Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mỗi lần về xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tôi đều cảm nhận vùng đất này không ngừng thay da đổi thịt. An Thạnh ngày trước còn có tên gọi Gò Dầu Thượng, là làng ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông. An Thạnh ngày nay đã là xã nông thôn mới.
Nông dân An Thạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác trên đồng ruộng.
Ngược dòng lịch sử, vào giữa thế kỷ XVII, khi Trịnh - Nguyễn phân tranh, nội chiến kéo dài, dân tình đói khổ, một số đồng bào miền Trung rời bỏ quê hương vào Nam sinh sống. Trong đó có 16 hộ gia đình gồm các họ Lê, Nguyễn, Trần, Trương… theo sông Vàm Cỏ đến một gò đất cao có nhiều cây dầu cổ thụ, xung quanh được bao bọc bởi đầm lầy, sông rạch. Họ quyết định dừng chân, khai cơ lập nghiệp, đặt tên vùng đất này là làng Gò Dầu Thượng. Họ sát cánh bên nhau làm ăn sinh sống, cùng nhau chống thú dữ, thiên tai, cướp phá, giữ gìn thành quả lao động của mình trên vùng đất mới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã An Thạnh có những thay đổi. Năm 1948, do yêu cầu lãnh đạo của công cuộc kháng chiến, Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Trảng Bàng sáp nhập An Thạnh cùng với Lợi Thuận thành liên xã An Thạnh - Lợi Thuận; sau đó hợp nhất thành xã An Thạnh Lợi. Tháng 3.1955, tổ chức trên không còn phù hợp với yêu cầu cách mạng mới, Huyện uỷ Gò Dầu tách An Thạnh Lợi thành hai xã An Thạnh và Lợi Thuận như trước. Đến đầu năm 1962, Huyện uỷ Bến Cầu được thành lập, An Thạnh là 1 xã thuộc huyện Bến Cầu.
Là người sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, ông Huỳnh Văn Truyện, 66 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã An Thạnh nhớ lại, ngày xưa đất đai ở đây hoang hoá, có nhiều rừng tràm và thú dữ. “Trên gò có nhiều cây rừng. Dưới bưng có tràm. Hồi trước, ông già tôi khai phá 3 ha đất, sau này đánh gốc, lôi lên nhiều gốc tràm bự lắm”- ông Truyện nhớ lại.
Theo lời ông Truyện, sau khi dân làng khai khẩn đất hoang, làm ăn sinh sống, tên làng, tên ấp cũng dần hình thành. Như xuất phát của tên gọi ấp Bà Đau là trong địa bàn có nhiều cây mây nước- tiếng Khmer gọi là “Phrếch B’ dau”- người dân địa phương gọi trại ra là Bà Đau. Sau ngày miền Nam giải phóng, ấp Bà Đau được đổi tên là ấp Chánh cho đến ngày nay; còn tên ấp Voi được đặt theo lời kể của người dân, ngày xưa, khu vực này có nhiều voi đi qua và để lại nhiều vết tích...
An Thạnh với lợi thế có nhiều đồng ruộng, sông rạch bao quanh, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận tiện, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, đất đai An Thạnh bị bom cày đạn xới, thiệt hại nặng nề. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, chính quyền và nhân dân An Thạnh bắt tay vào xây dựng lại quê hương.
Trước đây, con đường từ cầu Gò Dầu về cửa khẩu Mộc Bài (ngang địa bàn xã An Thạnh) chỉ là con đường nhựa nhỏ, những năm qua đã được nâng cấp mở rộng thành đường xuyên Á. Sự đầu tư hạ tầng giao thông này đã tạo điều kiện thuận lợi để An Thạnh phát triển về mọi mặt. Còn nhớ trước năm 2000, con đường Trà Cao - Phước Chỉ, nối liền xã An Thạnh về các xã cánh Tây của thị xã Trảng Bàng vẫn là đường nhựa nhỏ, xuống cấp, trũng thấp, hằng năm, vào mùa mưa lũ, con đường bị chìm trong biển nước.
Những năm gần đây, con đường được nâng cấp mở rộng, mùa mưa bão, người dân các xã này vẫn đi lại dễ dàng. Từ khi giao thông thuận lợi, An Thạnh cũng được “đánh thức”. Cánh đồng rộng hơn 440 ha trên địa bàn xã không còn hoang hoá. Người dân địa phương đã biến vùng đất hoang năm nào thành vùng chuyên canh cây lúa, đạt năng suất cao.
Gò Ông- một trong những địa danh nổi tiếng của An Thạnh cũng phát huy tiềm năng lợi thế của mình. Gò Ông gắn với sự tích “Lệnh ông chúa Tàu”. Theo truyền thuyết, xa xưa, nơi đây là vùng sông nước, có một chiếc thuyền bị đắm. Thuyền trưởng và toàn bộ thuỷ thủ đều thiệt mạng. Theo năm tháng, phù sa bồi đắp lên chiếc thuyền và trở thành gò đất. Người dân trong làng được một người tự xưng là chúa tàu- thuyền trưởng của chiếc tàu bị đắm- hiển linh về báo rằng, ông và thuỷ thủ trên tàu đều là nghĩa quân chống Pháp xâm lược. Cho rằng việc làm của ông chúa Tàu phù hợp với chính nghĩa và nguyện vọng của mình, người dân An Thạnh cung kính lập miếu thờ ông như một bậc công thần.
Trước đây, trên Gò Ông có 3 cây da cổ thụ, cành lá sum xuê, che phủ cả một vùng rộng lớn, tạo thành không gian vừa âm u, mờ ảo vừa huyền bí, linh thiêng. Trên các cây da có nhiều đàn chim, vạc về làm tổ, sinh sôi nảy nở. Năm 1975, trong chiến tranh, bom đạn đã thiêu rụi cả 3 cây da. Hiện nay, trên Gò Ông không còn 3 cây da cổ thụ, nhưng những câu chuyện huyền thoại xung quanh gò đất này vẫn còn lưu truyền trong dân gian. Trước đây, mỗi năm đến ngày rằm tháng 3 âm lịch đều tổ chức lễ hội tại Dinh Ông. Lễ hội kéo dài 3 ngày 3 đêm, có tổ chức hát bội. Ngày nay, lễ hội vẫn còn nhưng quy mô nhỏ hơn.
Đại Dương - Thuỳ Dung