Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số:
Đổi thay nhờ chính sách
Chủ nhật: 08:36 ngày 18/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu có 438 hộ đồng bào Chăm sinh sống với trên 1.800 nhân khẩu.

Sự chuyển mình ở ấp Chăm

Ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu có 438 hộ đồng bào Chăm sinh sống với trên 1.800 nhân khẩu. Theo UBND xã Suối Dây, năm 2016, số hộ nghèo toàn xã chiếm 1,89% dân số, trong đó, hộ người Chăm chiếm khá đông. Đến năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 0,96%. Hiện tại, ấp Chăm chỉ còn 27 hộ nghèo, cận nghèo. Theo ông Hà Huy Châu- PCT UBND xã, những năm qua, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ được các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể tích cực triển khai thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại những chuyển biến tích cực.

Ấp Chăm hôm nay có đường sá thông thoáng, rộng rãi, nhà cửa khang trang kiên cố. Tại đây có lớp mẫu giáo dành riêng cho con em người Chăm. 100% trẻ trong ấp đều được đến trường. Đồng bào dân tộc Chăm được hỗ trợ mua BHYT. Gần đây, hai công trình thắp sáng đường quê được thực hiện trong địa bàn ấp. Từ năm 2018 đến nay có 18 căn nhà được cấp uỷ, chính quyền trích từ các nguồn quỹ và vận động mạnh thường quân xây tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn, giúp bà con có nhà, an tâm với cuộc sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo.


Ông Hồ Đức Hải- Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh tặng quà cho đồng bào dân tộc Chăm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó nhiều nhất là Khmer, Chăm, Hoa. Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung trên địa bàn huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh. Những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền luôn quan tâm thực hiện việc nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần kéo giảm khoảng cách về sự phát triển giữa các dân tộc, tăng cường khối đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.

Không chỉ vậy, nhiều gia đình trẻ được hỗ trợ vốn vay, giúp họ vượt qua khó khăn. Trước đây, hộ anh Abu Gari, 33 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, cả nhà chen chúc sống trong căn chòi. Để mưu sinh, vợ chồng đều đi làm thuê, công việc không ổn định. Năm 2018, anh Abu Gari được hỗ trợ xây nhà tình thương, từ đó vợ chồng an tâm làm lụng, chăm lo việc học cho con cái. Ở địa phương, vợ chồng anh Cham Hana Phi cũng được nhận hỗ trợ nhà ở, bò sinh sản. Từ nay họ có thể an tâm làm việc, tích góp và nuôi hai con ăn học.

Ông Hà Huy Châu- PCT UBND xã Suối Dây cho biết thêm, ngoài hỗ trợ về vật chất, xã còn tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho bà con ấp Chăm. Hằng năm, ấp Chăm đón những thanh niên tình nguyện về tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, thực hiện các công trình công ích giúp đời sống tinh thần của bà con ngày thêm phong phú. “Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương”- ông Châu nhấn mạnh.

Hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ

Với vai trò là trung tâm đại đoàn kết toàn dân tộc, là mái nhà chung, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã luôn quan tâm chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà.

Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con có sự thay đổi rõ rệt, mức sống ngày một nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh nhà. Trước đây, thực hiện Nghị quyết 134 và Chương trình 135 của Chính phủ, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Lớp mẫu giáo của trẻ em người dân tộc Chăm, xã Suối Dây.

Lãnh đạo xã Suối Dây thăm mô hình kinh tế của hộ đồng bào dân tộc tại ấp Chăm.

5 năm qua, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh thường xuyên tiếp xúc, đối thoại và khảo sát để nắm tình hình đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số để có những đề xuất hỗ trợ cho đồng bào dân tộc nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Từ năm 2016 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã xây tặng 132 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ các nguồn vốn vay không lãi suất khoảng 2 tỷ đồng cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu tư chăn nuôi trâu, bò và canh tác nông nghiệp. 

MTTQ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ dân tộc nghèo và cận nghèo. Từ năm 2016 đến năm 2019, số hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể, từ 4,32% xuống còn 2,54%, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 102/2.796 hộ, chiếm 3,64% trong tổng số hộ nghèo của tỉnh.

Vào các ngày lễ, tết của đồng bào các dân tộc, như: tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Sen Dolta của dân tộc Khmer, Sa Uool Cô Ka Mool của người Tà Mun, tết Nguyên tiêu của dân tộc Hoa, tháng Ramadan và Roya Ramadan của dân tộc Chăm Islam... MTTQ các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc mừng và tặng hàng ngàn phần quà trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

MTTQ các cấp trong tỉnh còn chủ động, sáng tạo trong các phương thức hỗ trợ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số bằng việc xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, “Đồng bào dân tộc Khmer tự phòng, tự quản về ANTT”, “Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc Khmer tham gia bảo vệ môi trường”... Các mô hình này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo sự lan toả, được đồng bào các dân tộc thiểu số nhiệt tình hưởng ứng.

Theo ông Hồ Đức Hải: “Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh hiện nay đã được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong thời gian tới, MTTQ sẽ tiếp tục tham mưu cấp uỷ, phối hợp UBND và các ngành thực hiện chính sách giảm nghèo; khảo sát đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn về nhà ở, nguồn vốn sản xuất, đào tạo nghề cho bà con...”.

VI XUÂN

Tin cùng chuyên mục