BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đổi thay ở dự án Cofaci

Cập nhật ngày: 07/10/2012 - 04:30

(BTN)- Cofaci là một trong những dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện khá sớm ở Tây Ninh. Đây là dự án có diện tích khá lớn- hơn 1.500 ha (thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) và được cấp phép đầu tư từ trước năm 2000. Do nhiều yếu tố tác động khiến cho việc sản xuất kinh doanh nhiều năm qua không ổn định, có năm hiệu quả đạt rất thấp. Thế nhưng bắt đầu từ năm 2012, vùng đất dự án này đã thay đổi hẳn.

Bón phân cho mía bằng cơ giới

Thất bại trong vụ sản xuất gần nhất ở dự án đầu tư Cofaci là vụ mía năm 2011. Trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn dự án là 1.529,7 ha có hơn 1.100 ha đất đã có mía đứng, trong đó có cả mía lưu gốc và mía trồng mới. Nếu với năng suất bình quân của tỉnh trong năm rồi, thấp nhất dự án Cofaci cũng sản xuất được sản lượng hơn 50.000 tấn. Thế nhưng trong vụ rồi sau khi thu hoạch, hơn 1.100 ha mía ở đây chỉ cho sản lượng chưa tới 28.500 tấn- nghĩa là bình quân mỗi ha mía chỉ đạt năng suất chưa đến 25,5 tấn. Với năng suất này chẳng những dự án bị lỗ nặng mà hiệu quả sử dụng hàng ngàn ha đất ở đây cũng quá thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát này là do chủ dự án đầu tư vốn yếu, khâu quản lý sản xuất kém khiến cây mía không thể phát triển nổi.

Vụ mía 2011-2012, dự án Cofaci có sự thay đổi nhà đầu tư trồng mía. Từ đó kéo cả vùng đất rộng hơn 1.500 ha thay đổi theo và chỉ sau 1 vụ sản xuất cây mía ở đây đã khác hẳn. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây trong thời điểm này là hạ tầng đã được cải tạo bài bản. Hầu hết các con đường vào vùng nguyên liệu mía đều được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho xe cơ giới đến từng lô trồng mía, dọc hai bên đường còn được trồng các hàng cây dầu bản địa. Hầu hết các tuyến kênh cũng đã được nạo vét thông thoáng để tháo úng cục bộ trong mùa mưa. Còn cánh đồng mía thì đang phát triển xanh mướt. Ông Nguyễn Quang Hợp- nhà đầu tư mới ở dự án Cofaci cho biết, vụ mía năm nay ông đã bỏ ra hơn 50 tỷ đồng để cải tạo hạ tầng và đầu tư cho cây mía- trong đó có một phần từ hợp đồng đầu tư và cung ứng nguyên liệu với Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh. Trên diện tích hơn 1.100 ha cũ, ông Hợp cày bỏ hơn 300 ha để trồng mới. Phần diện tích mía lưu gốc có thể khôi phục, ông tập trung đầu tư chăm sóc để tăng khả năng sinh trưởng. Ngoài ra ông Hợp còn trồng thêm khoảng 200 ha mía mới nữa. Tính ra đến nay ở dự án Cofaci đã có được hơn 1.300 ha mía, trong đó có 800 ha mía lưu gốc và hơn 500 ha mía trồng mới. Hầu hết các công đoạn canh tác ông Hợp đều cho áp dụng cơ giới hóa- từ làm đất, trồng mía đến chăm sóc, bón phân. Đặc biệt, ông thuê người bóc lá mía toàn bộ vùng nguyên liệu để tránh sâu bệnh và tăng năng suất.

Theo đánh giá của các chuyên gia mía đường thì vùng nguyên liệu mía thuộc địa bàn dự án Cofaci năm nay sẽ có năng suất bình quân không dưới 60 tấn/ha. Tính ra cả dự án sẽ có tổng sản lượng không dưới 80.000 tấn mía nguyên liệu- cao hơn gấp 3 lần so với trước khi thay đổi nhà đầu tư. Chỉ sau 1 năm thay đổi cách đầu tư và quản lý sản xuất, vùng nguyên liệu mía Cofaci đã cho hiệu quả rất đáng kể- chiếm đến 1/10 tổng sản lượng mía đưa vào chế biến ở nhà máy đường SBT. Và hiệu quả được đánh giá quan trọng nhất là toàn bộ sản lượng hơn 80.000 tấn mía nguyên liệu sản xuất tại đây sẽ là sản lượng mía của tỉnh vì được cung ứng cho nhà máy trong tỉnh. Trước đây, sản lượng mía từ dự án Cofaci- dù nhiều hay ít đều được cung ứng cho nhà máy ngoài tỉnh.

Tương lai phát triển cây mía ở vùng đất mà dự án Cofaci trước đây đã đầu tư không hiệu quả, hiện nay đã cho thấy trước mắt. Nếu tiếp tục đầu tư đúng mức, những năm tới đây năng suất mía vùng nguyên liệu này sẽ còn tiếp tục tăng và tổng sản lượng mía có khả năng vượt trên 100.000 tấn. Tuy nhiên hiện nay chủ đầu tư mới vẫn còn nỗi băn khoăn. Trước tiên là vấn đề cơ giới hoá khâu thu hoạch. Theo ông Hợp, trong những năm qua nhà nước và các nhà máy ở Tây Ninh đã đầu tư nghiên cứu cơ giới hoá thành công ở nhiều khâu, nhưng khâu thu hoạch đến nay vẫn chưa thực hiện cơ giới hoá đại trà được. Với diện tích hơn 1.300 ha mía, nếu không được cơ giới hoá thì đến thời điểm thu hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nhân công. Và để có thể yên tâm tập trung đầu tư khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu mía tại đây trong những năm tới, ông Hợp mong muốn lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng sớm cho phép Công ty Hưng Thịnh của ông được chính thức chuyển nhượng lại dự án Cofaci để có đủ tính pháp lý theo quy định.

Sơn Trần