thao Công ty TNHH Hansae Tây Ninh, kể: “Vào làm công nhân, mỗi tuần, tôi được công ty cho nghỉ làm việc 2 ngày để tập dợt bóng đá, nhờ vậy tôi mới thi đấu tốt và đạt danh hiệu này”. Tuy nhiên, theo một số công nhân nữ thì sân chơi dành cho nữ công nhân còn thiếu. Chị Phạm Thị Ngọc Liên, công nhân Công ty TNHH may mặc Jifa thuộc Khu Công nghiệp- Khu Chế xuất Linh Trung III cho biết: “Nhu cầu vui chơi giải trí cho công nhân nữ và trẻ em còn rất thiếu. Chúng tôi cần một địa điểm như một câu lạc bộ công nhân nữ chẳng hạn để thường xuyên họp mặt, vui chơi, ca hát, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con. Trẻ em là con của công nhân cũng cần có sân chơi để chúng vui đùa với nhau”.

Ông Nguyễn Hữu Thoại, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp Tây Ninh cũng thừa nhận: “Trong năm 2010, đời sống tinh thần của công nhân được chăm lo khá nhưng chưa đủ. Các khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh ta cần có khu liên hợp thể thao- văn hoá để công nhân sinh hoạt, vui chơi sau những ngày lao động”.

Tính đến nay, Ban quản lý các Khu Công nghiệp Tây Ninh đã cấp thêm 11 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký 39,2 triệu USD và 52,85 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực lên 165 dự án. Các dự án đã thu hút 34.639 lao động, trong đó tập trung chủ yếu ở Khu Công nghiệp Trảng Bàng và Khu Công nghiệp- Khu Chế suất Linh Trung III. Tuy nhiên, hiện tại hai nơi tập trung đông công nhân này mới có 2 sân bóng đá (một sân của Công ty hạ tầng các khu công nghiệp Tây Ninh và sân còn lại của Khu Công nghiệp- Khu Chế xuất Linh Trung III) nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, rèn luyện thân thể của công nhân. Trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động. Số lượng công nhân sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện tại. Vì vậy, việc đầu tư các khu liên hợp thể thao- văn hoá để góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho công nhân là vấn đề cần được quan tâm.

Thảo Nguyên - Võ Cường